Giằng co về thỏa thuận an ninh dấy lên nghi ngờ về động cơ của ông Karzai

Các chuyên gia quan ngại rằng qua việc trì hoãn thỏa thuận, Tổng thống Karzai có thể làm áp lực để Washington ủng hộ một cách thầm lặng cho ứng cử viên tổng thống được ông 'tán thành'.

Đại hội đồng các bộ tộc Afghanistan Loya Jirga

Đại hội đồng các bộ tộc Afghanistan Loya Jirga


-Diễn ra từ 21 đến 24 tháng 11.
-Là cơ quan truyền thống thực hiện các quyết định của Afghanistan.
-Sẽ thảo luận thỏa thuận an ninh giữa Afghanistan và Hoa Kỳ.
-Gồm 2500 đại biểu, kể cả thành viên chính phủ, học giả tôn giáo, bô lão bộ tộc.
-Tổ chức trong một lều trại được canh phòng cẩn mật ở Kabul.
-Một Loya Jirga đã được triệu tập vào năm 2012 để chấp thuận Hiệp ước Hợp tác Chiến lược Hoa Kỳ-Afghanistan.
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đang tiếp tục bênh vực quyết định trì hoãn thỏa thuận an ninh quan trọng để binh sĩ nước ngoài tiếp tục hoạt động ở Afghanistan sau năm 2014. Giới chỉ trích và các chuyên gia cho rằng có thể ông có nhiều mục tiêu để đình hoãn thỏa thuận, nhưng các rủi ro quá cao nên nhiều người tin rằng rút cuộc thỏa thuận cũng sẽ trót lọt. Từ Islamabad, thông tín viên VOA Ayaz Gul ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Theo dự kiến, NATO sẽ kết thúc sứ mạng tác chiến hiện thời ở Afghanistan vào cuối năm 2014. Các giới chức Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng họ muốn thấy thỏa thuận an ninh được ban hành không chậm trễ để tiếp tục các hoạt động chống khủng bố và cho phép để lại một sự hiện diện quân sự Mỹ nhằm huấn luyện và cố vấn cho lực lượng Afghanistan sau năm 2014.

Một nghị hội truyền thống của Afghanistan gọi là Loya Jirga hồi tháng trước đã hối thúc Tổng thống Hamid Karzai ký thỏa thuận an ninh song phương nhưng ông Karzai nói ông sẽ không ký trừ phi một số yêu cầu được thỏa mãn.

Phát biểu tại Ấn Ðộ tuần trước, tổng thống Afghanistan nói Washington phải chấm dứt các vụ bố ráp vào các tư gia của Afghanistan, chấm dứt những vụ tấn công bằng máy bay không người lái, và khuyến khích phe Taliban mở các cuộc hòa đàm công khai với chính phủ của ông.

“Nếu những việc này được thực hiện trước cuộc bầu cử ngày 5 tháng 4 thì tôi sẽ xúc tiến và cho phép ký thỏa thuận. Nếu điều kiện không được thỏa mãn trước cuộc bầu cử thì vị tổng thống sắp tới của Afghanistan phải đảm nhận trách vụ và thực hiện việc ấy. Do đó điều kiện không phụ thuộc vào thời gian mà phụ thuộc vào hành động.”

Ông Karzai cũng đã bác bỏ những lời cảnh báo của Hoa Kỳ là “dọa dẫm” khi nói rằng một sự trì hoãn kéo dài trong việc ký thỏa thuận có thể có nghĩa là Mỹ triệt thoái toàn bộ lực lượng.

Các chính trị gia Afghanistan, các đại diện của xã hội dân sự và cộng đồng kinh doanh tất cả đều kêu gọi tổng thống chung quyết thỏa thuận. Họ nói sự chần chừ của ông Karzai đang gây ra tình trạng bất định và bối rối trên toàn quốc.

Nhiều người Afghanistan, kể cả đại biểu quốc hội Khalid Pashtoon, nay đang phỏng đoán về các động cơ của tổng thống trong việc chưa ký một thỏa thuận mà quá nhiều đồng sự và đồng minh của ông đều ủng hộ.

“Dường như ông đang tìm cách đạt được một mức độ tin cậy nào đó của dân chúng, tỷ như ông ấy ủng hộ dân tộc, lo lắng cho Afghanistan, quan tâm đến tương lai của Afghanistan, và không muốn tỏ ra mình là một thứ bù nhìn của các cường quốc bên ngoài. Mặt khác, một số người nói rằng có thể ông có một số nhu cầu cá nhân, một vài yêu sách cá nhân mà ông ấy muốn đòi hỏi từ phía Hoa Kỳ.”

Các chính trị gia đối lập như ông Humayun Shah Asefi nói sự chần chừ của Tổng thống Karzai trong việc tôn trọng một quyết định của Loya Jirga là chưa từng có trong lịch sử quốc gia của Afghanistan.

“Có thể ông Karzai đang mưu tìm một số lợi thế cá nhân bởi vì đại đa số người Afghanistan và gần như tất cả các ứng cử viên Tổng thống họ đều muốn thỏa thuận này phải được ký kết.”

Mặc dầu Tổng thống Karzai đã nhiều lần cam kết sẽ giữ thế trung lập trong cuộc bầu cử tháng 4 năm tới, các đối thủ chính trị của ông và các chuyên gia độc lập lo ngại rằng qua việc trì hoãn thỏa thuận, Tổng thống Karzai có thể làm áp lực để Washington ủng hộ một cách thầm lặng cho ứng cử viên tổng thống được ông “tán thành.”

Người anh em của ông Karzai ông Quayum Karzai và phụ tá thân cận của ông, cựu ngoại trưởng Zalmai Rassoul nằm trong số các ứng cử viên tổng thống hàng đầu. Những người hoài nghi như nhà bình luận chính trị làm việc ở Kabul, ông Said Azam khó lòng mà đương kim tổng thống sẽ giữ thế trung lập.

“Ông ấy đã công khai tuyên bố ông ấy có thể ủng hộ một ai đó trong tư cách cá nhân, trong tư cách công dân. Vì thế, tôi nghĩ chắc chắn ông sẽ ủng hộ ai đó và ông muốn có một tiếng nói mạnh trong chính quyền sắp tới bởi vì ông không muốn được coi như chỉ là một vị cựu tổng thống mà không có thế mạnh nào trong các quyết định được thực hiện trong 5 đến 10 năm sắp tới.”

Bất kể các tính toán chính trị đằng sau vụ giằng co, các chuyên gia về an ninh cho rằng thỏa thuận an ninh vẫn là thiết yếu cho một chính phủ và lực lượng an ninh còn lệ thuộc nặng nề vào sự trợ giúp của nước ngoài.

Ông Anatol Lieven, một giáo sư thuộc Phân khoa Nghiên cứu về Chiến tranh của trường Ðại học King’s ở London, nói rằng sự trì hoãn đang gây nguy cơ cho viện trợ tài chính và quân sự hết sức cần thiết.

“9/10 ngân sách nhà nước Afghanistan dựa vào viện trợ quốc tế. Toàn bộ ngân sách quân sự bắt nguồn từ Hoa Kỳ, 4 tỷ đôla mỗi năm. Nếu khoản này bị cắt một cách nghiêm trọng thì quân đội và nhà nước sẽ sụp đổ giống y như vào năm 1992 khi viện trợ của liên bang sô viết bị cắt cùng với sự sụp đổ của khối này, và vấn đề là điều mà ông Karzai có thể không nhận ra là trong thâm tâm nhiều người Mỹ và Âu châu chỉ muốn rút ra khỏi Afghanistan và quên đi nơi này.”

Các chính trị gia và các nhà bình luận độc lập nói gần như không có người nào ở Afghanistan tin rằng tổng thống của họ sẽ giữ vững lập trường của mình được lâu. Nhưng họ nói bằng cách kéo dài tiến trình, ông Karzai đã đạt được thành quả trong việc giữ mình ở trung tâm của cuộc tranh luận về tương lai đất nước, một vai trò mà ông đã trở thành quen thuộc từ lâu.