Phúc trình được đăng tải trên tạp chí TRAFFIC cho biết những sản phẩm ngà voi bất hợp pháp có đầy rẫy tại Cairo và Luxor.
Đồng tác giả Esmond Martin và Lucy Vigne đến thăm Ai Cập vào tháng Ba và tháng Tư năm 2011 nói không ai giấu diếm bất cứ một ngà voi nào.
Ông Martin nói: “Chúng tôi tìm thấy 9.000 khúc ngà voi tại Cairo và Luxor. Hầu hết tại Cairo. Và tất cả ngà voi này đều có xuất xứ bất hợp pháp, không được phép buôn bán. Và thực sự theo tôi nghĩ, những ngà voi đó còn không được phép trưng bày với mục đích thương mãi nữa kia.”
Ông nói thêm là 9.000 khúc này chỉ là những gì được trưng bày. Không bao gồm những khúc được cất giấu hay chứa trong kho. Ông nói hầu hết những ngà voi được chuyển qua Sudan trước khi đến Ai Cập.
Ông Martin nói: “Ngà voi có lẽ đến từ nước Cộng hoà Trung Phi, Cộng hoà Dân chủ Congo, Kenya và Côte d’Ivoire. Do đó những ngà voi này đường như được chuyển qua Sudan và hầu hết tới Cairo đến một nơi gọi là Khan al-Khalili là chợ chính.”
Phúc trình cho biết Trung Quốc là thị trường chính lớn nhất của ngà voi bất hợp pháp nhưng cũng có nhiều ngà voi chuyển lậu đến những quốc gia vùng Vịnh ba Tư dưới dạng những chuỗi tràng hạt và gậy chống.
Ông Martin nói: “Hiện giờ người Trung Quốc là những người tiêu thụ chính và người mua ngà voi tại Ai Cập. Trước đó là người Pháp, người Tây Ban Nha và người Mỹ. Nhưng bây giờ thì người Trung Quốc thay thế có lẽ họ mua phân nửa tất cả những ngà voi.”
Ông Martin nói ngà voi nhập lậu vào Trung Quốc gây tai họa lớn cho số lượng voi châu Phi:
“Trung Quốc là nước nhập cảng ngà voi bất hợp pháp nhiều nhất trên thế giới. Và Trung Quốc là vấn đề lớn nhất duy nhất liên hệ đến voi trên toàn cõi châu Phi và một phần châu Á, nhưng hầu hết là tại châu Phi. Do đó chúng ta phải giải quyết tình trạng này. Bà Lucy Vigne và tôi có mặt tại Trung Quốc năm ngoái cũng vào lúc này và chúng tôi thăm dò tại miền nam nước này. Và chúng tôi thấy ngà voi còn được bán nhiều hơn trước đây. Giá cả vào khoảng 750 đô la một ký lô ngà voi chưa biến chế.”
Ông Martin nói không có chứng cứ là các giới chức Trung Quốc có liên hệ đến việc buôn bán ngà voi. Ông nói trên thực tế Trung Quốc xem đây là một tình trạng nghiêm trọng và có những trừng phạt gắt gao đối với những người bị bắt gặp có ngà voi bất hợp pháp. Vấn đề là có quá nhiều những tay buôn lậu nhỏ tại châu Phi gởi ngà voi đến Trung Quốc và khó chặn đứng làn sóng này.
Ai Cập là một thành viên của Công ước Quốc tế về Buôn bán những Động Vật và Thực vật Hoang dã có Nguy cơ bị Tuyệt chủng (CITES).
Ông Martin nói ông đưa vấn đề buôn bán ngà voi bất hợp pháp đến nhà cầm quyền Ai Cập và yêu cầu bài trừ:
“Khi tôi hỏi họ tại sao không làm việc này họ nói họ gặp khó khăn trong viêc phân biệt ngà voi và xương lạc đà. Những người khác trong chính phủ nói với tôi là họ khá lo sợ an ninh của họ khi đến những đường phố phía sau khu chợ có tên Khan Al-Khalili.”
Ông Martin nói chính phủ Ai Cập nên bố ráp các cửa hàng bán ngà voi bất hợp pháp:
“Nếu chính phủ không muốn làm việc này thì chúng tôi có áp lực trên ngành du lịch của họ. Trong năm 2010, Ai Cập có khoảng 13 triệu du khách nước ngoài. Và chúng ta có thể nói với những người và những công ty tổ chức du lịch làm áp lực với chính phủ Ai Cập để buộc họ thi hành luật pháp. Chúng ta cũng có thể dựng các bích chương và đưa ra những thông tin tại chính Ai Cập, đặc biệt là tại Cairo, cho biết mua bán ngà voi là bất hợp pháp. Xuất khẩu ngà voi cũng như nhập khẩu ngà voi là bất hợp pháp. Đây là việc giảng giải cho quần chúng.”
Ông Martin nói thêm một cách khác thay thế ngà voi là ngà của loài khổng tượng, một giống thú tương tự như voi nay đã tuyệt chủng với ngà cong và lông dài. Ông Martin nói mức bán ngà khổng tượng gia tăng tại Trung Quốc.
Hong Kong được biết đã nhập cảng khoảng 30.000 kilô ngà khổng tượng mỗi năm trong vài năm qua.
Tuy nhiên không ai biết được có bao nhiêu ngà khổng tượng tại Siberia, miền đông bắc Nga. Tuy nhiên việc buôn bán loại ngà này tăng mạnh kể từ khi Liên bang Sô Viết tan rã.
Một phúc trình mới liệt kê Ai Cập là trung tâm buôn bán và chuyển lậu ngà voi bất hợp pháp tại châu Phi. Với những xáo trộn chính phủ do mùa Xuân Ả Rập gây ra, những nơi buôn bán và sản xuất ngà voi bất hợp pháp phát triển mạnh.