Đồng minh Châu Á sẽ ‘thận trọng’ với Trump trong chuyến thăm sắp tới

Tổng thống Donald Trump phát biểu trước báo giới trước khi lên máy bay trực thăng Marine One trên Bãi cỏ Nam Nhà Trắng ở Washington, ngày 25 tháng 7, 2017.

SEOUL — Ngày 3 tháng 11 Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khởi hành chuyến công du kéo dài 12 ngày tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, nơi ông sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), và Philippines.

Các đồng minh quân sự chủ chốt của Mỹ trong khu vực dự kiến sẽ ứng xử một cách thận trọng với ông Trump, và tập trung vào các lĩnh vực mà đôi bên đồng thuận, đặc biệt là về Triều Tiên, khi họ đón tiếp Tổng thống Mỹ.

Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Châu Á, Tổng thống Trump dự định vận động thêm sự ủng hộ của quốc tế để gây áp lực buộc chế độ Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình phi đạn đạn đạo.

Ngăn chặn Triều Tiên phát triển phi đạn đạn đạo hạt nhân (ICBM) có thể bắn tới lục địa Mỹ đã trở thành ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của ông Trump, theo nhận định của chuyên gia phân tích về Triều Tiên, John Delury, từ Đại học Yonsei.

"Ông ấy đã đặt ra rất nhiều kỳ vọng về những gì mà ông ấy sẽ làm liên quan đến Triều Tiên, và nếu ông ấy không làm thì điều đó sẽ đe dọa nghiêm trọng đến hình ảnh của ông ấy, làm suy yếu vị thế của ông ấy."

Chính quyền Trump đã làm việc với Trung Quốc và Nga tại Liên Hiệp Quốc để thông qua những chế tài kinh tế nghiêm khắc hơn, có thể làm giảm 90 phần trăm thương mại và 30 phần trăm dầu nhập khẩu của Triều Tiên, và cũng áp đặt những hạn chế đơn phương.

Tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc, các đồng minh quân sự của Mỹ, đang bị chia rẽ về sự chú trọng của ông Trump về khả năng sử dụng vũ lực quân sự và luận điệu hăm dọa "lửa và thịnh nộ" của ông để "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu bị khiêu khích.

Tại Nhật Bản, ông Trump sẽ gặp và có thể chơi golf với Thủ tướng Shinzo Abe, có lẽ là người bạn thân nhất của ông ở Châu Á.

Ông David Straub, phân tích gia về Triều Tiên thuộc Viện Sejong, nói:

"Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe cũng nhất trí về một số vấn đề, cụ thể là vấn đề Triều Tiên."

Sự ủng hộ của công chúng tại Nhật Bản đối với lập trường mạnh mẽ của ông Abe về an ninh quốc gia đã được tăng cường sau khi Triều Tiên tiến hành hai vụ thử phi đạn bay ngang qua không phận Nhật Bản và giúp liên minh bảo thủ của ông Abe giành chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử quốc hội sớm.

Dù ông Abe đã bày tỏ sự ủng hộ trung thành cho chính sách gây "áp lực tối đa" của ông Trump, song các quan chức ở Tokyo đã âm thầm chỉ ra rằng đe dọa vũ lực là một chiến thuật ngoại giao nhằm đạt được nhượng bộ từ Triều Tiên và Trung Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng dự kiến sẽ nhấn mạnh liên minh "sắt đá" lâu năm của đất nước ông với Mỹ khi ông hội kiến ông Trump tại Seoul.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo có tư tưởng tự do của Hàn Quốc đã công khai phản đối bất kỳ hình thức sử dụng vũ lực nào trên bán đảo Triều Tiên có thể nhấn chìm khu vực này vào một cuộc chiến tàn khốc.

Phân tích gia John Delury nói:

"Tôi nghĩ rằng chuyến thăm của ông Trump là một cơ hội để cho ông ấy hiểu biết quan điểm của Hàn Quốc về việc này, về việc Hàn Quốc lâu nay vẫn sống dưới mối đe dọa khả tín về việc bị tấn công hạt nhân mà chúng tôi vẫn ổn."

Ông Trump đã mô tả những nỗ lực trước đây của ông Moon thúc đẩy Triều Tiên tham gia đối thoại là sự nhân nhượng không khả thi.

Hiện giờ, những khác biệt giữa Seoul và Washington lu mờ trước việc Triều Tiên tiếp tục thử phi đạn và hạt nhân, việc Bình Nhưỡng từ chối đàm phán liên Triều hay thậm chí không nhận viện trợ nhân đạo từ miền Nam.