Cách đây đúng 1 tuần, thế giới tiễn đưa về nơi yên nghỉ cuối cùng ông Elie Wiesel, một nhà văn và khôi nguyên Giải Nobel Hoà bình, được biết đến nhiều nhất trong vai trò là chứng nhân đã chứng kiến các tội ác tàn bạo nhất chống nhân loại do Đức Quốc xã thực hiện, trong vụ tàn sát người Do thái thời Thế chiến thứ Hai. Thời còn là một thiếu niên, Elie Wiesel đã sống sót qua trại tử thần khét tiếng ở Auschwitz và bỏ hết cuộc đời còn lại để giữ gìn ký ức về vụ diệt chủng, thảm hoạ lớn của người Do thái, với hy vọng có thể ngăn tránh một vụ tàn sát tương tự xảy ra thêm một lần nữa. Được miêu tả là “lương tri của thế giới”, ông qua đời tại tư gia ở Manhattan, New York hôm thứ Bảy 2/7/16.
Thế giới thường ngưỡng phục những người có ý chí đã vượt thắng những trải nghiệm kinh hoàng để có thể sống còn, để rồi sau đó lại vươn lên, bất chấp khó khăn gian khổ, không hề bị đốn ngã bởi hận thù vì những hành vi bạo tàn họ đã từng nếm trải hay chứng kiến. Một trường hợp điển hình là cố Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela, người tù chính trị bất khuất bị chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi giam cầm trong hơn một phần tư thế kỷ, mà vẫn ung dung trước nghịch cảnh, để 26 năm sau, vượt thắng mọi trở ngại để trở thành vị Tổng Thống da đen đầu tiên của Nam Phi.
Your browser doesn’t support HTML5
Một nhân vật đáng nể không kém là Elie Wiesel, một nạn nhân sống sót qua hai trại tử thần của Đức Quốc Xã, đã chứng kiến cái chết của cha trong trại tập trung Buchenwald vì roi đòn của Đức Quốc Xã, và vì đói khát và bệnh tật.
Câu chuyện này được ông kể lại trong quyển hồi ký “Night”- Đêm, thuật lại những trải nghiệm của ông trong các trại tập trung Đức Quốc Xã, kể cả tại trại tử thần Auschwitz. Trước đó, gia đình Wiesel bị tống khứ ra khỏi nhà riêng ở Translyvania, ngay lập tức hai cha con bị cách ly với người mẹ và 3 cô con gái. Sau chiến tranh, Wiesel đoàn tụ với hai chị, nhưng mẹ và em gái đã chết trong phòng hơi ngạt.
Nhưng từ địa ngục trần gian đó, ông đã vươn lên để sống một cuộc đời đáng sống, và trở thành một tấm gương sáng cho nhiều thế hệ đi sau. Một nhà văn người Pháp thuyết phục ông hãy kể lại những câu chuyện về cuộc tàn sát người Do thái, kết quả là tác phẩm “Night” xuất bản năm 1958.
Cuốn “Night” đã bán được hàng triệu bản trong 30 ngôn ngữ, và trở thành sách giáo khoa tại nhiều trường học trên khắp thế giới, cũng như sách gối đầu giường cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về giai đoạn đen tối nhất của lịch sử nhân loại.
Ông Wiesel được trao giải Nobel Hoà Bình năm 1986 vì đã cống hiến cả cuộc đời còn lại để làm “nhân chứng sống”, quyết không để các tội ác của Đức Quốc Xã trong thời Thế chiến thứ Hai chìm vào quên lãng.
Sự ra đi của ông đã khiến nhiều người ngậm ngùi thương tiếc. Từ Tòa Bạch ốc, Tổng Thống Obama phát biểu:
“Là một nhà văn, một nhà diễn thuyết, một người hoạt động tích cực, một nhà tư tưởng, ông Wiesel trong tư cách một công dân của thế giới, là người đã thay đổi thế giới nhiều hơn những người nắm các chức vụ công cử, hoặc giữ các chức vụ quyền lực. Cuộc đời của ông, sức mạnh của tấm gương do ông để lại, là động lực hối thúc chúng ta tự cải thiện chính mình.”
Ông Josef Olmert, Giáo sư môn Chính trị học tại Đại học South Carolina từng gặp ông Wiesel thời ông còn là Giám đốc Phòng báo chí của Israel trong những năm 1990. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA, Giáo sư Olmert nhận định:
“Ông ấy là một con người vĩ đại bởi vì ông là một sự kết hợp của nhiều phẩm chất. Trước tiên ông là một văn sĩ có tài; thứ nhì, ông là một con người có lương tri. Tổng Thống Obama đã dùng từ rất chính xác khi miêu tả ông Wiesel là “lương tri của thế giới”, ông cũng rất tự hào về truyền thống văn hoá của người Do thái và mạnh mẽ ủng hộ nước Israel… Thế cho nên chúng ta thấy nơi ông có sự kết hợp nhiều tố chất, và ông đã xoay sở để tiếp tục là tiếng nói của lương tri cho tới cuối đời, tiếng nói ấy được hàng triệu người lắng nghe và trọng vọng, không chỉ người Do Thái.”
Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu, người từng cố gắng thuyết phục ông Wiesel tham chính và vận động chức Tổng Thống Israel năm 2014, miêu tả ông là “mẫu mực của nhân loại”. Ông Netanyahu nói trong một thông báo:
“Là một bậc thầy về chữ, Elie đã thể hiện bằng cá tính của ông và bằng các cuốn sách đầy lôi cuốn của ông, rằng ý chí có thể thắng bạo tàn và điều ác. Trong bóng tối của vụ đại tàn sát người Do thái trong đó 6 triệu người bị thảm sát, Elie Wiesel là một tia sáng thể hiện sự vĩ đại của con người, bất chấp tất cả vẫn tin vào điều thiện nơi con người.”
Ra đời vào ngày 30/9/1928, Eliezer Wiesel lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở Romania. Cha mẹ ông nuôi dạy ông cùng 2 chị và một em gái trong một cộng đồng Do thái cho tới khi cả gia đình bị bắt giữ ngay trước vụ tàn sát người Do thái, vào lúc Wiesel còn trong lứa tuổi teen.
Sau cái chết của mẹ và em gái bị thảm sát trong phòng hơi ngạt ở trại tử thần Auschwitz, đến lượt người cha qua đời vì bệnh kiết lỵ và đói khát ở Buchenwald, nơi Wiesel được các binh sĩ Mỹ phóng thích, lúc đó Wiesel vừa tròn 17 tuổi.
Tương tự như các vĩ nhân trong lịch sử, cậu thiếu niên Wiesel bước ra từ trong bóng tối của đại thảm hoạ đối với người Do thái, nhưng lòng không hề hận thù mà bừng lên niềm khát khao, muốn dập tắt những ngọn lửa của thành kiến và cố chấp bằng cách xả mình theo đuổi hy vọng, công lý và hoà bình.
Cựu Tổng Thống Bill Clinton nhận định:
“Elie Wiesel được hưởng phước lành nhưng cùng lúc phải gánh vác trách nhiệm của một người sống sót. Bằng lời nói và hành động, ông là một chứng nhân đã xây một đài tưởng niệm để vụ diệt chủng người Do thái sẽ không bao giờ chìm trong quên lãng, mà luôn nhắc nhở các thế hệ đến sau về những nguy hại của sự vô cảm.”
Elie Wiesel có mặt trong lễ khánh thành Viện Bảo tàng tưởng niệm vụ diệt chủng người Do thái ở thủ đô Washington, và theo lời Tổng Thống Clinton kể lại thì chính tại đây, ông Wiesel đã thuyết phục được ông Clinton, lúc bấy giờ là Tổng Thống Mỹ, can thiệp để ngăn chận hành động thanh tẩy chủng tộc ở Bosnia.
Cựu Tổng Thống Clinton kết luận rằng Elie Wiesel là một tấm gương về một cuộc đời đáng sống, và tấm gương ấy sẽ soi sáng tới hàng triệu người trong nhiều thế hệ tương lai.