Chiến thắng của người được mệnh danh là “Donald Trump của Philippines”, từng có tuyên bố thương thảo song phương với Trung Quốc để đổi lấy lợi ích kinh tế, có thể đẩy Việt Nam vào thế khó khi đương đầu với quốc gia láng giềng phương Bắc ở biển Đông.
Dù kết quả bỏ phiếu chưa được công bố, một cuộc kiểm phiếu không chính thức do một nhóm giám sát bầu cử của giáo hội Công giáo thực hiện đầu tuần này cho thấy ông Rodrigo Duterte giành được số phiếu vượt xa hai đối thủ kế tiếp.
Những tuyên bố liên quan tới chính sách đối ngoại của chính trị gia hơn 70 tuổi này cho thấy rằng Philippines có thể thay đổi lập trường về biển Đông trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Các nhà phân tích cho rằng điều đó sẽ dẫn tới bất định cũng như làm suy yếu khả năng đoàn kết của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trước Trung Quốc.
Chính sách đối ngoại của ông ấy liên quan tới Trung Quốc không rõ ràng. Lúc thì không ấy bảo sẽ kiên quyết đấu tranh với Trung Quốc, lúc thì ông ấy bảo sẽ ngồi đàm phán với Trung Quốc. Đối với những người phát ngôn tùy tiện như ông này, mình hoàn toàn không thể dựa trên phát ngôn của ông ấy để đoán về chính sách của ông ấy được. Bây giờ, chắc Việt Nam phải thăm dò xem ông ấy thực sự muốn cái gì.Luật sư Trịnh Hữu Long, thuộc tổ chức phi chính phủ Voice ở Philippines, nói.
Manila sẽ nắm chức chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2017, nên quan điểm của ông Duterte về cuộc tranh chấp này rất quan trọng.
Trong các cuộc vận động tranh cử, lúc thì ông nói sẽ đàm phán song phương với Trung Quốc về biển Đông để đổi lấy các lợi ích kinh tế, nhất là đầu tư của Trung Quốc. Lúc khác, ông lại đề xuất đàm phán đa phương là điều Trung Quốc lâu nay vẫn phản đối. Có lúc ông lại ám chỉ khả năng đối đầu với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough bằng việc lái mô tô nước ra đó để cắm cờ Philippines.
Theo giới quan sát, sự thay đổi quan điểm về chính sách biển Đông của Tổng thống được bầu Philippines nhiều khả năng sẽ dẫn tới những tính toán sai lầm từ các bên tranh chấp và càng gây thêm căng thẳng.
Luật sư Trịnh Hữu Long, đang làm việc cho tổ chức phi chính phủ Voice ở Philippines, nhận định với VOA Việt Ngữ về tổng thống được bầu của quốc gia này:
“Chính sách đối ngoại của ông ấy liên quan tới Trung Quốc không rõ ràng. Lúc thì không ấy bảo sẽ kiên quyết đấu tranh với Trung Quốc, lúc thì ông ấy bảo sẽ ngồi đàm phán với Trung Quốc. Đối với những người phát ngôn tùy tiện như ông này, mình hoàn toàn không thể dựa trên phát ngôn của ông ấy để đoán về chính sách của ông ấy được. Bây giờ, chắc Việt Nam phải thăm dò xem ông ấy thực sự muốn cái gì. Tuy nhiên, dù chính sách của ông ấy như thế nào thì Việt Nam và Philippines đã ký hiệp định về đối tác chiến lược, trong đó có hợp tác về an ninh. Bất kể tổng thống nào lên thì vẫn phải tuân thủ hiệp định đấy thôi. Còn mức độ nó sâu hơn đến mức nào thì hoàn toàn chưa thể bình luận được.”
Theo nhận định của các nhà quan sát, tân tổng thống Philippines đối mặt với thách thức lớn về việc cân bằng quan hệ giữa hai cường quốc lớn: Trung Quốc và Mỹ.
Những hành động cương quyết khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông như xây đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự đã khiến Washington và Manila xích lại gần nhau hơn nữa.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có bình luận gì về ông Duterte cũng như chính sách của ông này đối với biển Đông.
Nhưng có tờ báo trong nước viết rằng Trung Quốc đang “ve vuốt” và “dụ” chính trị gia trực ngôn của Philippines vì muốn dàn xếp cuộc tranh chấp lãnh hải.
Dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam xích lại gần hơn với Philippines trong động thái mà nhiều nhà phân tích cho là để đương đầu với Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam nói là thềm lục địa của mình năm 2014.
Trong bài xã luận đăng tải hôm 10/5, Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Philippines sẽ có cơ hội mới để tìm một giải pháp đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc về biển Đông.
Cơ quan ngôn luận của Trung Quốc cũng cho rằng việc đơn phương đâm đơn kiện Trung Quốc tại tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc “đã thổi bùng rắc rối và làm tình hình xấu đi”.
Hãng tin nhà nước viết: “Người Philippines có lẽ đã nhận ra rằng việc sống chết đối đầu [với Trung Quốc] không mang lại điều gì tốt đẹp cho ai cả”.
Xinhua viết rằng đã đến lúc tân nguyên thủ Philippines “dẹp bỏ sang một bên các hành động đơn phương của người tiền nhiệm và đưa vấn đề này trở lại bàn đàm phán, và điều đó chỉ có lợi cho quan hệ song phương nói riêng và hòa bình, ổn định khu vực nói chung”.
Người dân Philippines rất mệt mỏi với nền chính trị ở bên này. Các chính trị gia hứa nhiều nhưng không làm gì cả. Họ mệt mỏi với cái gọi là chính trị bẩn thỉu. Họ có một chế độ bầu cử dân chủ, nhưng mà nền dân chủ Philippines có thể nói là một nền dân chủ thất bại...Luật sư Trịnh Hữu Long nói.
Theo Tân Hoa Xã, trong chiến dịch tranh cử, ông Duterte không loại trừ khả năng đàm phán với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh tuyên bố rằng cánh cửa đã, đang và sẽ luôn để ngỏ.
Trong khi đó, nhận định về bài học từ nền dân chủ Philippines đối với Việt Nam, luật sư Long nói thêm:
“Em có nói chuyện với nhiều người Philippines, kể cả trí thức lẫn những người lao động bình dân thì em thấy người dân Philippines rất mệt mỏi với nền chính trị ở bên này. Các chính trị gia hứa nhiều nhưng không làm gì cả. Họ mệt mỏi với cái gọi là chính trị bẩn thỉu. Họ có một chế độ bầu cử dân chủ, nhưng mà nền dân chủ Philippines có thể nói là một nền dân chủ thất bại. Thất bại ở chỗ, mang tiếng là một nền dân chủ, nhưng trên thực tế khoảng mười mấy gia đình bên này kiểm soát nền chính trị Philippines, dùng quyền lực và khả năng tài chính để mua phiếu. Thứ hai nữa, người dân Philippines thoát thai ra từ một đất nước kém phát triển, sống hơn một chục năm dưới chế độ độc tài Marcos, thì cái tinh thần dân chủ, năng lực làm chủ của người dân thấp. Một nền dân chủ mà người dân không biết cách làm chủ thì nền dân chủ đó không thể vận hành tốt đẹp được. Việt Nam có thể học, phải tránh, làm sao phải trao năng lực làm chủ cho người dân, không thì theo như Philippines thì chết.”
Chiến dịch vận động tranh cử của ông Duterte tập trung vào việc cải cách kinh tế, cơ sở hạ tầng, chống tội phạm và tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Cương lĩnh vận động bầu cử chiều theo thị hiếu của người dân khiến chính trị gia được mệnh danh là “kẻ trừng phạt” được một số người ca ngợi nhưng bị những người khác chế nhạo.
Your browser doesn’t support HTML5