Phải mất đến hai năm kể từ lúc Tổng thống Mỹ Barak Obama bất ngờ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng Năm năm 2016, Bộ Quốc phòng Việt Nam mới thỏa thuận được hợp đồng đầu tiên mua vũ khí của Mỹ, giá trị gần 100 triệu USD, dù chưa được tiết lộ là bao gồm các loại vũ khí nào và liệu có được Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn thuận hay không.
Quốc hội Việt Nam đi mua vũ khí Mỹ?
Điều tréo ngoe là một lần nữa trong rất nhiều lần, tin tức trên được tiết lộ từ phía Mỹ, qua đài VOA, chứ không phải do chính thể Việt Nam vốn bị Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) xếp vào nhóm chót bảng thế giới về độ minh bạch.
Một sự thể oái oăm khác là đơn đặt hàng trên có vẻ không được giao kết bởi giới quan chức Bộ Quốc phòng Việt Nam, mà lại thông qua… Quốc hội nước này.
Trước khi tin tức trên xuất hiện trên VOA vào ngày 2/8/2018, đã có một chuyến công du đến Mỹ của Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam Đỗ Bá Tỵ. Khác với chuyến công du Hoa Kỳ trước đây vào năm 2013 trên cương vị Thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam, vào lần này Phó chủ tịch quốc hội Đỗ Bá Tỵ không phải thăm viếng lưỡng viện Hoa Kỳ mà đã đến thẳng Lầu Năm Góc - nơi ở đó quan chức này được đón tiếp bởi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan vào ngày 23/7.
Tuy nhiên, chuyến công du Hoa Kỳ lần này của ông Tỵ chỉ được báo chí nhà nước Việt Nam tường thuật ngắn gọn đến mức khiến phát sinh dư luận cho rằng chẳng biết vị phó chủ tịch quốc hội này thực chất đi Mỹ để làm gì, hay chỉ là một chuyến du ngoạn như cái cách mà vào năm ngoái viên thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã đến Mỹ để trao trả vài lá thư thời chiến tranh Việt Nam cho cựu phi công bị bắn rơi là John McCain.
Trước đại hội 12 của đảng cầm quyền ở Việt Nam vào đầu năm 2016, Đỗ Bá Tỵ mang cấp hàng đại tướng, là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên vì bị xem là ‘cánh Nguyễn Tấn Dũng’ (thủ tướng Việt Nam khi đó), ông tướng quân đội Đỗ Bá Tỵ đã bị điều chuyển sang Quốc hội làm cấp phó cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân ăn mặc diêm dúa ngay sau đại hội 12.
Cuộc gặp của Đỗ Bá Tỵ với Patrick M. Shanahan trong cuộc gặp cuối tháng Bảy năm 2018 lại đề cập đến hàng loạt vấn đề thuộc khối quốc phòng, chứ không phải là nội dung của quốc hội, như an ninh trên biển, gìn giữ hòa bình, quân y và an ninh mạng, và đặc biệt là Biển Đông – một chủ đề đang rất nhanh chóng biến thành mối xung đột tay ba Mỹ - Trung - Việt.
Trong khi chuyến công du Hoa Kỳ của Đỗ Bá Tỵ vẫn còn gây nghi ngờ trong giới quan sát chính trị về vai trò của ông Tỵ không biết về thực chất là Phó chủ tịch quốc hội hay ‘Đại tướng’ thay mặt cho Bộ Quốc phòng Việt Nam, chỉ hai tuần sau đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ bất ngờ khẳng định với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.
Quan chức này nói thêm: “Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng Việt Nam hiện có 24 trường hợp trong chương trình Mua bán Quân sự Nước ngoài với tổng trị giá là 69,7 triệu đôla”.
Theo VOA Việt Ngữ, các vụ này đã được thông báo cho Quốc hội Mỹ và đang trong các giai đoạn khác nhau để triển khai và chuyển giao cho Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ năm 2012 tới 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cho phép Việt Nam mua các mặt hàng quân sự, trong đó có các thiết bị điện tử quân sự, trị giá 25 triệu đôla thông qua chương trình Mua bán Thương mại Trực tiếp. Mua bán Quân sự Nước ngoài (FMS) và Mua bán Thương mại Trực tiếp (DCS) là hai chương trình chính để Hoa Kỳ chuyển giao các dịch vụ và thiết bị quốc phòng cho đồng minh và đối tác. Cụ thể, FMS là một chương trình chuyển giao giữa hai chính phủ. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua đơn đặt hàng, rồi đối tác trả tiền cho thiết bị và Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng hệ thống của mình để mua rồi chuyển cho đối tác. Trong khi đó, theo chương trình DCS, đối tác đạt thỏa thuận với một nhà sản xuất Mỹ, nhưng nhà sản xuất phải được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp giấy phép thông qua vụ mua bán trước khi chuyển giao thiết bị…
Đến lúc này, vai trò đi Mỹ của Đỗ Bá Tỵ đã dần lộ ra: Bộ Chính trị Việt Nam muốn cho ông Tỵ ‘sắm hai vai’ - vừa lập lờ trong tư thế ‘cựu thứ trưởng quốc phòng’ để làm việc với Bộ Quốc phòng Mỹ về mua vũ khí, vừa trong vai trò một quan chức cao cấp của Quốc hội để vận động Quốc hội Hoa Kỳ mau chóng thông qua chương trình cho Việt Nam mua vũ khí của Mỹ.
Trong khi đó, đã không có bất kỳ quan chức lãnh đạo nào của Bộ Quốc phòng Việt Nam xuất hiện để ký kết với Mỹ về mua vũ khí.
Vì sao thế?
‘Đảng anh’ và ‘đảng em’
Lý do đơn giản và dễ hiểu nhất vẫn là lời truyền miệng dân gian đương đại: ‘đảng em’ Việt Nam luôn lo ngại và sợ hãi ‘đảng anh’ Trung Quốc. Bối cảnh Biển Đông đang khá nhanh lao vào không khí xung đột giữa Mỹ với Trung Quốc và đương nhiên kéo theo kẻ phải chịu số phận ‘lời nguyền địa lý’ là Việt Nam đã luôn khiến Bộ Chính trị đảng Việt Nam nhất cử nhất động đều sợ sệt Bắc Kinh.
Một trong những bằng chứng hùng hồn nhất về ý chí tăng trưởng đến mức á khẩu như thế là kể từ đầu năm 2016 khi quân đội Trung Quốc đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa - nơi mà từ năm 1974 đến nay chỉ còn tồn tại trên bản đồ hành chính Việt Nam như tên gọi một địa danh, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chẳng hề dám công bố bất kỳ thông tin nào về động tác trả đũa, dù rằng vào nửa cuối năm 2016 cơ quan rất có năng khiếu về ‘kinh tế quốc phòng’ này - như công trình sân golf Tân Sơn Nhất gây bão tố dư luận xã hội - đã được báo chí phương Tây phát hiện đã đưa tên lửa ra quần đảo Trường Sa nhằm ‘dằn mặt’ Trung Quốc.
Chỉ sau cơn khủng hoảng mang tên ‘Hải Dương 981’ vào năm 2014 và sau vụ tên lửa Trung Quốc năm 2016, đến gần đây mới hiện ra những bằng chứng cho thấy chính thể Việt Nam và quân đội bị xem là không có mấy tinh thần ‘sẵn sàng chiến đấu’ của nước này muốn gia cố lại hệ thống vũ khí và khí tài quân sự đã khá lạc hậu sau nhiều năm dùng của Liên Xô.
Một trong những bằng chứng quan tâm đến vũ khí phương Tây là sau khi được dỡ bỏ lệnh cấm mua vũ khí sát thương, Việt Nam đã âm thầm mua chịu nửa tỷ USD tín dụng quân sự của Ấn Độ và hỏa tiễn của Israel - đều là những đồng minh quân sự của Mỹ.
Thế nhưng lịch sử quá ngắn ngủi về ‘mua vũ khí Mỹ’ của Việt Nam lại không hề thuận buồm xuôi gió, đặc biệt quá kém tính trong sáng.
‘Lại quả’
Vào tháng Tám năm 2017, đài VOA dẫn lại một phát hiện độc đáo trong bài viết có tựa đề “Quan chức Việt Nam đòi Mỹ ‘lại quả’ từ các hợp đồng mua vũ khí”.
‘Lại quả’ là một từ lóng thuộc về dân làm ăn khuất tất, chạy chọt và hối lộ ở miền Bắc Việt Nam.
Theo đó, một hãng tin tình báo quốc phòng của Anh đã tiết lộ rằng các quan chức chính phủ Việt Nam yêu cầu các đối tác của Mỹ trả 25% hoa hồng cho các thương vụ mua bán vũ khí.
Thông tin của Shephard Media trích dẫn một nguồn tin quốc phòng của Mỹ cho biết các giới chức quốc phòng Việt Nam thông báo cho phái đoàn của Mỹ ở Hà Nội rằng các thương vụ mua bán vũ khí phải được “lại quả” 1/4 của tổng giá trị. Cũng theo nguồn tin này, cuộc họp đã “đột ngột dừng lại” sau khi phía Việt Nam đưa ra yêu cầu đó. Nguồn tin quốc phòng Mỹ cho Shephard Media biết thông tin này tại một Hội nghị và triển lãm phòng thủ hàng hải IMDEX được tổ chức ở Singapore tháng 5/2017…
Chưa đầy 1/% của ‘12 tỷ đô thương mại’!
Ngân sách quốc phòng của Việt Nam đã tăng từ 1,3 tỷ đôla lên đến 4,6 tỷ đôla (tăng 258%) trong vòng 10 năm, từ năm 2006 - 2015, và hiện thời chiếm khoảng 9% tổng chi ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều thông tin cho biết ngân sách quốc phòng phải “giật gấu vá vai” trong những năm qua, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách quốc gia có xu hướng cạn kiệt nhanh chóng và Việt Nam đặc biệt thiếu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa và trả nợ nước ngoài.
Nói cách khác, Việt Nam đang rơi vào hố trũng hết tiền. Hết tiền cho nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển và cho cả quốc phòng.
Hẳn đó là nguồn cơn sâu xa vì sao những bản hợp đồng đầu tiên của Việt Nam mua vũ khí Mỹ chưa đầy 100 triệu USD - chỉ bằng chưa đầy 1/% so với giá trị các hợp đồng thương mại trên danh nghĩa mà chưa có cơ sở nào để coi là thực chất - mà Thủ tướng Phúc đã mang nụ cười cầu tài mang đến Washington tháng Năm năm 2017 để ve vuốt Tổng thống Trump.