Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas mới đây kêu gọi Liên hiệp châu Âu có các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga về vụ đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny bằng chất độc thần kinh bị quốc tế cấm.
Ông Navalny xuất hiện trở lại trong những tuần gần đây. Trước đó, ông bị hôn mê sau khi đột ngột đổ bệnh trong một chuyến bay ở Siberia và được đưa đến Berlin để điều trị. Các bác sĩ Đức cho biết ông bị đầu độc bằng Novichok, một chất độc thần kinh của Nga.
Đức, Pháp và các nước phương Tây khác đã yêu cầu Điện Kremlin giải thích về bệnh tình của ông Navalny. Nga nói họ không thấy có bằng chứng chắc chắn rằng ông ấy bị đầu độc và phủ nhận có liên quan đến bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào ông ấy.
Ông Maas nói với cổng tin tức t-online trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy 3/10: “Tôi tin rằng sẽ không thể nào tránh được các biện pháp trừng phạt”.
“Các biện pháp trừng phạt phải luôn có mục tiêu cụ thể và có mức độ tương xứng. Vụ việc vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế về Vũ khí Hóa học như vậy không thể trôi qua trong im lặng. Về điều này, chúng ta có sự thống nhất ở châu Âu”, ông Maas nói thêm.
Đức hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của khối 27 thành viên. Các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về phản ứng của họ và các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra đối với Nga tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào các ngày 15-16/10.
“Nếu kết quả của các phòng thí nghiệm Đức, Thụy Điển và Pháp được xác nhận, sẽ có sự đáp trả rõ ràng từ EU. Tôi chắc chắn về điều đó”, ông Maas nói.
Vụ của ông Navalny đã khiến quan hệ giữa Moscow và một số nước phương Tây xấu đi. Đức phải đối mặt với những lời kêu gọi ngừng dự án đường ống Nord Stream 2 hiện gần hoàn thành. Dự án này có mục đích đưa thêm khí đốt của Nga trực tiếp đến Đức.
Khi được hỏi liệu các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga có nên bao gồm cả Nord Stream 2 hay không, ông Maas nói có hơn 100 công ty châu Âu tham gia vào dự án, một nửa trong số đó là của Đức.
Ông Maas nói: “Rất nhiều công nhân châu Âu sẽ phải chịu thiệt hại nếu việc xây dựng ngừng lại”.
Nord Stream 2 do tập đoàn khí đốt nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga đứng đầu, với một nửa chi phí được cung cấp từ các hãng Uniper và BASF của Đức, công ty Shell của Anh-Hà Lan, OMV của Áo và Engie của Pháp.