Ebola lây lan nhanh hơn mức độ đối phó của nhân viên y tế

Thi hài một người đàn ông bị nghi là qua đời vì nhiễm virus Ebola được phát hiện ngoài đường phố thủ đô Monrovia của Liberia

Người đứng dầu một tổ chức cứu trợ y tế nói dịch bệnh Ebola bùng phát tại Tây Phi lây lan nhanh chóng hơn là việc đối phó của các nhân viên cứu trợ.
Chủ tịch của tổ chức Bác sĩ Không Biên giới bà Joanne Liu nói việc lãnh đạo mạnh mẽ hơn của Tổ chức Y tế Thế giới cần phải được thực hiện để kiểm soát được dịch bệnh này.

Bà đưa ra lời bình luận vào ngày hôm nay tại Geneva sau chuyến đi kéo dài 10 ngày của bà đến vùng bị dịch bệnh hoành hành. Bà Liu nói bà cảm thấy như thời chiến khi đến những nước bị ảnh hưởng.

Bà Liu nói bà cảm thấy như trong thời kỳ chiến tranh vì lo sợ, lo sợ tại tất cả mọi nơi bà đến. Không ai biết được việc gì đang xảy ra. Bà cũng nói mức độ lớn lao của dịch bệnh bùng phát gây nên những trầm cảm tại các trung tâm chăm sóc sức khoẻ.

Bà Liu nói tiếp là sở dĩ bà nói giống như thời kỳ chiến tranh vì hạ tầng cơ sở hoàn toàn sụp đổ tại một số nơi hơn là những nơi khác. Bà Liu tiên đoán là phải mất khoảng 6 tháng mới kiểm soát được dịch bệnh.

Ngày hôm qua, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo là tầm mức của sự bộc phát dịch Ebola tại Tây Phi đã được đánh giá quá thấp.

Cơ quan Liên hiệp quốc cho biết 1.069 người đã thiệt mạng vì Ebola trong năm nay tại Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone. Con số trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo chỉ dưới 2.000 người.

Trong một tuyên bố, cơ quan y tế của Liên hiệp quốc nêu lên quan ngại vì những con số này không phản ánh tính chất nghiêm trọng thực sự của tình hình.

Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán vụ bùng phát tiếp tục “trong một thời gian nữa,” và cho biết kế hoạch đáp ứng của tổ chức sẽ kéo dài “trong vài tháng tới.”

Không có thuốc chữa hay vắcxin ngừa Ebola dù một ủy ban của WHO trong tuần này đã ủng hộ kế hoạch cho một số bệnh nhân dùng thuốc chưa được chứng minh là có thể chữa trị được Ebola để chống lại virút này.

Một số liều giới hạn của loại thuốc chưa được thử nghiệm do Hoa Kỳ chế tạo có tên là ZMapp đã được đưa đến Liberia ngày thứ Tư và sẽ được dùng cho hai bác sĩ.

Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh là Hoa Kỳ cam kết làm việc với các nước Tây Phi để ngăn chận dịch bệnh. Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Obama nhấn mạnh đến cam kết của ông trong những cuộc điện đàm riêng rẽ vào ngày hôm qua với Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf và Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma. Ông cũng chia buồn với gia đình những người thiệt mạng vì virút này.