Một nhóm những nhà báo quốc tế, làm việc với những tài liệu rò rỉ từ một công ty luật ở Panama, kết luận rằng những cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuyển tới 2 tỉ đôla qua những tài khoản ngân hàng ở nước ngoài trong khoảng thời gian gần 40 năm.
Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế, liên minh với tờ báo Sueddeutsche Zeitung của Đức và hơn 100 hãng tin khác, cho biết trong một báo cáo hôm Chủ nhật rằng 11,5 triệu tài liệu từ công ty luật Mossack Fonseca của Panama cho thấy hàng chục giao dịch "dính dáng tới những người hoặc những công ty liên kết với Putin" từ năm 1977 đến cuối năm 2015.
Gửi tiền trong những tài khoản ở nước ngoài không nhất thiết là bất hợp pháp, và có thể được sử dụng để thiết lập nơi tránh thuế hợp pháp hoặc làm cho những thỏa thuận kinh doanh quốc tế trở nên dễ dàng. Nhưng báo cáo cho biết "những tài liệu cho thấy những ngân hàng, những công ty luật và những tác nhân nước ngoài khác thường không tuân thủ những quy định pháp lý buộc họ phải đoan chắc rằng khách hàng của họ không dính dáng đến những tổ chức tội phạm, trốn thuế hoặc tham nhũng chính trị."
Điện Kremlin tuần trước không trả lời câu hỏi của phóng viên về những giao dịch này, và đã công khai cáo buộc nhóm nhà báo là chuẩn bị một "cuộc tấn công thông tin" sai lệch nhắm vào nhà lãnh đạo Nga và những người thân cận với ông ta.
Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) là một tổ chức phi lợi nhuận đặt ở thủ đô Washington của Mỹ.
Sueddeutsche Zeitung, đặt tại thành phố Munich, hôm Chủ nhật cho biết họ đã nhận được dữ liệu từ một nguồn ẩn danh từ hơn một năm trước. Báo này nói số lượng dữ liệu mà họ nhận được còn lớn hơn so với những điện tín ngoại giao của Mỹ bị WikiLeaks công bố vào năm 2010, và những tài liệu tình báo bí mật được Edward Snowden trao cho những nhà báo vào năm 2013.
Ngoài những liên kết với ông Putin, ICIJ cho biết những tài liệu này:
- Tiết lộ tài sản ở nước ngoài của 140 chính trị gia và quan chức công cử khắp thế giới, bao gồm 12 nhà lãnh đạo thế giới hiện tại và trước đây. Trong số đó có thủ tướng của Iceland và Pakistan, tổng thống của Ukraine và Argentina, và quốc vương Ả-rập Saudi.
- Bao gồm tên của ít nhất 33 người và công ty bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách đen vì những bằng chứng cho thấy họ dính líu vào những hành vi sai trái, chẳng hạn như làm ăn với những trùm ma túy Mexico, những tổ chức khủng bố như Hezbollah hay những nước bất hảo như Bắc Triều Tiên và Iran.
- Cho thấy cách thức mà những ngân hàng lớn đã thúc đẩy việc tạo ra những công ty khó lần ra dấu vết ở những nơi tránh thuế ở nước ngoài. Hơn 500 ngân hàng, những công ty con và những chi nhánh của họ đã tạo ra hơn 15.000 công ty ở nước ngoài cho khách hàng của mình thông qua công ty luật Mossack Fonseca.
Công ty Panama này nói với báo The Washington Post rằng họ tuân theo "cả ngôn từ và tinh thần" của pháp luật tài chính, vốn khác nhau ở khắp thế giới. Công ty nói rằng trong gần 40 năm hoạt động họ chưa bao giờ bị cáo buộc có hành vi phạm tội nào cả.
Báo cáo cho biết Quần đảo Virgin thuộc Anh là nơi tránh thuế ở nước ngoài phổ biến nhất, với một trong số hai công ty trong những hồ sơ của Mossack Fonseca đang được lập ra một cách hợp pháp ở đó. Panama, Bahamas và Seychelles là những địa điểm tiếp theo trong danh sách.
Báo cáo của ICIJ cũng làm sáng tỏ một vụ cướp vàng vào năm 1983 ở Anh được mệnh danh "Tội ác của Thế kỷ."
Những kẻ cướp lấy trộm gần 7.000 thỏi vàng từ kho Brink's-Mat tại sân bay Heathrow ở London, cùng với tiền mặt và kim cương. Nhưng vàng được nấu chảy và đem bán, và phần lớn số tiền không bao giờ lấy lại được.
Báo cáo cho biết một tài liệu của Mossack Fonseca cho thấy một quan chức tại một công ty mà công ty luật này tạo ra 16 tháng sau vụ trộm "dường như có dính dáng đến việc quản tiền từ vụ trộm nổi tiếng từ Brink's-Mat ở London. Bản thân công ty không được sử dụng một cách phi pháp, nhưng có thể là công ty đầu tư tiền thông qua những tài khoản ngân hàng và tài sản có nguồn gốc bất chính."
Công ty luật này phủ nhận họ giúp che giấu số tiền lấy được từ vụ trộm ở London.