Cảnh sát đã đụng độ với những người biểu tình chống chính phủ khi hàng ngàn người tràn ra đường phố đòi hỏi chấm dứt sự cai trị kéo dài nhiều thập niên của Tổng thống Hosni Mubarack.
Các giới chức cho biết đã có 3 người thiệt mạng trong vụ rối loạn này. Hai người biểu tình thiệt mạng trong cuộc biểu tình tại Suez trong khi một cảnh sát viên tại Cairo thiệt mạng vì thương tích.
Tại Cairo, cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng xịt nước chống lại những người biểu tình ném đá vào cảnh sát hôm thứ Ba. Tại một địa điểm, những người biểu tình leo lên xe bọc thép của cảnh sát. Một cuộc biểu tình khác bùng phát tại Alexandria. Những người biểu tình hô to những khẩu hiệu chống Tổng thống Mubarack.
Các cuộc biểu tình được truyền thông nước ngoài xem là lớn nhất Ai Cập trong nhiều năm nay đã bắt đầu một cách ôn hòa.
Người Ai Cập biểu tình kêu gọi cải tổ chính trị và kinh tế. Những cuộc biểu tình này được khơi dậy do ảnh hưởng những cuộc biểu tình tại Tunisia trong tháng đã dẫn đến việc lật đổ Tổng thống nước này. Những cuộc tập họp vẫn diễn ra dù rằng chính phủ cảnh báo những người biểu tình có thể bị bắt giữ.
Những cuộc tập họp được hô hào trên mạng do những tổ chức tự nhận là nói lên tiếng nói của giới trẻ Ai Cập bất mãn vì nghèo đói và đàn áp đã gây nên tình trạng bất ổn tại Tunisia.
Những nhà hoạt động của phong trào Kifaya Ai Cập, một liên minh của những người chống đối chính phủ và phong trào thanh niên ngày 6 tháng Tư đã tổ chức những cuộc biểu tình qua lời kêu gọi trên các trang mạng xã hội Facebook và Twitter.
Tin tức báo chí Phương Tây nói rằng Twitter có vẻ bị ngăn chặn tại Ai Cập hôm Thứ Ba.