Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi người dân của ông tiếp tục đoàn kết vào lúc cộng đồng người Tây Tạng tề tựu vào ngày thứ Bảy tại một thành phố nhỏ trên đồi kỉ niệm 60 năm tị nạn chính trị ở Ấn Độ - mặc dù chỉ có một bộ trưởng liên bang xuất hiện tại sự kiện này.
Sự kiện "Cảm ơn Ấn Độ" trước đó theo lịch trình sẽ diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, nhưng được dời về Dharamsala, một thành phố nhỏ ở phía bắc nơi mà người Tây Tạng điều hành chính phủ lưu vong của họ, vào lúc Ấn Độ cố tránh một cuộc đối đầu với Trung Quốc, nước xem Đức Đạt Lai Lạt Ma là một kẻ ly khai nguy hiểm.
Chính thức, New Delhi nói rằng chính sách của họ đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn y nguyên, và chính phủ lưu vong Tây Tạng nói rằng họ dời sự kiện về Dharamsala vì tôn trọng các nhu cầu về chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Bộ trưởng văn hóa Ấn Độ là bộ trưởng duy nhất có mặt tại sự kiện này.
"Hôm nay chúng ta kỷ niệm 60 năm lưu vong và chúng ta tin tưởng, chúng ta có thể thấy được tương lai của chúng ta sẽ ra sao," Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tại sự kiện này.
Ông nhấn mạnh "sự gắn bó bền chặt giữa Ấn Độ và Tây Tạng," nói rằng hai bên chia sẻ một "kết nối sâu sắc về văn hoá và văn học."
Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Tây Tạng vào năm 1950 trong sự kiện được gọi là "giải phóng hòa bình." Tháng 3 năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma, khi đó 23 tuổi, chạy sang Ấn Độ cùng với những tín hữu của ông.
Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Jawaharlal Nehru đã hoan nghênh vị thiền sư này và cho phép ông đặt chính quyền tại Dharamsala. Nhưng mối quan hệ này đã suy yếu khi Ấn Độ cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc và tránh một vụ đối đầu như vụ đối đầu quân sự kéo dài 73 ngày dọc theo một đoạn biên giới mà hai nước tranh chấp vào năm ngoái.
Đầu tháng này, Ấn Độ đã ban hành một lệnh cấm chưa từng có đối với người Tây Tạng tổ chức các cuộc tập hợp với Đức Đạt Lai Lạt Ma tại New Delhi để kỉ niệm 60 năm khởi đầu cuộc nổi dậy bất thành chống lại nền cai trị của Trung Quốc.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng hủy một chuyến thăm bang Sikkim giáp biên giới Ấn Độ trong tuần này, theo các quan chức, vì sợ Trung Quốc phật lòng.
Điều này tương phản với việc Đức Đạt Lai Lạt Ma được tự do đi lại ở Ấn Độ, bao gồm cả bang Arunachal Pradesh ở đông bắc, nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.