Thời gian, viên thuốc tốt nhất cho thuyết âm mưu

Ngày Tri ân Thương phế binh quân lực VNCH tại DCCT Sài Gòn hôm 28_4_2014.

Trong khi bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngang hàng với Đức Thích Ca còn đang sôi sục thì nguồn tin chương trình “Tri ân thương phế binh VNCH” có nguy nơ bị giải tán khiến người ta liên tưởng tới một đợt giông tố sắp tràn vào các tổ chức tôn giáo Việt Nam trong những ngày tới.

Nếu bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” bị cho là đang cố ý tiêu diệt, làm mai một dần mòn giáo lý nhà Phật thì việc giải tán chương trình “Tri ân thương phế binh VNCH” có mục tiêu khác: triệt hạ mầm móng phát triển uy tín của Phòng Công Lý và Hòa Bình thường được biết có liên quan mật thiết với Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn, nơi đứng ra làm công việc bác ái này từ năm 2012 đến nay sau khi chương trình được chuyển giao từ Hòa thương Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì nay đã bị đập bỏ.

Theo trả lời của Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế đương nhiệm cho biết chương trình “tri ân…” được Phòng Công Lý Hòa Bình tổ chức hàng năm nên không có việc nhà dòng này chủ trương giải thể chương trình vì nơi quản lý trực tiếp Phòng Công Lý Hòa Bình trực thuộc Tu Viện Saigon chứ không thuộc Tỉnh Dòng.

Theo linh mục Đinh Hữu Thoại, tiền nhiệm trưởng Phòng Công lý và Hòa bình cho biết thì “Chương trình tri ân thương phế binh VNCH nhằm giúp đỡ họ trong việc khám sức khỏe, trang bị những phương tiện trong cuộc sống như bảo hiểm y tế, xe lắc, xe lăn, xe ba bánh hay nạn, gậy, tùy nhu cầu mà chương trình giúp. Sửa nhà, xây nhà mới, cụ thể là nhiêu ngôi nhà tuy nhỏ bé nhưng khang trang trong Vườn rau Lộc Hưng đã được chuyển giao cho nhiều thương phế binh khó khăn. Chương trình cũng đi thăm bịnh và khi các ông thương phế binh qua đời thì cử người đi viếng...” Những hoạt động cụ thể và đầy thiện ý này đã gây tiếng vang lớn trong nước cũng như hải ngoại. Đồng bào khắp nơi tiếp tay giúp cho quỹ của chương trình làm được nhiều phần việc khó khăn mà một tổ chức ngoài phạm vi tôn giáo khó lòng gầy dựng nỗi.

Thông tin việc chương trình này sẽ bị ngưng hoạt động vào cuối tháng 5 năm 2019 gây hoang mang cho những người đang được giúp đỡ cũng như những thành viên từng đóng góp công sức cho chương trình có cách suy nghĩ khác về những chỉ dấu mà vài tháng qua đã xảy ra. Các linh mục phụ trách Phòng Công lý và Hòa Bình đã đồng loạt bị thuyên chuyển tới những Dòng tỉnh khác như linh mục Đinh Hữu Thoại thuyên chuyển ra Quảng Nam, linh mục Lê Ngọc Thanh từ Sài Gòn về Giáo phận Long Xuyên, linh mục Trương Hoàng Vũ, thủ quỹ chương trình “Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” về Cần Giờ. Tất cả những linh mục rường cột của chương trình đã không còn cơ hội làm những công việc mà họ bỏ công trong hơn 7 năm qua.

Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích với tư cách giám tỉnh, là người trách nhiệm phân bổ các vị trí trong thời gian qua, trả lời phỏng vấn của BBC cho biết: “Sự bổ nhiệm và thuyên chuyển là việc rất bình thường của tất cả các Dòng Tu. Đó là công việc nội bộ mà người ngoài, thậm chí cả các Đức Giám Mục, chẳng có lý do gì để xen vào hay thắc mắc vì họ không thể biết được những gì liên quan đến phẩm chất, đến tư cách và đến hoàn cảnh của từng tu sĩ và vì họ cũng không có trách nhiệm phải trả lời trước mặt Chúa về những gì liên quan đến sứ mạng và sự phát triển của Dòng. Khi một người được bổ nhiệm hay thuyên chuyển là đưa về một cộng đoàn vì sứ vụ chứ không để “cô lập” hay “phân tán” như cách hành xử thế tục. Khi bổ nhiệm, Bề Trên phải hướng về Thiên Chúa và nhắm lợi ích của hội dòng, phải bổ nhiệm những người mà trước mặt Chúa họ xét là xứng đáng và có khả năng, tránh mọi lạm dụng và thiên vị. Nếu không làm đúng, họ phải trả lẽ với Chúa và với Hội Dòng.”

Ủy ban Công lý và Hòa bình là một tổ chức trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập vào năm 2010. Ủy ban này có nhiệm vụ cổ vũ công lý và hòa bình tại Việt Nam theo đường hướng và mô hình Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ nhưng thích ứng với điều kiện văn hóa và xã hội ở Việt Nam. Vì vậy Phòng Công Lý và Hòa Bình trực thuộc Tu Viện Saigon và DCCT không có quyền đóng cửa hay thay đổi danh xưng của Văn phòng này mặc dù có quyền luân chuyển các linh mục thành viên vì sứ vụ.

Bên cạnh đó, các linh mục tuy không phụ trách Văn phòng Công lý và Hòa Bình trong DCCT nhưng đã từng hỗ trợ trong những lần tổ chức phát quà cho thương phế bính hay các công tác xã hội khác như giúp nơi tạm trú cho những người cơ nhỡ, những người tù nhân lương tâm không có cơ hội làm lại cuộc đời sau khi ra tù, những mái ấm ngắn ngủi cho những người bất hạnh… những công tác bác ái ấy được Văn phòng Công Lý và Hòa Bình thực hiện trong nhiều năm qua với sự trợ giúp của hàng trăm tình nguyện viên của giáo xứ Kỳ Đồng nơi có nhà thờ DCCT cùng với rất nhiều những người tranh đấu cho tự do nhân quyền của Việt Nam.

Căn cứ trên cách tổ chức này khó có thể cho rằng Linh mục Giám tỉnh có quyền định đoạt cho số phận của một văn phòng trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tuy nhiên còn những câu hỏi bên dưới tảng băng chìm cần có thời gian để trả lời cụ thể.

Trong vai trò một người đứng đầu Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn nếu ngài Linh mục Giám tỉnh không cho phép sử dụng mặt bằng, phòng ốc cũng như những phương tiện khác thì liệu chương trình “Tri ân thương phế binh VNCH” có còn thành công như những lần trước?

Những linh mục thành viên mới trong Văn phòng Công lý và Hòa Bình có thể nghĩ ra những chương trình truyền giáo, hoạt động bác ái, xã hội khác mà họ cho rằng thiết thực hơn thì quả bóng “tri ân” ai là người trách nhiệm khi nó không còn lăn trên sân cỏ?

Với lý do hồ sơ cá nhân của các thành viên thương phế binh từng nhận tương trợ trước đây không còn nữa sau các luân chuyển của các linh mục, liệu Văn phòng Công lý và Hòa Bình có trách nhiệm gì trong sự đổi thay một cách triệt để đó?

Thuyết âm mưu chỉ đúng sau khi được thời gian chứng thực, vậy chúng ta có nên chờ đợi sự thật ấy sẽ hiện ra sau những xác quyết của một vị Linh mục Giám tỉnh đã thề tận hiến trước mặt Chúa chứ không phải trước sức ép của tà quyền?