Đông Nam Á có thể nhờ Nhật Bản

TT Kishida chào quốc kỳ Nhật Bản trước cuộc họp báo tại tư dinh thủ tướng ở Tokyo.

Ông Fumio Kishida là vị thủ tướng ngoại quốc đầu tiên được mời đọc diễn văn trước quốc hội tại thủ đô Manila.

Lãnh đạo các nước Đông Nam Á họp ở Tokyo ngày Chủ Nhật kêu gọi gia tăng hợp tác kinh tế và hỗ trợ về an ninh; nhấn mạnh phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Ai cũng hiểu nhóm ASEAN ám chỉ các hành động lấn chiếm phi pháp của Cộng sản Trung Quốc trong vùng Biển Đông nước ta.

Thủ tướng Fumio Kishida đã triệu tập cuộc gặp gỡ để kỷ niệm 50 năm hợp tác giữa Nhật và ASEAN. Trước đó, ông Kishida đã đi thăm các nước trong vùng, thực hiện “Chương trình Hỗ trợ An ninh” của chính phủ Nhật.

Philippines là nước đầu tiên được Nhật viện trợ chiến thuyền để bảo vệ hải phận quốc gia vì hai nước đều đang tranh chấp với Trung Cộng và đều có hiệp ước an ninh hỗ tương với Mỹ. Nhật và Trung Cộng xung đột về chủ quyền trên quần đảo Senkaku, mà người Trung Hoa gọi tên là Điếu Ngư Đài. Philippines đang bị Trung Cộng ngăn cản khi tiếp tế cho các đội quân đóng trên những bãi cạn Scarborough và Thomas.

Ông Fumio Kishida là vị thủ tướng ngoại quốc đầu tiên được mời đọc diễn văn trước quốc hội tại thủ đô Manila. Ông đã hứa với Tổng thống Ferdinand Marcos, Jr. sẽ tặng một hệ thống radar cho vùng duyên hải trị giá $4 triệu mỹ kim, giúp Philippines tăng cường khả năng tuần phòng bờ biển.

Nhật đã trao 10 chiến thuyền dài 48 mét và một tàu tuần duyên 106 mét cho Philippines. Những tàu này sẽ bảo vệ an ninh, thi hành các vụ truy tìm và giải cứu trên biển khi bão tố. Ông Kishida báo trước sẽ viện trợ các tàu tuần duyên cho các nước Đông Nam Á khác. Ngoài Philippines, trong năm nay Chương trình Hỗ trợ An ninh cũng giúp cho các nước Malaysia, Bangladesh và đảo Fiji.

Ông Kishida cũng đến Malaysia gặp Thủ tướng Anwar Ibrahim. Hai bên đồng ý hợp tác chiến lược về an ninh, nhất là trong công tác tuần tiễu ngoài biển. Hai người đã ký một thỏa ước cung cấp 400 triệu đồng yen ($2.8 triệu mỹ kim), với tàu thuyền và vũ khí để gia tăng phòng thủ bờ biển Mã Lai. Trước đó ông Kishida đã tới Jakarta, Indonesia, ký kết với Tổng thống Joko Widodo khoản viện trợ hơn 9 tỷ đồng yen ($63.7 triệu mỹ kim), với một tàu chiến lớn để tăng cường phòng thủ duyên hải.

Đầu tháng 11, trong lúc ngoại trưởng Mỹ Blinken qua Bắc Kinh, Cố vấn An ninh Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan bay tới Tokyo gặp các đại diện của Nhật, Nam Hàn và Philippines. Đây là lần đầu tiên cố vấn an ninh các chính phủ Nhật, Philippines và Mỹ gặp nhau. Họ đã thảo luận phương cách hợp tác quân sự, phối hợp kế hoạch và ngoại giao. Đây là một bước tiến điều hợp mới trong nhóm JAROPUS, viết tắt tên ba nước Nhật, Philippines và Mỹ, trước mối đe dọa của Trung Cộng đối với Đài Loan – giống như tên AUKUS, ghép tên Australia, Anh Quốc (United Kingdom) và United States.

Một hành động khó khăn nhất của ông Fumio Kishida là gặp Tổng thống Yoon Suk Yeol tại Mỹ, chính thức hòa giải với chính phủ Nam Hàn. Dân Nam Hàn vẫn còn nuôi thù hận với Nhật Bản từ trước Đại chiến Thứ Hai, khi Nhật xâm lăng rồi chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, dùng những chính sách tàn bạo. Nhiều người Hàn Quốc đã phản đối khi Tổng thống Yoon thăm nước Nhật. Không cần chính phủ Mỹ khuyến khích, nay hai nước thấy cần hợp tác, để cùng đối phó với Trung Cộng.

Năm nay, Fumio Kishida và Yoon Suk Yeol đã bắt tay nhau tại Camp David, thuộc tiểu bang Maryland. Đầy là lần đầu tiên hai người đồng ý gặp nhau, để ông Joe Biden có thể đứng ra mời. Có thể thấy tầm quan trọng của cuộc hội kiến tại Camp David qua phản ứng của Cộng sản Trung Quốc và Bắc Hàn. Lãnh tụ Kim Jong Un đã phản đối, coi đây là bước đầu tiến tới một “Khối NATO thu nhỏ ở Á châu.”

Có thể nói, vụ Nga xâm lăng Ukraine là một động cơ thúc đẩy Nhật Bản và Nam Hàn ý thức mối lo về Trung Cộng. Nếu Vladimir Putin dám xâm lăng Ukraine chỉ vì muốn ngăn chặn khối NATO thì Tập Cận Bình cũng có thể sẽ đánh các nước láng giềng vì lo một khối NATO ở Á Đông.

Tại Camp David, ba nước Mỹ, Nhật Bản và Nam Hàn đã lên tiếng chỉ trích các “hành động gây hấn và nguy hiểm” của Trung Cộng. Ba nước cam kết sẽ tiếp tục thao diễn quân sự chung, như đã từng làm, và mỗi lần đều bị Nga và Trung Cộng phản đối; sẽ đặt đường dây “điện thoại khẩn cấp” khi cần, và hội họp mỗi năm một lần.

Nhà bình luận Tống Trung Bình (Song Zhongping, 宋忠平) một cựu sĩ quan Trung Cộng, nói trên đài phát thanh Bắc Kinh, mô tả cuộc họp ở Camp David là một biến cố dẫn tới một “Khối NATO ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”

Thủ tướng Fumio Kishida cũng nhấn mạnh đến việc bảo vệ một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở rộng” khi họp báo cùng Tổng thống Indonesia Joko Widodo, năm nay giữ chức chủ tịch khối ASEAN.

Chính phủ Ấn Độ lâu nay vẫn giữ lập trường trung lập đối với các tranh chấp trong vùng biển Đông Nam Á. Nhưng New Delhi đang dần dần thay đổi vì biết rằng các xung đột ở vùng này sẽ tai hại cho chính họ.

Một nửa số hàng nhập cảng của Ấn Độ đi từ Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, vân vân, qua eo biển Malacca sang Ấn Độ Dương, sẽ tắc nghẽn nếu chiến tranh xảy ra tại Biển Đông. Năm 2019, lần đầu tiên hải quân Ấn Độ đã tập trận chung với hải quân Mỹ, Nhật Bản và Philippines trong vùng Biển Nam Hải. Hai năm sau, họ lại thao diễn cùng hải quân Việt Nam, Philippines, Malaysia, Australia, và Indonesia. Tháng Năm năm nay, lần đầu tiên Ấn Độ tham dự một cuộc thao diễn hai ngày với hải quân bảy nước ASEAN.

Chính phủ Mỹ đã khích lệ Ấn Độ chú ý hơn tới Đông Nam Á. New Delhi và Washington đề xướng tổ chức Quad, cùng với Tokyo và Canberra, nhắm ngăn chặn Bắc Kinh bành trướng. Thủ tướng Narendra Modi thấy cần hỗ trợ các nước Đông Nam Á để tự bảo vệ, ngăn không để Tập Cận Bình nuôi ý tưởng theo gót Vladimir Putin. Ấn Độ đã tặng máy bay trực thăng cho đội tuần duyên Philippines. Năm 2022 đã bán cho Manila 100 hỏa tiễn siêu thanh BrahMos. Tháng Sáu năm nay, bán một chiến thuyền mang hỏa tiễn nhẹ cho Việt Nam.

Tại hội nghị với các nước ASEAN ở Tokyo ông Kishida kêu gọi hợp tác về an ninh, quân sự, trong đó có việc trao đổi chiến cụ và kỹ thuật vũ khí, an toàn trên mạng tin học (cybersecurity) Hội nghị đã chấp thuận một danh sách 130 dự án và Nhật hứa sẽ đầu tư thêm vào các nước Đông Nam Á, kể cả ngành sản xuất xe hơi.

Những nỗ lực của Tokyo đưa tới những kết quả cụ thể. Số đầu tư của các công ty Nhật vào các nước ASEAN đã lên tới $198 tỷ mỹ kim, đứng sau $209 tỷ đầu tư của Mỹ nhưng cao gần gấp đôi con số $106 tỷ của Trung Quốc, theo báo Economist. Các nước Đông Nam Á sẽ thấy không phải chỉ cần lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, mà có thể chọn Nhật Bản. Một tổ nghiên cứu của Singapore, ESEAS, hỏi ý kiến các lãnh đạo chính quyền và giới kinh doanh cho biết Nhật Bản là quốc gia được tin cậy nhất trong vùng.

Đại sứ Mỹ ở Tokyo, ông Rahm Emanuel nhận xét, “Chính sách gây hấn của Trung Quốc đã thúc đẩy các đồng minh phải cộng tác với nhau.” Thủ tướng Fumio Kishida đã đặt nền tảng cho chương trình hợp tác tương lai.