Dư luận Việt Nam đang bức xúc với bệnh nhân nhiễm virus corona thứ 34 vì thái độ được cho là ‘không hợp tác’ của bà trong khai báo lịch trình đi lại và tiếp xúc, khiến nhà chức trách không thể khoanh vùng và cách ly kịp thời những người có nguy cơ bị lây nhiễm từ bệnh nhân này.
Cho đến giờ bệnh nhân thứ 34, một chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, được mệnh danh là ‘siêu lây nhiễm’ ở Việt Nam. Tổng cộng đã có 11 ca nhiễm từ bà trong tổng số 66 ca nhiễm được ghi nhận cho đến nay ở Việt Nam.
‘Khai báo gian dối’
Bệnh nhân này, được báo chí trong nước nêu danh là bà Đặng Thị Lynh Trang, 51 tuổi, bị phát hiện nhiễm virus corona sau chuyến đi đến Mỹ vào cuối tháng 2. Bà khai rằng sau khi về nước bà đã ‘đi thẳng từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà ở Phan Thiết’ và ‘chỉ tiếp xúc trực tiếp có 17 người’.
Tuy nhiên, sau đó giới hữu trách đã phát hiện thêm các trường hợp có liên quan đến hành trình của bà trải rộng từ thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Nai và Phan Thiết, bao gồm 3 ca dương tính ở thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến hôm nay, Việt Nam tiếp tục phát hiện thêm ca dương tính có liên quan đến bà Trang, trong đó có bệnh nhân 65 ở quận Gò Vấp.
Số người được cho là đã tiếp xúc trực tiếp của bà Trang cũng đã tăng từ 17 đến trên 30 người, theo tường thuật của báo chí trong nước. Bà bị nhà chức trách lên án là ‘khai báo chậm trễ, nhỏ giọt và gian dối’.
Trao đổi với VOA, ông Lữ Đắc Long, một nhiếp ảnh gia ở thành phố Hồ Chí Minh, nói ông ‘rất bức xúc’ với sự gian dối của bệnh nhân 34.
“Làm sao một người có trình độ như thế, là doanh nhân mà lại có nhận thức kém như vậy,” ông chỉ trích và nói ông đồng ý với lời kêu gọi của cộng đồng mạng là ‘xử lý hình sự’ đối với bà Trang sau khi bà khỏi bệnh.
“Có điều uẩn khúc gì mà bà không chịu nói ra để cho lực lượng chức năng phải tốn công sức truy tra?” ông Long đặt vấn đề. “Bà ấy khai nhỏ giọt làm cực khổ cho biết bao nhiêu người (phải điều tra và xác minh những người bà tiếp xúc để cách ly).”
Khi được hỏi có nên thông cảm với bà Trang nếu có những điều thuộc về bí mật công việc nên bà Trang không tiện nói ra vì sẽ ảnh hưởng đến đối tác hay không, ông Long nói: “Tôi không biết bí mật động trời của bà ấy là gì nhưng trước đại dịch của toàn thế giới như vậy thì cho dù là ẩn tình gì đi nữa thì cũng nên thành thật.”
“Với ý thức của một người dân cơ bản thì dù chị là ai thì khi chị đi nước ngoài về cũng phải khai rõ ra, nếu không sẽ làm hại cả cộng đồng,” ông nói thêm.
‘Cần áp lực xã hội’
Trong thời gian ở Mỹ cùng phái đoàn thuộc Hội Nữ doanh nhân Việt Nam, bà Trang đã đi tham quan ở New York và thủ đô Washington D.C. Trên đường đến Mỹ, bà đã quá cảnh sân bay Incheon ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong thời gian ở Mỹ, bà Trang khai rằng bà ‘không nhớ đã tiếp xúc với ai có triệu chứng bệnh’.
Tờ Tuổi trẻ dẫn lời một quan chức y tế tỉnh Bình Thuận nói rằng một số ca tiếp xúc trực tiếp F1 với bà Trang xuất hiện không phải là do bà khai thêm mà là do ‘một số người đã chủ động đến cơ quan chức năng trình diện hay công tác điều tra dịch tễ phát hiện thêm’.
Ông Long nói rằng công an Việt Nam ‘có đủ cách để bắt bà Trang phải khai ra thành thật’. “Cho dù là giấu thì người ta có nghiệp vụ thì cũng khui ra được hết. Bà ấy càng giấu thì càng chết.”
Về ý kiến là nên bắt bà Trang bồi thường tổn thất cho nhà nước, chi phí chữa trị cho các bệnh nhân bị lây cũng như những người bị ảnh hưởng kinh tế từ bà do lệnh cách ly, ông Long nói ‘cho dù bà ấy có giàu đến đâu cũng đền không nổi’.
“Khoanh vùng từng khu vực đã tốn tiền của nhà nước biết bao nhiêu, cá nhân bà ấy chịu không nổi đâu,” ông giải thích.
Ông nói hành vi của bà Trang đã làm cho đời sống của người dân ‘bị ảnh hưởng trầm trọng’.
“Chính quyền cấm karaoke, quán bar, tụ điểm giải trí. Nhiều người không đi làm được nên không có tiền, bị hao hụt kinh tế. Doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh không được phải đóng tiền nhà chết luôn. Công nhân bị cho nghỉ việc. Nhiều người lo lắng, tinh thần đi xuống,” nhà nhiếp ảnh này cho biết.
Ông Long nói áp lực của xã hội đối với bà Trang là ‘điều tốt’ mặc dù chính quyền vẫn ‘dồn sức chữa trị cho bà ấy’.
“Ít nhiều sẽ có những người đi nước ngoài về lây bệnh cho cộng đồng như bà Trang. Nhưng những người sau này sẽ ý thức hơn khi mà báo chí, cộng đồng mạng đã lên án bà Trang như thế,” ông giải thích.
“Ai cũng cần có ý thức, cũng phải thành thật khai báo để chung tay với Nhà nước để đẩy lùi dịch bệnh.”
Có dự đám cưới?
Một mình bà Trang đã lây virus corona cho 8 người tiếp xúc trực tiếp (F1), bao gồm chồng, con trai, con dâu, cháu nội, người giúp việc, nhân viên, hai nhân viên của công ty đối tác, cũng như lây cho 3 người tiếp xúc gián tiếp (F2) là sui gia, con của nhân viên và đồng nghiệp của hai nhân viên phía đối tác vốn bị lây từ những người F1.
Trong lúc này, nhiều nhân vật có tên tuổi ở Việt Nam và cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ đối với bệnh nhân 34.
“Bà 34, xin hãy tự trọng và hãy làm con người. Tới giờ vẫn khai gian dối và nhỏ giọt. Phát điên!” siêu mẫu Xuân Lan viết trên trang cá nhân của mình. Trong khi đó, ca sỹ Văn Mai Hương còn đi xa hơn khi yêu cầu ‘bỏ tù’ bệnh nhân này.
Trên trang cá nhân của mình, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cũng yêu cầu ‘ngay lập tức khởi tố hình sự’ đối với bệnh nhân 34.
“Một doanh nhân biết dính bệnh mà gian dối, khai nhỏ giọt về những người và những nơi tiếp xúc, gây hoạ cho bao người, gây hệ luỵ khó khăn cho chính quyền địa phương, thái độ bất hợp tác, ngạo mạn, ngông cuồng,” ông viết. “Với tất cả chứng cứ ấy cần khởi tố ngay để nghiêm trị.”
Hiện giờ trên mạng đang lan truyền thông tin bà Trang cũng đã đến dự một đám cưới có cả ngàn khách ở thành phố Phan Thiết mặc dù bà một mực cho rằng bà không tham dự mà chỉ gửi quà. Chính quyền Phan Thiết đang xác minh sự việc này và liên tục kêu gọi những trường hợp từng tiếp xúc với bệnh nhân 34 ra trình báo.
Hiện giờ có hàng trăm hộ gia đình ở Phan Thiết, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh phải chịu cảnh cách ly vì có liên quan đến bệnh nhân 34.