Đường cơ sở của Trung Quốc ‘ảnh hưởng tự do đi lại’ trên Vịnh Bắc Bộ

Vịnh Bắc Bộ là vùng biển nằm giữa miền Bắc của Việt Nam với tỉnh Quảng Đông và tỉnh Hải Nam của Trung Quốc

Mặc dù đường cơ sở mà Trung Quốc mới công bố trên Vịnh Bắc Bộ không làm thay đổi thực tế vùng biển đã được phân định với Việt Nam, nhưng nó có thể đặt ra thách thức đối với việc tự do đi lại trong vùng biển này, các nhà phân tích nói với VOA.

Bắc Kinh hồi đầu tháng trước đã công bố bảy điểm cơ sở dùng để nối thành các đường cơ sở thẳng trên Vịnh Bắc Bộ, vùng biển mà Bắc Kinh và Hà Nội đã phân định từ cách nay hơn 20 năm.

Đường cơ sở, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, là đường do các quốc gia ven biển vẽ để làm cơ sở phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó, vốn kéo rộng lần lượt là 12, 200 và tối đa 350 hải lý tính từ đường cơ sở.

‘Không gây tranh chấp’

Bắc Kinh nói rằng đường cơ sở mà họ mới vẽ ở Vịnh Bắc bộ, mà họ gọi là Bắc Bộ Loan, ‘tuân thủ nghiêm ngặt các bộ luật nội địa, luật quốc tế và các hiệp định song phương’ và ‘không ảnh hưởng gì đến lợi ích của Việt Nam hay của bất kỳ nước nào khác’, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4/3 do tờ Hoàn cầu Thời báo đăng tải.

Tuy nhiên, khi được hỏi về điều này, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 14/3 nhấn mạnh rằng ‘các nước ven biển cần tuân thủ UNCLOS khi vẽ đường cơ sở’ và kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ.

Kể từ khi hiệp định này được ký kết hồi năm 2000 và có hiệu lực từ năm 2004, Vịnh Bắc bộ đã trở nên bình yên và không có tranh chấp, hoàn toàn khác với tình trạng căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Tuy nhiên, bà Hằng không bác bỏ đường cơ sở của Trung Quốc và cũng từ chối trả lời câu hỏi liệu nó có đe dọa hiệp định đã được ký kết hay không.

“Nói nôm na là Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã được ký kết và chỉ có như thế mà thôi cho nên không thể vượt quá được, cho dù Trung Quốc có vẽ đường cơ sở gần hay xa đi chăng nữa thì cũng không làm thay đổi vùng biển mà hai bên đã phân định,” ông Hoàng Việt, giảng viên tại Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh vốn theo dõi chặt chẽ tình hình trên Biển Đông, nói với VOA.

Theo lời ông thì cho dù Trung Quốc có muốn đi nữa thì họ cũng không thể thay đổi được hiệp định mà họ đã đặt bút ký.

“Hiệp định đó đã phân định rồi, và hai bên đã ký kết, và bước quan trọng nhất là Quốc hội hai bên đã thông qua, nếu mà muốn thay đổi phải được sự đồng ý của Quốc hội hai bên, cho nên rất khó.”

Ông Raymond Powell, trưởng nhóm về Biển Đông tại Trung tâm Gordian Knot về Sáng tạo An ninh Quốc gia thuộc đại học Standford, cũng cho rằng đường cơ sở này của Bắc Kinh ‘không ảnh hưởng trực tiếp đến hiệp định năm 2000’.

“Tôi không nghĩ nó tạo ra nguy cơ có thêm tranh chấp ở Vịnh Bắc bộ,” ông Powell nói với VOA.

Đường cơ sở thẳng

Tuy nhiên, cả hai ông Hoàng Việt và Raymond Powell đều có chung nhận định rằng Bắc Kinh đã không tuân thủ luật quốc tế khi công bố đường cơ sở này.

UNCLOS quy định rằng đường cơ sở phải đi theo đường bờ biển và đường cơ sở thẳng chỉ được vẽ khi nào đường bờ biển quá khúc khuỷu. Đường cơ sở cũng được vẽ bao quanh những hòn đảo gần bờ biển nhưng ‘không được phép đi quá xa cách hướng đi tổng thể của đường bờ biển’.

“Trung Quốc đã vẽ đường cơ sở thẳng từ bờ biển của họ nối với một vài hòn đảo ngoài khơi để nới rộng vùng biển của họ một cách bất hợp pháp,” ông Powell cho biết. “UNCLOS không cho phép vẽ đường cơ sở thẳng trừ những trường hợp cực đoan, chẳng hạn như những vịnh hẹp quá phức tạp ở Na Uy.”

Thạc sỹ Hoàng Việt nói rằng bảy điểm cơ sở mà Trung Quốc dùng để nối thành đường cơ sở ‘quá xa bờ’.

“Phải có điều kiện nhất định mới được vẽ đường thẳng, còn không đường cơ sở phải đi theo ngấn nước triều thấp nhất sát bờ biển,” ông Việt giải thích.

Khi được hỏi đường cơ sở này có nới rộng diện tích lãnh hải của Trung Quốc hay không, ông Việt nói: “Lãnh hải sẽ phụ thuộc vào đường cơ sở, tức là đường cơ sở kéo ra thì lãnh hải sẽ rộng hơn vì lãnh hải sẽ là 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra ngoài khơi.”

Cũng theo UNCLOS, vùng biển bên trong đường cơ sở gắn với đất liền là vùng nội thủy của quốc gia đó và tàu bè và máy bay của quốc gia khác không được đi vào vùng nội thủy nếu không được cho phép.

Theo ông Việt, đường cơ sở này của Trung Quốc đã biến một vùng ven biển thành vùng biển khép kín của Trung Quốc, bao gồm toàn bộ eo biển Quỳnh Châu nằm giữa đảo Hải Nam và đại lục. “Nó ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải của tàu bè nước ngoài,” ông nói.

Ông Việt bày tỏ nghi ngại việc đưa eo biển Quỳnh Châu thành vùng nội thủy ‘có thể trở thành tiền lệ để sau này Trung Quốc làm tương tự với eo biển Đài Loan’.

Việt Nam nên làm sao?

Theo giải thích của ông thì sau khi đã phân định Vịnh Bắc bộ rồi, thì cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều có thể công bố đường cơ sở của mình trong vùng biển này.

Ông Việt cho rằng điều cấp thiết là Việt Nam cũng phải công bố đường cơ sở của mình, nhưng khuyến nghị Hà Nội không nên theo gót Trung Quốc là vẽ đường cơ sở quá mức mà ‘nhất thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế’.

“Bởi vì Việt Nam luôn nêu cao tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và tôn trọng UNCLOS trong tất cả các tuyên bố về Biển Đông,” ông lập luận.

Ông Powell dự đoán đường cơ sở của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ thực thi chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) trong vùng biển này để thách thức tuyên bố của Trung Quốc. Cho đến nay, trong khu vực, tàu chiến Mỹ chỉ mới thực hiện FONOP trên Biển Đông.

Ông Hoàng Việt thì cho rằng ‘chắc chắn Mỹ sẽ phản đối đường cơ sở này’ vì Washington đã từng phản đối đường cơ sở mà Trung Quốc vẽ quanh bờ biển của họ hồi năm 1996 (lúc đó chưa gồm Vịnh Bắc bộ).

“Nhưng Mỹ lại có chỗ khó là Quốc hội Mỹ chưa thông qua Công ước Quốc tế về Luật biển, chưa phải là thành viên của UNCLOS, nên tính chính danh của Mỹ trong trường hợp này cũng yếu đi nếu họ có những tuyên bố phản đối Trung Quốc.”

Theo ông Việt thì ngoài việc Bộ Ngoại giao lên tiếng thì Hà Nội ‘không có cách gì đòi Trung Quốc rút lại đường cơ sở này’ vì ‘không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước trên thế giới cũng vi phạm UNCLOS về đường cơ sở’.

Về phần mình, ông Powell nhận định: “Tôi không chắc Hà Nội có thể làm gì khác, bởi vì đường cơ sở này không có ảnh hưởng trực tiếp gì đến Việt Nam. Mà Việt Nam lại không có chương trình FONOP.”