Một bản tin độc quyền của Reuters dẫn lời hai nguồn thạo tin cho hay phần mềm chống thất tốc của Boeing trên máy bay gặp nạn của hãng Hàng không Ethiopia đã hoạt động trở lại tới 4 lần sau khi tổ bay thoạt tiên đã tắt nó đi do có nghi ngờ về dữ liệu từ một cảm biến về luồng không khí.
Vẫn chưa rõ liệu có phải tổ bay đã lựa chọn bật lại hệ thống này hay không. Hệ thống này làm cho đầu máy bay Boeing 737 MAX chúc xuống. Nhưng một người am hiểu về vấn đề này cho biết các nhà điều tra đang nghiên cứu về khả năng phần mềm đã tham gia điều khiển mà không có sự can thiệp của con người.
Phần mềm chống thất tốc của Boeing, được gọi là MCAS, hiện là tâm điểm của các cuộc điều tra về cả vụ tai nạn của hãng Hàng không Ethiopia vào tháng trước, lẫn vụ tai nạn của hãng Lion Air ở Indonesia vào tháng 10/2018, làm chết tổng cộng gần 350 người.
Những người nắm thông tin về cuộc điều tra nói rằng phần mềm chống thất tốc - nó tự động làm cho đầu máy bay chúc xuống để tránh tình trạng mất lực nâng - đã được kích hoạt vì nhận được dữ liệu sai về góc tấn từ một cảm biến duy nhất.
Cuộc điều tra giờ đây chuyển sang tìm hiểu xem làm thế nào mà MCAS ban đầu bị các phi công vô hiệu hóa, tuân theo quy trình trong tình huống khẩn cấp, nhưng sau đó dường như nó liên tục hoạt động trở lại trước khi máy bay rơi xuống mặt đất, những người thạo tin cho hay.
Một chỉ thị đã được ban hành sau vụ tai nạn ở Indonesia, với chỉ dẫn rằng các phi công cần sử dụng các công tắc ngắt để cô lập hệ thống trong trường hợp xảy ra sự cố và cứ để nó trong trạng thái bị tắt.
Các nhà điều tra đang tìm hiểu xem liệu có tồn tại bất kỳ điều kiện nào mà khi đó MCAS có thể tự động kích hoạt lại hay không, dù các phi công không hủy việc tắt phần mềm đó. Boeing hiện đang trong quá trình nâng cấp phần mềm trong khi đào tạo thêm cho các phi công.
Dự kiến sẽ có báo cáo sơ bộ về cuộc điều tra trong vòng vài ngày tới.