Theo truyền thống dịp Giáng Sinh, một nhóm trẻ em Mỹ gốc Việt vừa viết chung một điều ước gửi Tổng thống Donald Trump, xin người đứng đầu nước Mỹ giúp đỡ để đưa hai bà mẹ đang thụ án tù tại Việt Nam trở về sum họp với các con của họ.
Ngay bên dưới câu mở đầu chung trên thiệp, “Ông già Noel thân mến, tất cả những gì con mong muốn trong dịp Giáng sinh là tự do cho những người mẹ của bạn con”, là “điều ước” riêng của từng em trong nhóm học sinh trường Việt ngữ Thăng Long ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
“Thưa ngài Tổng thống và phu nhân Melania Trump, xin hãy dùng quyền lực của ngài, giúp yêu cầu chính phủ Việt Nam phóng thích hai người mẹ đơn thân cùng một lúc. Xin hãy chứng tỏ cho thế giới biết rằng ngài luôn ủng hộ cho lẽ phải”, một em trong nhóm viết bằng tiếng Anh.
“Xin hãy giúp cho những đứa trẻ này. Mẹ của chúng không làm gì hại đất nước cả. Họ xứng đáng được hưởng tự do. Họ không nên bị bỏ tù đến 10 năm. Họ nên được ở cùng với những đứa con của mình. Xin hãy biến điều này thành hiện thực”, một học sinh ký tên Nathan Tran viết.
Ông Hoàng Vi Kha, thành viên trong Ban điều hành trường Thăng Long, nói với VOA rằng ý tưởng viết thiệp “I wish” gửi Tổng thống Trump bắt nguồn từ truyền thống viết điều ước trên thiệp của trẻ em Mỹ vào dịp Giáng Sinh. Những tấm thiệp có chung một điều ước là tự do cho blogger Mẹ Nấm và nhà hoạt động Trần Thị Nga đã được các học sinh viết ngay trong một buổi học tiếng Việt. Đây là một trong nhiều hoạt động của trường nhằm giúp trẻ em gốc Việt nhận thức và chia sẻ với người dân đang sống tại Việt Nam.
Ông Kha kể: “Khi đưa ra những sự kiện như vậy, nhiều em sốc lắm. Có em rơm rớm nước mắt. Khi kể đến việc Mẹ Nấm y án 10 năm tù, có em buột miệng nói ‘It’s not fair. Why they do that? They didn’t reserve that’ (Không công bằng. Tại sao họ lại làm như vậy? Họ không đáng phải bị như thế). Lúc đó, thầy cô mới nói các em bình tĩnh lại và khuyến khích các em có suy nghĩ gì thì nên viết ra. Thầy cô không gợi ý, mào đầu cho các em viết. Các em nghĩ như thế nào thì cứ viết như vậy”.
Trước đó, trường Thăng Long cũng tổ chức những hoạt động như thảo luận về thảm họa môi trường Formosa trong Ngày Đại Dương và các hoạt động tìm hiểu văn hóa, lịch sử khác.
“Đầu tiên là chúng tôi muốn thế hệ trẻ, những thế hệ tiếp nối, ý thức về những gì đang diễn ra tại Việt Nam nói riêng và tinh thần dấn thân, quan tâm đến xã hội, đến con người và chia sẻ. Đó là điều mà chúng tôi đặt lên hàng đầu. Thứ nhì, chúng tôi hy vọng trẻ em làm việc này có thể đóng góp không nhiều, nhưng cũng có thể cho chính quyền Hoa Kỳ và những nước tự do trên thế giới biết được sự kiện diễn ra tại Việt Nam và gom thành hồ sơ nhân quyền khi có cơ hội đàm phán với bên Việt Nam”, ông Kha cho biết thêm.
Từ Nha Trang, bà Nguyễn Thi Tuyết Lan, mẹ blogger Mẹ Nấm, nói với VOA rằng bà rất cảm động khi nhìn thấy những tấm thiệp được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, một cử chỉ mang lại sự ấm áp cho những đứa cháu thiếu hơi mẹ của bà.
“Xin cám ơn những người đã nghĩ ra ý tưởng này. Xin cám ơn các em đã đồng hành với gia đình chúng tôi. Tôi rất xúc động khi nhìn thấy những nét chữ thơ ngây nhờ ông Trump đem mẹ về cho Nấm, Gấu, Tài, Phú. Nấm vui lắm. Nấm nói ‘mấy người ở nước ngoài cũng viết chữ đẹp quá, Ngoại hen’”.
Sau phiên tòa phúc thẩm tuần qua, Việt Nam giữ y án 10 năm tù đối với Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88.
Trước đó, vào tháng 7, nhà hoạt động vì môi trường Trần Thị Nga cũng bị tòa án Việt Nam kết án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế với tội danh tương tự.
Cả hai nhà hoạt động đều có hai con nhỏ từ 4 – 11 tuổi.