Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô vừa kết thúc chuyến đi thăm Ai Cập kéo dài hơn 2 ngày vào chiều Thứ Bảy 29/4. Tại đây, ngài đã chủ trì một thánh lễ có sự tham dự của một đám đông lên tới 25.000 người, và đến thăm một chủng viện. Mang theo thông điệp "hòa bình", Đức Giáo hoàng đã cố giang rộng vòng tay tới các Kitô hữu cũng như tín đồ Hồi giáo, và ngài lên án những người đã nhân danh Thượng đế, rao giảng bạo lực.
Đức Giáo hoàng cử hành thánh lễ bằng tiếng Latinh trước đông đảo tín hữu Ki-tô tụ tập tại sân vận động của Không lực Ai Cập hôm thứ Bảy, trong tình hình an ninh nghiêm ngặt. Truyền thông Ai Cập tường thuật có tới 25.000 Ki-tô hữu từ sáu giáo hội khác nhau tham gia thánh lễ, diễn ra trong một bầu không khí tưng bừng.
Một dàn hợp xướng của Giáo hội Công giáo Armenia góp mặt trình diễn trong thánh lễ thứ Bảy.
Đức Thượng phụ Ibrahim Ishaq, lãnh đạo Giáo hội Công giáo Coptic, tổng kết chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng, nói rằng chuyến đi được thực hiện theo tinh thần khẩu hiệu “vị Giáo Hoàng của hòa bình tại một đất nước Ai Cập hòa bình”. Ông nhấn mạnh Ai Cập là "cái nôi của tôn giáo và mãi mãi sẽ là một vùng đất của hòa bình."
Trong ngày đầu tiên của chuyến đi hôm thứ Sáu, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã gặp gỡ Đại Imam viện Al Azhar trong một cuộc đối thoại liên tôn, trước khi đi thăm Đức Thượng phụ Tawadros, lãnh đạo Giáo hội Chính thống Coptic, Tại đây ngài chia buồn về các cuộc tấn công tự sát hôm Chủ Nhật Lễ Lá nhắm vào hai nhà thờ Coptic ở Alexandria và thị trấn Tanta ở đồng bằng sông Nile.
Trong cuộc đối thoại hôm thứ Sáu, Đức Giáo hoàng nói:
"Chúng ta phải rút ra bài học của quá khứ rằng bạo lực càng gây ra thêm bạo lực và sự ác chỉ mang lại thêm sự ác."
Đại Imam Sheikh Ahmed Tayeb, người chủ trì hội nghị cùng với Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, lên án "sự dã man chưa từng thấy của thế kỷ 21, bất chấp những thảo luận về nhân quyền".
Hai nhà lãnh đạo tôn giáo thân thiết ôm nhau sau khi ngỏ lời trước đám đông.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al Sisi cũng dự hội nghị, ông nhấn mạnh "Ai Cập là nước đi đầu trong các quốc gia chống khủng bố", và kêu gọi cộng đồng quốc tế "lên án các nước tài trợ cho khủng bố và tiếp tay tuyển mộ những kẻ khủng bố".
Bộ trưởng Du lịch Yehia Rashed nói với truyền thông Ai Cập rằng chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô cho thế giới thấy rằng Ai Cập là một "nơi an toàn và hiếu khách".
Ông Rashad nói Ai Cập không những chỉ là "cái nôi của các nền văn minh" mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra một thông điệp hòa bình với thế giới.
Trước khi ra phi trường, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô ghé thăm một chủng viện ở ngoại ô Ma'adi của thủ đô Cairo. Tại đây ngài kêu gọi các chức sắc tôn giáo thuộc các giáo hội khác nhau hãy "chấp nhận sự khác biệt của nhau".