Những cáo buộc nhắm vào ông Mubarak và hai người con trai là Gamal và Alaa gồm lạm dụng và lãng phí công quĩ, cũng như giết hại những người biểu tình đòi dân chủ vào đầu năm nay.
Việc ủy viên công tố đưa ông Mubarak ra trước tòa hình sự diễn ra tiếp theo những lời đòi hỏi khắp nước muốn các thành viên của chính quyền cũ phải đối mặt trước công lý.
Các nhà hoạt động nhân quyền tin rằng ít nhất 800 người đã bị giết trong những cuộc phản kháng đã chấm dứt 30 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Ai Cập.
Việc truy tố diễn ra 3 ngày trước khi các cuộc phản kháng mới lại bắt đầu, và được các nhà hoạt động dân chủ gọi là “Cuộc Cách Mạng Thứ Hai.”
Ông Abdalla al Ashaal, giáo sư giảng dạy về khoa học chính trị thuộc trường đại học American University tại Cairo nói:
“Tôi nghĩ rằng bề mặt thì có thể coi đây là một quyết định được hoan nghênh, nhưng tôi thấy hình như quyết định được đưa ra trước các cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra tại quảng trường Tahrir vào thứ Sáu này.”
Một số người thuộc phong trào phản kháng nói rằng họ lo ngại rằng công lý sẽ không được thực thi, và họ lấy làm bất mãn về điều họ coi là ảnh hưởng của thành viên chính quyền cũ tiếp tục được duy trì trong các vấn đề hiện nay.
Các công tố viên đã và đang hỏi cung cựu Tổng thống Ai Cập tại một bệnh viện ở Sharm el Sheikh, và điều tra những người con trai của ông trong nhà tù Cairo.
Nói về hai người con trai, Gamal Mubarak không có địa vị chính thức nào trong chính phủ của cựu Tổng thống, nhưng đóng vai trò chủ chốt trong đảng cầm quyền cũ, Đảng Quốc Gia Dân chủ, và được coi là đã được chuẩn bị để kế nghiệp cha. Người em, Alaa là một doanh nhân nổi tiếng, và cũng chẳng có chức vụ chính thức nào.
Giáo sư Ashaal nói rằng tuy rằng hai con trai ông Mubarak và những người khác trong giới thân cận của ông đã trục lợi được trong thời gian ông cầm quyền, và do vậy bị nhiều người khinh miệt, nhưng động cơ của việc đưa 3 cha con ra tòa cùng một lúc chưa được rõ vào lúc này.
Giáo sư Ashaal nói: “Đây cũng là một trong những dấu hiệu thiếu uy tín của quyết định kể trên, bởi vì, dĩ nhiên, hồ sơ tội danh của ông Mubarak thì hoàn toàn khác biệt với những tội danh có thể qui kết cho những người con của ông.”
Giáo sư Ashaal lý giải rằng đây có thể là một sai lầm hành chánh, hoặc là một động thái nhằm chặn trước các cuộc biểu tình vào thứ Sáu này.
Bà Suzanne Mubarak, vợ của cựu Tổng thống Ai Cập, cũng bị điều tra về những tài sản bị coi là phi pháp. Tuần trước, bà đã hứa sẽ giao nộp nhiều bất động sản và những tài sản khác đáng giá nhiều triệu đô la.
Ông Hosni Mubarak, cựu Tổng thống Ai Cập có thể sẽ bị xét xử về cáo trạng gây ra những cái chết của những người phản kháng trong cuộc nổi dậy đã lật đổ ông. Ngoài ra, ông Mubarak và 2 người con trai cũng còn truy tố về những tội danh bắt nguồn từ hàng chục năm trước.