ViệnPháp quốc loan báo trên trang web chính thức hôm 23/4 rằng Giải Thế giới Cino Del Duca thuộc viện này vừa được trao cho tiểu thuyết gia Dương Thu Hương, người nổi danh cả ở quê hương Việt Nam lẫn ở hải ngoại, đặc biệt là ở Pháp.
Toàn bộ ban giám khảo giải Cino Del Duca nhất trí trao giải thưởng danh tiếng trị giá 200.000 euro (220.000 đô la Mỹ) cho bà Dương Thu Hương để tôn vinh một văn sĩ có sự nghiệp và nhân cách “xuất chúng” và “nhiều tâm huyết”, góp phần truyền thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại.
Bà Hương, sinh năm 1947 và sống ở Pháp từ năm 2006, là tác giả của hơn 10 tiểu thuyết đã được dịch ra tiếng Pháp. Một số tác phẩm của bà bị cấm ở Việt Nam vì bị chính quyền xem là sai trái về mặt chính trị.
Hồi năm 1991, bà từng bị chính quyền bắt giam vì phê phán việc đất nước đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin cũng như vì phản đối Đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo Việt Nam.
Từ cuốn Chốn Vắng (2016), tác phẩm được đọc nhiều nhất của bà, cho đến Đồi Bạch Đàn (2014), hay qua cuốn Đỉnh Cao Chói Lọi (2009) viết riêng về nhân vật Hồ Chí Minh, nữ nhà văn mô tả cuộc sống thường nhật của người Việt, gánh nặng của quá khứ và truyền thống trong một xã hội bị khắc dấu bởi các cuộc chiến tranh.
Giải Thế giới Cino Del Duca do bà Simone Del Duca sáng lập năm 1969 để vinh danh sự nghiệp của các nhà văn Pháp hoặc các tác giả nước ngoài có tác phẩm tạo nên thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại.
Theo Đại hội đồng Giới nhân văn Quốc tế và Hiệp hội Giới nhân văn Mỹ, chủ nghĩa nhân văn hiện đại là đỉnh cao của những truyền thống lý luận lâu đời về ý nghĩa và đạo đức, là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà tư tưởng, nghệ sĩ và giới nhân văn trên thế giới, đồng thời đan xen với sự phát triển của khoa học hiện đại.
Chủ nghĩa nhân văn hiện đại, còn được gọi là Chủ nghĩa nhân văn tự nhiên, Chủ nghĩa nhân văn khoa học, Chủ nghĩa nhân văn đạo đức và Chủ nghĩa nhân văn dân chủ, được triết gia Mỹ Corliss Lamont (1902-1995) định nghĩa là “một triết lý tự nhiên bác bỏ mọi chủ nghĩa siêu nhiên và chủ yếu dựa vào lý trí và khoa học, dân chủ và lòng trắc ẩn của con người".
Nhà báo kỳ cựu Đinh Quang Anh Thái ở California, Mỹ, người coi nhà văn Dương Thu Hương như một người chị, bày tỏ với VOA rằng ông “vui mừng, hân hoan” nhưng “không ngạc nhiên” về giải thưởng dành cho bà. Ông nói:
“Tôi biết bà Dương Thu Hương được sự trọng thị từ giới văn học của nước Pháp. Khi bà qua Pháp sống, bà được Viện Văn hóa của Pháp dành cho những ưu đãi của một nhà văn ngoại quốc và đã có nhiều tác phẩm được xuất bản bằng tiếng Pháp, và bà đã từng ra mắt sách ở nhiều thành phố bên Pháp rồi”.
Ông Đinh Quang Anh Thái cho biết bà Dương Thu Hương có gửi tặng ông một số tác phẩm của bà bằng tiếng Pháp và những người bạn lớn tuổi của ông đọc được tiếng Pháp nhận xét họ “rất thích”.
Ông nhận định rằng nước Pháp, vốn có truyền thống lâu đời về phương diện văn hóa, trao giải cho bà vì nội dung các tác phẩm, hơn là vì yếu tố “một người phụ nữ đấu tranh”:
“Việc trao giải cho một người nếu mà dựa vào thành tích đấu tranh của người đó, thì tôi không nghĩ như thế. Có thể họ nhìn thấy một người phụ nữ can đảm, và sự can đảm thể hiện qua ngòi bút của mình, nói lên được nét đặc thù của một người phụ nữ Việt Nam khi viết văn, và những tác phẩm đã được xuất bản cho người Pháp xem, thì họ trao giải thưởng”.
Theo quan sát của VOA, báo chí Việt Nam không đưa tin về việc bà Dương Thu Hương được trao giải Cino Del Duca. Nhà báo Đinh Quang Anh Thái bình luận rằng “không ai ngạc nhiên” về điều đó khi xét đến thực tế là bà Dương Thu Hương, từng là đảng viên cộng sản, đã rời bỏ hàng ngũ của đảng để đấu tranh cho tương lai tự do, dân chủ của Việt Nam. Ông nói thêm:
“Trong những lần tiếp xúc riêng tư, bà Dương Thu Hương tự nhận là một người ngồi xệp xuống đất cùng với người dân Việt Nam để nói lên những khát vọng của dân tộc Việt Nam. Bà có những ngôn ngữ rất nặng nề chửi thẳng giới lãnh đạo ở Hà Nội thì làm sao báo chí trong nước dám đăng tin về một người phụ nữ can trường như thế”.
Trái với trường hợp của bà Dương Thu Hương, một người Việt, chính báo chí trong nước, bao gồm cả Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) và tạp chí Tuyên Giáo, từng đưa tin một nữ văn sĩ Mỹ được trao giải Cino Del Duca hồi năm 2020.
Các bản tin của báo chí Việt Nam khi đó viết rằng đây là giải thưởng văn chương và khoa học danh giá của Pháp, cũng là một trong những giải thưởng văn chương có giá trị nhất thế giới.
“Việc giành được giải thưởng này được coi là bước đệm để tác giả tiến tới giải Nobel Văn học”, TTXVN viết khi đó, và cho biết thêm rằng “trong lịch sử, các tác giả như Andrei Sakharov, Mario Vargas Llosa và tiểu thuyết gia người Pháp Patrick Modiano đều từng giành giải thưởng Cino Del Duca trước khi được trao giải Nobel Văn học danh giá”.
Nhà báo Đinh Quang Anh Thái nói với VOA rằng ông mong bà Dương Thu Hương sẽ là người Việt Nam đầu tiên được trao giải Nobel Văn học.
Cho đến nay, mới chỉ có hai người Việt nhận giải Cino Del Duca. Trước bà Dương Thu Hương, giáo sư thiên văn Trịnh Xuân Thuận thuộc trường đại học Virginia, Hoa Kỳ, là người Việt đầu tiên được trao giải hồi tháng 6/2012.