Tổ chức từ thiện Y sĩ Không biên giới (MSF) cho hay mỗi ngày có tới 6 ca tử vong tại một trại tị nạn dành cho những người bị thất tán ở thị trấn Bama, Đông Bắc Nigeria. Từ Lagos, thông tín viên Chris Stein của đài VOA tường trình về cuộc khủng hoảng nhân đạo khởi nguồn từ cuộc nổi dậy của Boko Haram.
24 ngàn người thất tán bị tổ chức khủng bố Boko Haram buộc phải rời bỏ nhà cửa hiện đang sống trong cơn "thảm họa nhân đạo khẩn cấp" tại một khu nhà của bệnh viện ở thị trấn Bama, Nigeria, theo nguồn tin từ nhóm Y sĩ Không biên giới.
Tổ chức nhân đạo này cho hay trong tháng qua, có 188 người thiệt mạng tại đây và trong chuyến thăm tuần này, MSF thống kê có hơn 1.200 trăm ngôi mộ được đào ở đây trong năm qua. Trong đó có 480 ngôi mộ của trẻ em.
Phát ngôn nhân Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Quốc gia tại khu vực Đông Bắc, ông Abdul Ibrahim, cho biết những người bị suy dinh dưỡng nhất trong trại là những người mới tới từ các vùng hẻo lánh phía Đông Bắc.
Ông Ibrahim nói: "Vì họ ở trong các cộng đồng bị cô lập không thể tiếp cận. Cư dân những vùng đó không có được tiếp tế thực phẩm và y tế."
Ông Ibrahim cho hay Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Quốc gia đã cung cấp lương thực và thuốc men cho trại. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cũng đã thiết lập sự hiện diện thường trực tại Bama.
Tháng trước quân đội Nigeria mở Chiến dịch Truy quét, cuộc tấn công đẩy các thành phần chủ chiến Boko Haram ra khỏi cứ địa của họ trong rừng Sambisa, gần Bama.
Các phần tử nổi dậy Hồi giáo tràn vào các thị trấn và làng mạc ở Đông Bắc Nigeria, kể cả Bama, vào năm 2014 và 2015. Kể từ năm ngoái, họ bị đánh bật bởi cuộc phản công của các binh sĩ từ Nigeria và các nước láng giềng. Nhưng tình trạng mất an ninh vẫn còn.
Ông Ibrahim cho hay Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Quốc gia hy vọng phối hợp với quân đội để tiến vào các thị trấn và làng mạc bị cô lập bởi giao tranh.
Ông nói: "Chúng tôi hy vọng mang đến cho họ thuốc men và thực phẩm, những thứ họ đang thiếu thốn, đó là vấn đề chính."
Trong bảy năm qua, lực lượng nổi dậy Boko Haram đã cướp đi sinh mạng của khoảng 20 ngàn người và khiến 2,7 triệu người khác trong vùng bị thất tán.