Doanh nghiệp Trung Quốc muốn làm cao tốc Bắc-Nam bất chấp lo ngại của người Việt

Một phần đồ họa của dự án cao tốc Bắc-Nam do Bộ Giao thông-Vận tải công bố. Theo bộ này cho biết các nhà thầu Trung Quốc muốn tham gia xây dựng dự án này giữa những quan ngại của công chúng Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Người Lao Động)

Các doanh nghiệp của Trung Quốc nằm trong số những nhà đầu tư muốn đấu thầu dự án cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam giữa bối cảnh có những quan ngại từ công chúng và cảnh báo của các chuyên gia về chất lượng kém cũng như tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong các dự án của họ.

Tham dự Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức hôm 17/5, có hơn 170 nhà thầu trong và ngoài nước, trong đó có các nhà thầu Trung Quốc, theo truyền thông trong nước.

Cho đến thời điểm này, Bộ GTVT đã bán ra 80 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và cả các doanh nghiệp trong nước, theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư của Bộ GTVT, được tờ Người Lao Động trích lời nói.

Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, kể từ đầu năm nay, công chúng Việt Nam đã bày tỏ quan ngại trước các thông tin nói rằng Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc đề xuất với Bộ GTVT được tham gia đầu tư vào Dự án cao tốc Bắc-Nam.

Ngoài công chúng, các chuyên gia và cả những đại biểu quốc hội cũng khuyến cáo nhà chức trách cần cân nhắc kỹ việc nhà thầu Trung Quốc muốn tham gia làm tuyến đường cao tốc “huyết mạch” của Việt Nam.

Theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, có ba nguyên nhân khiến người Việt quan ngại về các nhà đầu tư Trung Quốc. Một trong số đó là việc một số nước đã tham gia vào sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc và bây giờ “bị mắc nợ rất nặng”.

Ông Doanh đưa ra 2 ví dụ là Sri Lanka và Campuchia, những nước đã cho Trung Quốc sử dụng cảng biển và giờ đây đang là những “con nợ” lớn của Trung Quốc.

Theo East Asia Forum, Sri Lanka hiện không có khả năng trả nợ Trung Quốc trong khi Campuchia bị phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về mặt kinh tế.

“Điều thứ hai mà người dân Việt Nam rất quan tâm là đường cao tốc Bắc-Nam là đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược và có liên quan đến vấn đề về an ninh, quốc phòng. Qua những điều mà báo chí thế giới nêu lên, nhiều nước lấy làm lo ngại về việc đầu tư của Trung Quốc có thể liên quan đến những tham vọng về bá quyền, chủ quyền và những tham vọng khác về an ninh quốc phòng,” ông Doanh nói.

Hàng lang vận tải Bắc-Nam, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, “có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.” Ông Nhật được tờ Nhân Dân trích lời phát biểu khai mạc hội nghị hôm 17/5 rằng hành lang này “kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và kết nối bốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các đô thị lớn, các cảng biển, trung tâm kinh tế.”

Theo South China Morning Post, trong những tháng gần đây, các quốc gia châu, Liên minh châu Âu, Úc, Nhật và Canada đã tham gia vào “một phản ứng dữ dội toàn cầu chưa từng có” đối với vốn đầu tư của Trung Quốc với lý do là các mối quan ngại về an ninh quốc gia.

TS Doanh, người từng là cố vấn kinh tế cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, một mối lo ngại khác của công chúng Việt Nam là nếu nhà đầu tư Trung Quốc thắng thầu, họ “sẽ sử dụng hoàn toàn lao động Trung Quốc mà không sử dụng lao động Việt Nam.”

Theo thống kê của Bộ Lao đông-Thương binh và Xã hội đưa ra hồi năm 2017, lao động mang quốc tịch Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất, với 30% trong số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Liên quan đến việc dư luận lo ngại “có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc muốn tham gia các dự án” của cao tốc Bắc Nam, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư, được Thanh Niên trích lời nói hôm 17/5 rằng Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới nên theo quy định của tổ chức này, không được phân biệt đối xử với bất kỳ một quốc gia nào.

“Việc nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc-Nam là điều hoàn toàn bình thường, giống như các nhà đầu tư trong nước hay các nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác,” theo ông Huy. “Vì thế chúng ta không phân biệt đối xử.”

Theo báo chí trong nước, nghị quyết của Quốc hội ban hành ngày 22/11/2017 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với chiều dài khoảng 654km, đi qua 13 tỉnh, thành phố, gồm ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng.

“Theo tôi rất cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và nên có một hội đồng các chuyên gia độc lập để xem xét, giám sát việc đấu thầu này,” TS Doanh nói.

Hồi tháng 3, hàng trăm người đã bày tỏ ý kiến trên các diễn đàn mạng xã hội đồng tình với đề xuất rằng nếu chính phủ Việt Nam muốn vay vốn Trung Quốc để làm cao tốc Bắc-Nam thì cần phải trưng cầu dân ý, vì việc này “liên quan đến an ninh quốc gia, sự tồn vong của dân tộc”.