Đối ngoại và lựa chọn hàng ‘độc’: ‘vàng’ và ‘tốt’

Dân Việt tưởng niệm 25 năm trận chiến Gạc Ma chống Trung Quốc

Không ai ngờ trong bối cảnh như hiện nay, các viên chức hữu trách ở Việt Nam lại moi phương châm “16 chữ vàng” và “tinh thần bốn tốt” ra... dùng lại để chứng minh thiện chí của đảng CSVN...

Trong vài năm gần đây, sự hung hăng của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách về chủ quyền tại biển Đông đã khiến phương châm “16 chữ vàng” - láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai và “tinh thần bốn tốt” - láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt (được Trung Quốc đề ra và xác lập như kim chỉ nam cho quan hệ Trung – Việt) tuyệt tích tại Việt Nam.

Không ai ngờ trong bối cảnh như hiện nay, các viên chức hữu trách ở Việt Nam lại moi phương châm “16 chữ vàng” và “tinh thần bốn tốt” ra... dùng lại để chứng minh thiện chí của đảng CSVN, chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam đối với Trung Quốc (1). Chẳng lẽ chỉ vì ông Nguyễn Phú Trọng là chính khách đầu tiên được Trung Quốc mời thăm Trung Quốc ngay sau khi Đại hội 20 của đảng cộng sản Trung Quốc kết thúc?

Nếu đem “16 chữ vàng” và “tinh thần bốn tốt” so với những gì vừa diễn ra thì có thể thấy những... láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai và... láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt đúng là... hàng “độc”!

***

Mỹ sẽ sớm nâng quân số đồn trú tại Philippines, Indonesia và tăng số lượng đơn vị trú đóng được hoán chuyển theo định kỳ. Theo Trung tướng Bartolome Bacarro - Tham mưu trưởng quân đội Philippines thì Mỹ muốn xây dựng thêm các cơ sở quân sự tại năm khu vực ở phía Bắc Philippines. Hai trong năm khu vực này nằm ở tỉnh Cagayan - đối diện với Đài Loan và sẽ giống như những tiền đồn để phòng ngừa và ứng phó với xung đột Đài – Trung. Còn các căn cứ quân sự ở khu vực Palawan và Zambales (những tỉnh giáp với biển Đông) sẽ tạo điều kiện để quân đội Mỹ có thể hỗ trợ Phiplppines nhanh hơn, tốt hơn khi xảy ra xung đột giữa Philippnes và Trung Quốc ở vùng biển hai bên đang có tranh chấp về chủ quyền. Đó là những thông tin mới nhất liên quan đến hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Philippines sau Hiệp định gia tăng hợp tác quốc phòng được ký 2014.

Từ đó đến nay, quân đội Mỹ đã xây dựng hệ thống nhà ở, cơ sở huấn luyện chung, kho cất – trữ phương tiện quân sự,... trong một số căn cứ quân sự của Philippines. Khi tình hình thay đổi, việc đồn trú tại Philippines không còn cần thiết, Mỹ sẽ giao toàn bộ các hệ thống này cho quân đội Philpippnes sử dụng. Quân đội Mỹ cũng đã gửi nhiều đơn vị cố vấn quân sự (Security Force Assistance Brigade – SFAB) đến Philippines để hỗ trợ huấn luyện quân đội Philippines suốt từ 2014 đến nay. Ngoài việc cùng tham gia các cuộc tập trận chung theo định kỳ với các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (như Pacific Pathways,...) quân đội Mỹ và quân đội Philippines còn tổ chức những cuộc tập trận song phương (như Salaknib’ 22...) để gia tăng khả năng và hiệu quả phối hợp khi cần.

Những điều tương tự đã, đang hoặc sẽ diễn ra tại một số quốc gia thuộc khối ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Ông Lloyd Austin – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa nhắc lại lý do Mỹ hành xử như vẫy: Việc càng ngày càng nhiều quốc gia có cùng chí hướng - cùng nhau duy trì các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế để bảo vệ trật tự quốc tế là điều đặc biệt quan trọng (2)...

***

Sau khi Nga xâm lược Ukraine, cả thế giới chật vật xoay sở với tác hại từ cuộc chiến do Nga khởi xướng, hợp tác quân sự, hợp tác quốc phòng để bảo vệ luật pháp quốc tế, ngăn chặn sử dụng vũ lực trở thành xu thế chung. Đó là lý do Đông Á thu hút sự chú ý cao hơn của cộng đồng quốc tế. Bảo vệ trật tự ở biển Đông không chỉ là chuyện riêng của Mỹ và một số quốc gia Đông Nam Á. Tuy sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nếu đối đầu với Trung Quốc nhưng Canada vừa loan báo sẽ chi 1,7 tỉ Mỹ kim cho hoạt động tuần tra, tình báo và an ninh thông tin ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh ở châu Á nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc (3)... Trong vô số thông tin có liên quan đến hợp tác quân sự, hợp tác quốc phòng nhằm kiềm chế Trung Quốc, không thấy thiên hạ đề cập đến Việt Nam.

Ý tưởng của Mỹ: Xây dựng hệ thống kho, dự trữ quân cụ, quân nhu tại Việt Nam nhằm giúp quân đội Mỹ triển khai nhanh các chiến dịch nhân đạo, giúp giải quyết hậu quả thiên tai tại khu vực Đông Nam Á nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng… dường như đã chết. Ý tưởng này được tướng Dennis Via nêu ra năm 2016 khi là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiếp vận của Lục quân Mỹ. Lúc đó, một số nguồn thạo tin còn đề cập đến khả năng, nếu Việt Nam đồng ý, hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu cho các chiến dịch nhân đạo sẽ được thiệt lập ở miền Trung Việt Nam... Sau tướng Via, tướng Robert Brown (Tư lệnh Lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương từ 2016 đến 2019) tiếp tục lập lại ý tưởng này nhưng ngoài Việt Nam, tướng Brown tính thêm Malaysia, Bangladesh, Cambodia như những nơi có thể nhắm tới!

Giống như tướng Via, tướng Brown giải thích tại sao quân đội Mỹ bận tâm về chuyện này: Đó là khu vực chắc chắn sẽ xảy ra những thảm họa. Kế hoạch này nhằm tư vấn, hỗ trợ cứu được nhiều mạng người nhất trong toàn khu vực (4)!

Trước nay, quân đội Mỹ đã và vẫn tiếp tục thực hiện các chiến dịch nhân đạo, hỗ trợ nhiều quốc gia, khu vực thoát ra khỏi các thảm nạn. Tại sao họ đã xác định Việt Nam là địa điểm lý tưởng để xây dựng hệ thống cất trữ phương tiện, vật dụng dành riêng cho các chiến dịch nhân đạo và hợp tác Mỹ - Việt càng ngày càng chặt chẽ nhưng ý tưởng đó dường như chẳng đến đâu?

Tại sao trong thời điểm hợp tác quân sự, hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và nhiều quốc gia khác với một số thành viên ASEAN càng lúc càng sôi động lại không thấy bóng dáng Việt Nam? Câu trả lời nằm ở phía Việt Nam. Sau khi Việt Nam tuyên bố sẽ cương quyết thực hiện “chính sách ba không” (Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác), rồi tăng thêm một “không” (không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) thành “chính sách bốn không” và cương quyết giữ chặt các “không” ấy bất kể tình thế của Việt Nam ra sao, chắc là thiên hạ đã nản. Không phải tự nhiên mà có các “không”! Cứ ngẫm ắt sẽ thấy, các “không” thụ thai và ra đời từ “vàng” và “tốt”.

Trừ Trung Quốc, chẳng có chính quyền của quốc gia nào hứa sẽ giúp đảng CSVN duy trì vai trò lãnh đạo “toàn diện” và “tuyệt đối” tại Việt Nam. Muốn được “người bạn lớn” tận tình hỗ trợ thì phải xài “vàng” và “tốt”. “Vàng” và “tốt” đúng là hàng... “độc”!

Chú thích

(1) https://tuyengiao.vn/thoi-su/chuyen-tham-trung-quoc-cua-tong-bi-thu-la-su-kien-dac-biet-quan-trong-141488

(2) https://www.armytimes.com/news/your-army/2022/11/21/the-army-piece-of-a-growing-us-footprint-in-philippines-indonesia/

(3) https://www.stripes.com/theaters/americas/2022-11-27/canada-military-ties-indo-pacific-8208193.html

(4) https://www.armytimes.com/pay-benefits/military-benefits/2016/08/25/army-grows-pacific-pathways-ties-with-asian-partners/