Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) vừa đề nghị Bộ Chính trị xem xét thi hành kỷ luật Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng bộ Quốc phòng, vì những sai phạm trong công tác quản lý và sử dụng đất quốc phòng.
Báo điện tử của Ủy ban Kiểm tra Trung Ương hôm 3/6 cho biết rằng ủy ban này đã xem xét và thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và các cá nhân liên quan về vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 35.
Tại kỳ họp 35 từ ngày 24-26/4, UBKTTƯ kết luận rằng Ban thường vụ Quân chủng Hải quân đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, để một số cán bộ, đảng viên trong Quân chủng bị xử lý hình sự.”
Theo ủy ban này, ông Hiến, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương và nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng “cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy”. Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng "chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Quân chủng và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng,” theo kết luận của UBKTTƯ.
Ủy ban này nói rằng vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và những cá nhân, gồm cả Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình và Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo, đã “gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Quân đội, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.” Tuy nhiên, UBKTTƯ không nói rõ mức thiệt hại là bao nhiêu.
Tại kỳ họp 36 được tiến hành từ ngày 29-31/5, cùng với Đô đốc Hiến, phó Đô đốc Tình, nguyên chính ủy Quân chủng Hải quân của Bộ Quốc phòng, cũng bị đề nghị xem xét thi hành kỷ luật. Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo, nguyên phó tư lệnh Quân chủng Hải quân của Bộ Quốc phòng, bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Trong những năm gần đây, vấn đề sử dụng đất Quốc phòng, mà có người nói là “tùy tiện”, nổi lên qua vụ xung đột giữa dân và chính quyền ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ở Hà Nội. Vụ việc lên tới đỉnh điểm khi người dân bắt giữ 38 cảnh sát, xuất phát từ vụ tranh chấp gần 50ha đất của xã này mà chính quyền muốn giao cho công ty Viettel của Bộ Quốc phòng quản lý.
Ngoài ra, vụ việc các đơn vị được cho là mang danh Quân đội “chiếm lĩnh sân bay Tân Sơn Nhất và cắt một diện tích 157ha để làm sân golf” cũng đã gây nên làn sóng phản đối trong dư luận xã hội vì việc này làm cho việc mở rộng kéo dài đường băng cũ không thể thực hiện được và gây tắc nghẽn giao thông ở TP Hồ Chí Minh.
Hồi tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải kêu gọi xử lý nghiêm sai phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, theo Bnews của TTXVN.
Theo phúc trình có tên gọi “Báo cáo Việt Nam 2035” của chính phủ và Ngân hàng Thế giới, các tranh cãi về sở hữu đất đai trong nhiều năm gần đây là một trong những nguyên nhân gây bất ổn xã hội. Ngoài ra, đất đai là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trong mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân ở Việt Nam.
Số liệu trong báo cáo trên cho thấy, 70% trong số khoảng 700.000 đơn khiếu nại gửi đến chính quyền trong giai đoạn 2009-2011 có liên quan đến vấn đề thu hồi và mâu thuẫn về đất đai.