Du học sinh Việt chờ đón chính quyền Trump với tâm trạng ‘vừa âu lo vừa hy vọng’

Cổng trường Đại học Harvard, nơi có nhiều sinh viên quốc tế theo học

Du học sinh Việt Nam thể hiện tâm trạng vừa lo lắng với chính sách di dân thắt chặt vừa hy vọng có cơ hội tốt hơn để làm việc ở Mỹ trong lúc chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp nhậm chức vào đầu năm sau, theo tìm hiểu của VOA.

‘Nước Mỹ trước hết’

Với những chính sách di dân trong nhiệm kỳ đầu tiên vốn tìm cách hạn chế nguồn cung lao động cạnh tranh công việc với người dân Mỹ và lập trường di dân mang tính bảo thủ khi tranh cử của ông Trump, chính quyền Trump trong nhiệm kỳ sắp tới được dự đoán sẽ khiến các du học sinh quốc tế, trong đó du học sinh Việt Nam, gặp nhiều khó khăn trong tìm việc và ở lại Mỹ.

“Mối quan ngại lớn nhất của tôi là việc cản trở sinh viên và học giả quốc tế đến Hoa Kỳ,” ông Dan Berger thuộc hãng luật chuyên về di trú Green & Spiegel được Forbes dẫn lời nói trong bài báo có tiêu đề ‘Kế hoạch di dân của ông Trump làm đảo lộn sinh viên và những người xin hồ sơ di trú’ được đăng trên Forbes hôm 4/11.

“Dưới chính quyền Trump trước đây, quy trình xin thị thực đã trở nên khó khăn hơn, với thời gian xử lý hồ sơ kéo dài hơn, kiểm tra an ninh lâu hơn và nhiều câu hỏi hơn,” ông chỉ ra.

“Chính quyền Trump mới có thể sẽ tìm cách bóp chặt thị thực làm việc H-1B theo nhiều cách khác nhau, bao gồm tỷ lệ bác bỏ cao hơn, thời gian xử lý lâu hơn và đưa ra các yêu cầu về điều kiện khắt khe hơn,” giáo sư Stephen Yale-Loehr của Trường Luật Cornell, được Forbes dẫn lời nói. “Do xin thị thực H-1B là cách thức phổ biến mà sinh viên quốc tế có thể ở lại và làm việc tại Mỹ sau khi học xong, bất kỳ hạn chế nào về thị thực H-1B sẽ khiến họ thêm lo lắng, đến mức họ ít có khả năng đến Mỹ học ngay từ lúc đầu.”

Bài báo của Forbes nhắc lại chính quyền Trump nhiệm kỳ trước đã tìm cách hạn chế chương trình Optional Practical Training, hay còn được gọi là OPT, tức là Đào tạo Thực tập Tùy chọn, vốn cho phép du học sinh được ở lại Mỹ thực tập trong ngành mình học trong vòng 12 tháng trong khi chính quyền Barack Obama trước đó đã ra quy định cho phép du học sinh các ngành khoa học, kỹ thuật (STEM) được gia hạn OPT thêm 24 tháng.

Trong nhiệm kỳ đầu, chính quyền Trump từng đề xuất một số hạn chế đối với sinh viên quốc tế, trong đó có thắt chặt quy định về việc các du học sinh hết hạn giấy tờ ‘ở lại Mỹ bất hợp pháp’, giới hạn việc học tập ở Mỹ trong khung thời gian cố định.

Bộ Lao động của chính quyền Trump hồi năm 2020 cũng ra quy định yêu cầu chủ sử dụng lao động phải trả cho sinh viên nước ngoài mức lương tối thiểu bắt buộc cao đến mức họ rất khó được lọt vào thị trường lao động Mỹ.

‘Có chút lo lắng’

VOA đã hỏi chuyện anh Huy N., một du học sinh Việt Nam tốt nghiệp ngành kế toán tại Texas Christian University hồi năm 2019. Anh Huy may mắn nằm trong số 20% trúng xổ số thị thực H-1B trong số khoảng 80.000 hồ sơ mỗi năm để ở lại Mỹ làm việc trong thời gian 6 năm. Hiện tại, thị thực H-1B của anh chỉ còn hạn 1,5 năm nhưng công ty của anh đã bảo lãnh xin thẻ xanh cho anh cách nay ba tháng.

“Tôi hy vọng mình sẽ có thẻ xanh trong khoảng thời gian một năm rưỡi đó để có thể tiếp tục đi làm ở Mỹ,” Huy nói với VOA từ New York, nơi anh làm việc cho một công ty về dữ liệu có tên là Deep Data.

Anh Huy bày tỏ lo lắng dưới chính quyền mới của ông Trump, hồ sơ xin thẻ xanh của anh ‘có thể sẽ bị xét duyệt lâu hơn’ so với quy trình hiện tại là khoảng 18 tháng.

“Nếu trong vòng 18 tháng nữa mà tôi vẫn chưa có thẻ xanh (khi đó thị thực H-1B sẽ hết hạn) thì tôi cũng phải tính đến công việc của mình và giấy tờ của mình làm sao để có thể ở lại Mỹ một cách hợp pháp,” anh nói và cho biết một phương án mà anh đang tính đến là xin visa đi học lên cao học để có thêm thời gian ở lại Mỹ.

Do hồ sơ xin thẻ xanh của anh là do công ty hiện thời bảo lãnh nên trong thời gian chờ đợi có thẻ xanh, Huy không thể chuyển sang công ty khác. Một rủi ro khác là nếu bị công ty đột ngột sa thải trong lúc vẫn chưa có thẻ xanh, anh sẽ khó lòng kiếm việc ở một công ty khác và được công ty này đồng ý tiếp tục bảo lãnh thẻ xanh, anh trình bày với VOA.

“Trong thời gian sắp tới việc các công ty Mỹ tuyển dụng du học sinh quốc tế sẽ khó hơn, nhất là đối với tôi khi visa H-1B chỉ còn một năm rưỡi,” anh dự đoán.

Tuy nhiên, Huy phân tích khả năng công ty sẽ sa thải anh để tuyển dụng một công dân Mỹ thay vào chỗ anh theo chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump là khá thấp, vì, theo anh lập luận, nếu công ty anh bị buộc phải làm như vậy, họ sẽ đối phó bằng cách ‘outsourcing’, tức là giao công việc đó cho nước ngoài làm luôn thay vì phải tuyển một người Mỹ để giảm thiểu chi phí nhân sự.

Anh cho biết trong thời gian ông Trump sắp tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai, công ty đã khuyên là anh nên hạn chế ra khỏi nước Mỹ trong thời gian này, kể cả về Việt Nam thăm gia đình, để tránh rủi ro không được vào Mỹ trở lại, rút kinh nghiệm từ lệnh cấm vào Mỹ đối với sinh viên một số nước trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Nhìn chung, khi nhiệm kỳ hai của ông Trump sắp đến, Huy N. nói anh ‘có chút lo lắng’ vì ‘có nhiều điều bất ngờ sắp tới’ nhưng anh tin rằng bản thân ‘vẫn còn nhiều cơ hội ở phía trước nếu mình thực sự có khả năng’.

Kiếm việc dễ hơn?

Khi được hỏi về kỳ vọng về nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump, một du học sinh Việt Nam chỉ cho biết tên là T. đã nhắc đến những chính sách được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông ‘có ảnh hưởng không tốt đối với những sinh viên quốc tế như chúng tôi’, chẳng hạn như có những quy định khiến các sinh viên khá khó khăn khi tìm kiếm việc làm tại Mỹ cũng như khiến các công ty khá e ngại trong việc tuyển sinh viên quốc tế vào một số vị trí mà trước đó họ từng tuyển rất nhiều.

Anh T., vốn học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh, tức MBA, tại Đại học Boston, trao đổi với VOA cũng từ New York, nơi anh làm về tài chính cho một công ty công nghệ. Anh T. ở lại Mỹ làm việc theo chương trình OPT với thời hạn 3 năm kể từ ngày anh tốt nghiệp.

Không được may mắn như anh Huy, hồi năm ngoái anh T. có tham gia xổ số H-1B nhưng không trúng, anh cho biết sẽ tiếp tục tham gia chương trình này để có được thị thực H-1B làm việc ổn định hơn một khi OPT hết hạn.

Theo lời anh thì công ty anh đã bắt đầu bảo lãnh xin thẻ xanh cho các nhân viên là du học sinh quốc tế không trúng thị thực H-1B nhưng họ ‘chưa xác nhận gì’ với trường hợp của anh. Anh nói sẽ cố gắng thuyết phục công ty bảo lãnh thẻ xanh cho mình, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ sẽ chuyển anh sang chi nhánh ở một nước khác làm việc trong một thời gian.

Khác với Huy, anh T. tỏ thái độ khá lạc quan về chính sách di trú của ông Trump. Anh cho rằng chính quyền mới của ông Trump ‘sẽ tập trung giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp’ chứ không phải các du học sinh quốc tế.

“Đa phần các du học sinh như tôi đều đến nước Mỹ và thực hiện thủ tục nhập cư, quy trình nhập cư theo cách rất cơ bản… Và đây cũng là quy trình mà tôi nghĩ chắc chắn không phải bất hợp pháp,” anh khẳng định.

Mặt khác, anh chỉ ra rằng xuyên suốt lịch sử nước Mỹ, những người nhập cư có trình độ, có tay nghề cao đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nước Mỹ nên anh bày tỏ hy vọng rằng sau nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump ‘sẽ thấy nên có những chính sách bảo đảm quyền lợi của nhóm người nhập cư này bởi đó cũng chính là vì lợi ích của nước Mỹ’.

Về việc chính quyền Trump sẽ ưu tiên công ăn việc làm cho người dân Mỹ, anh T. nói rằng anh ‘không lo lắng’ vì những chương trình thị thực việc làm như H-1B trước giờ vẫn xác định đối tượng rất rõ ràng là những sinh viên quốc tế có năng lực tốt trong khi các công ty Mỹ không thể tuyển được người phù hợp trong số các công dân Mỹ.

“Tất nhiên sẽ có những ngành nghề nhất định sẽ phải chịu áp lực tuyển dụng thêm người Mỹ và sự cạnh tranh có thể tăng lên nhưng đối với đa số các ngành nghề nói chung thì tinh thần từ trước đến nay là các du học sinh đã phải cạnh tranh rất nhiều với người Mỹ nên tôi nghĩ là nếu có cam go thêm một chút nữa thì các du học sinh hoàn toàn có thể thích nghi được,” anh bày tỏ.

Đánh giá tổng quan, T. cho rằng việc ông Trump lên làm tổng thống ‘sẽ tốt hơn cho du học sinh’ trong vấn đề tìm kiếm việc làm để ở lại Mỹ.

“Cá nhân tôi luôn nhìn nhận vấn đề theo hướng liên quan đến lợi ích kinh tế. Đối với du học sinh thì vấn đề quan tâm nhất là phải có một công việc tốt, mà các công việc tốt dành cho du học sinh chỉ có thể có nhiều khi mà nền kinh tế phát triển. Khi người dân Mỹ bầu cho ông Trump thì họ đều có mong muốn rất lớn là nền kinh tế của nước Mỹ sẽ có những thay đổi,” anh lập luận.

Anh T. nhắc lại một bài phỏng vấn ông Trump hồi tháng 6, khi đó ông nói rằng du học sinh đến Mỹ học hành và tốt nghiệp ‘đều xứng đáng được cấp thẻ xanh để ở lại’ là tín hiệu cho thấy chính sách của ông đối với du học sinh sẽ ‘thay đổi trong nhiệm kỳ hai’.

Tuy nhiên, T. cho biết đã cân nhắc cho trường hợp xấu nhất là kinh tế nước Mỹ đi xuống, anh không tìm được công việc hay chính sách của Trump khiến anh không thể ở lại Mỹ làm việc thì anh sẽ ‘tìm cơ hội tốt hơn ở nơi khác như châu Âu, các nước đông nam Á hay trở về Việt Nam, chứ không nhất thiết ở lại Mỹ’.

Nội các nhiều di dân

Từ Đại học Columbia, New York, một du học sinh Việt Nam đang học năm cuối ngành khoa học máy tính, cũng bày tỏ với VOA sự lạc quan về cơ hội tìm kiếm việc làm nếu kinh tế nước Mỹ đi lên trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump.

“Nếu kinh tế nước Mỹ đi lên, thì nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng lên. Còn nếu kinh tế Mỹ đi xuống thì có mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên quốc tế đi nữa thì cũng không có ý nghĩa gì hết,” sinh viên này, có tên là Lý Vĩnh Hưng, nói với VOA và cho biết theo quan sát của anh, tình hình tuyển dụng các sinh viên mới ra trường ở Mỹ ‘có vẻ khá ảm đạm’.

Anh Hưng chỉ ra trong thành phần nội các mới của ông Trump có những nhân vật nổi bật là di dân đến Mỹ lập nghiệp, điển hình như tỷ phú Elon Musk hay như David Sacks, người được ông Trump chỉ định phụ trách lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và tiền ảo.

“Những người này rất ủng hộ di dân và tôi khá lạc quan về ảnh hưởng của họ đối với chính sách của ông Trump,” anh bày tỏ và cho biết công ty Tesla của tỷ phú Elon Musk và các công ty công nghệ ‘đã tuyển dụng rất nhiều người có visa H-1B’.

“Nếu mà họ cảm thấy là người nước ngoài làm việc tốt hơn trong nước tại thời điểm đó thì họ sẽ tuyển, không thì thôi.”

Anh Hưng dự tính sẽ học tiếp lên cao học đồng thời ‘sẽ nhìn ngó xem có cơ hội ngoài thị trường việc làm hay không’. Anh nói với VOA anh tin rằng nếu tìm việc ở Mỹ trong vòng 4 năm tới thì cơ hội của anh sẽ ‘không hề khó khăn hơn’.

“Chính sách nhập cư và chính sách việc làm của Trump đối với sinh viên quốc tế dựa trên nhu cầu của nước Mỹ tại thời điểm đó. Thời điểm Trump lên làm tổng thống năm 2016 và thời điểm bây giờ là hai nền kinh tế hoàn toàn khác nhau với nhu cầu tuyển dụng khác nhau,” anh giải thích và cho rằng yêu cầu về mức lương tối thiểu cho các sinh viên quốc tế của chính quyền Trump ‘thật sự không quá cực đoan’.

Mặc dù có thực tế là một du học sinh quốc tế có thể bị tác động bởi các chính sách di trú và việc làm của chính quyền Trump, nhưng anh Hưng cho rằng ông Trump ‘làm đúng’.

“Nếu có rất nhiều người Mỹ chật vật trong cuộc sống cá nhân của họ, họ không có nhiều công việc làm, thì mình mời những người nhập cư đến để làm những công việc của họ thì điều đó không công bằng với người Mỹ,” anh lý giải và cho rằng nếu tình hình kinh tế Mỹ tốt hơn thì chính quyền Trump ‘sẽ nới lỏng vấn đề nhập cư hơn’.

Khi được hỏi có lo ngại gì về chương trình OPT mà anh sẽ xin sắp tới hay không, du học sinh này cho rằng anh ‘chưa nghĩ đến việc này’ vì còn 6 tháng nữa mới xin OPT.

Tuy nhiên, anh nói nếu bị ảnh hưởng nặng bởi những chính sách di trú - việc làm của chính quyền Trump thì anh ‘sẽ rất buồn’ nhưng anh cho rằng điều đó ‘không có nghĩa là không tốt với người dân Mỹ’.

Theo số liệu của trang thống kê Statista, trong năm học 2022-2023 Việt Nam có 21.900 sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở Mỹ, xếp thứ 5 sau các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Canada.