Dự án 88: Việt Nam lo cách mạng màu, tung ra Nghị định 126 để siết quyền lập hội

Trang bìa bài phân tích của Dự án 88 về Nghị định 126/2024 của Chính phủ Việt Nam.

Việt Nam áp dụng từ cuối tháng 11 một nghị định có nhiều quy định siết chặt việc lập hội, và nghiêm trọng hơn là cho phép chính quyền đình chỉ, giải tán các hội, theo nghiên cứu mới nhất của một tổ chức phi lợi nhuận Mỹ.

Dự án 88 (The 88 Project), tổ chức nhân quyền có trụ sở ở bang Illinois, Mỹ, nhận xét trong thông cáo hôm 16/12 rằng quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội trong Nghị định 126/2024 “khiến việc thành lập hội trở nên khó khăn hơn” so với Nghị định 45/2010 trước đây.

Nghị định gây tranh cãi có hiệu lực từ ngày 26/11 “trao cho chính phủ nhiều quyền hơn trong việc kiểm soát và giám sát các hoạt động cũng như nguồn tài trợ của các hiệp hội khi họ được thành lập”, thông cáo viết tiếp.

“Đáng chú ý nhất là Nghị định 126 trao cho chính phủ quyền đình chỉ và giải thể các hiệp hội – một quyền mà trước đây chính phủ không có”, vẫn theo thông cáo của Dự án 88.

Dưới góc nhìn của tổ chức này, Nghị định 126 là nhằm đảm bảo sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các hội; ngăn chặn ảnh hưởng của nước ngoài vào công việc nội bộ của Việt Nam; và làm rõ vai trò của các hội trong hoạch định chính sách.

“Nghị định 126 trao cho chính phủ quyền tự do ngăn cản người dân thành lập các hiệp hội và ngăn chặn các hiệp hội hoạt động độc lập. Vì lý do này, nghị định này đi ngược lại hiến pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế”, Dự án 88 bình luận trong thông cáo.

Theo nghị định, công dân Việt Nam phải xin phép chính phủ để thành lập một hội. “Điều này có nghĩa là nếu ai đó muốn thành lập một nhóm trồng cây ở cộng đồng địa phương, họ sẽ phải tuân theo một quy trình đăng ký rắc rối và chờ đợi để chính quyền phê duyệt trước khi họ có thể làm như vậy. Nếu hội được chấp thuận, chính quyền địa phương được trao quyền để kiểm soát và giám sát các hoạt động của hội, và thậm chí đình chỉ hoặc giải thể nó mà không có sự giám sát hoặc qua quy trình pháp lý”, tổ chức ở Mỹ phân tích.

Thông cáo của Dự án 88 dẫn ra một công văn hồi tháng 10/2023 của Bộ Nội vụ trong đó nói rằng Bộ Công an muốn có thêm nhiều hạn chế hơn về lập hội. “Bộ Công an muốn loại bỏ mọi người có tiền án tham gia lập hội, giám sát và quản lý tài trợ nước ngoài cho các hội, và trao cho chính quyền nhiều quyền hơn”, thông cáo viết tiếp.

“Các lý do này vẽ nên một bức tranh hoang tưởng mà trong đó giới lãnh đạo muốn thắt chặt sự kiểm soát của họ đối với các hội trong nước”, Dự án 88 bình luận thêm.

“Những lo ngại của đảng cộng sản đối với một xã hội dân sự độc lập đã được biết đến lâu nay. Tại nhiều diễn đàn khác nhau, đảng đã bày tỏ quan ngại về khả năng một xã hội dân sự độc lập sẽ can thiệp vào hoạt động của đảng, các vấn đề nội bộ của đất nước, đặc biệt liên quan đến việc thiết lập chính sách của chính phủ”, tổ chức ở Mỹ nhìn nhận.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về báo cáo nêu trên của Dự án 88, nhưng chưa được phản hồi.

“Tôi đọc rất kỹ nghị định 126, một nghị định được ban hành với những quy định, rào cản về pháp lý mà phải thỏa mãn những rào cản pháp lý đó thì một hội mới được phép thành lập. Những rào cản đó đặt ra hết sức khó khăn. Với những khó khăn đó thì đây không phải là luật cho phép thành lập hội mà là luật đặt ra để cấm việc thành lập hội”, luật sư Đặng Đình Mạnh ở Mỹ, nêu nhận định với VOA.

Theo giới quan sát, một trong những trở ngại cho việc hình thành hội theo Nghị định 126 là “Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội”. Đây là điểm mới so với Nghị định năm 2010 và là yếu tố gây khó khăn cho các tổ chức dân sự hướng đến các hoạt động cộng đồng.

XEM THÊM: HRW: Nghị định 147 của Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận và biểu đạt

“Việc nhà cầm quyền Việt Nam đặt ra nghị định về việc lập hội, cũng như các quyền khác nói chung, thì đó chỉ là quyền trên giấy. Vì trên thực tế việc thực thi các quyền này chỉ là con số không”, ông JB Nguyễn Hữu Vinh ở bang Illinois, Mỹ, chia sẻ quan điểm với VOA.

Ông Vinh là Phó Chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một hội nghề nghiệp bị chính quyền Việt Nam xếp vào diện bất hợp pháp và có đến ba thành viên của hội là các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn đang bị chính quyền giam cầm với án tù từ 11 đến 15 năm mỗi người.

“Cách đây 10 năm khi anh Phạm Chí Dũng chưa bị bắt, khi Liên hiệp châu Âu (EU) ký hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA) thì phía Việt Nam cam kết rằng công nhân được lập công đoàn độc lập, nhưng cái quyền này có được thực hiện trong thực tế hay không? Chúng ta phải hiểu một điều rằng khi chế độ độc tài còn tồn tại thì tất cả mọi cơ chế, hội nhóm đó, và các văn bản liên quan đều phục vụ cho lợi ích của Đảng Cộng sản độc tài”, ông Nguyễn Hữu Vinh đưa ra dẫn chứng về quyền lập hội bị chính quyền kiểm sát chặt ở Việt Nam.

Trao đổi với chương trình Hội luận VOA Tiếng Việt vào tháng 10/2024, tiến sĩ Nguyễn Quang A ở Hà Nội cho biết rằng một nghị định về việc thành lập hội được nhiều người chờ đợi từ hơn 10 năm qua, tuy nhiên, ông không thấy điểm gì khả quan trong Nghị định 126 đối với xã hội dân sự.

“Họ vẫn muốn trói xã hội dân sự càng chặt càng tốt. Và như vậy là làm ngược sự phát triển của đời sống bình thường”, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định. “Họ nêu ra những quy định rất chặt chẽ: nào là phải vận động bao nhiêu người, bao nhiêu tháng, đưa lý lịch lên cho họ duyệt… Vẫn chưa có sự cởi mở và sự hiểu đúng mức về tầm quan trọng của các hoạt động xã hội dân sự”.

Your browser doesn’t support HTML5

Quốc hội VN sắp nhóm họp dài kỳ và thực chất Nghị định mới ban hành về lập Hội?

Nghị định 126/2024/NĐ-CP nêu rõ tổ chức, công dân Việt Nam có nhu cầu thành lập hội phải thành lập ban vận động thành lập hội theo quy định và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội đó, theo truyền thông trong nước.

Chính quyền cho hay rằng Nghị định 126 áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Nhưng nghị định này sẽ không áp dụng với các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.

Giới quan sát cho rằng việc ban hành và áp dụng nghị định này là đi ngược lại hiến pháp của chính nhà nước Việt Nam và các công ước nhân quyền quốc tế mà Hà Nội đã ký kết.

“Việc ban hành một nghị định về việc thành lập hội như vậy chỉ là một bước để đối phó với quốc tế”, luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định. “Sau khi nhận được các chỉ trích của quốc tế về việc Việt Nam không tôn trọng các cam kết của mình thì họ đã ra văn bản này. Tôi cho rằng văn bản mang tính đối phó với quốc tế, chứ không phải từ thực tâm của chính quyền là muốn việc lập hội thực sự là một quyền tự do”.

Quy định trên có nghĩa là Nghị định 126 không liên quan đến Điều 170 của Bộ luật Lao động 2019 về “quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” mà 4 năm qua các tổ chức quốc tế chờ đợi theo EVFTA và hiện vẫn bị giới quan sát xem là “giậm chân tại chỗ”.

Viết cho VOA, luật sư Lê Quốc Quân ở Mỹ chỉ ra rằng Nghị định 126 là “một văn bản hết sức tệ hại” trong việc xây dựng xã hội dân sự tại Việt Nam.

“Những tổ chức như Văn đoàn Độc lập, Hội Nhà báo Độc lập, Hội Anh em Dân chủ, hay Hội Nạn nhân Formosa… sẽ rất khó có cơ hội đáp ứng được các điều kiện ghi trong nghị định mới này”, Luật sư Quân nhận định. “Các hội đó cũng có thể ‘bị giải thể’ bất cứ lúc nào nếu như nhà nước cho rằng vi phạm Điều 24, là ‘Làm phương hại đến an ninh quốc qia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mĩ tục…’”.