Liên hiệp Châu Âu dọa sẽ áp đặt thêm các biện pháp chế tài mới với Nga nếu Moscow tiếp tục các hành động quân sự ở miền đông Ukraine. Nhưng Liên hiệp Châu Âu chia rẽ sâu sắc về mức độ nghiêm khắc của các lệnh trừng phạt có thể áp dụng, vì có nhiều nước trong số 28 thành viên của khối này phụ thuộc vào khí đốt và thương mại của Nga.
Các nhà lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu họp tại Brussels loan báo vào sáng Chủ nhật sau các cuộc hội đàm dài rằng họ đã yêu cầu Ủy hội Châu Âu đưa ra một danh sách có thể chuẩn bị trong vòng một tuần lễ về những biện pháp chế tài mới có thể áp dụng đối với Nga nếu Moscow không đảo lại tình hình ở Ukraine.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, ông Herman Van Rompuy, nói: “Hội đồng Châu Âu sẵn sàng có thêm những biện pháp chế tài đáng kể nữa, và yêu cầu Ủy hội nhanh chóng thực hiện các chuẩn bị và đưa ra đề nghị để xem xét nội trong một tuần lễ.”
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Có một sự di chuyển lớn binh sĩ và vật chất từ bên Nga vào Ukraine, vào bên trong lãnh thổ Ukraine, có nghĩa là có một sự leo thang hành động đáng kể trên thực địa. Và quan điểm của tất cả thành viên của Hội đồng Châu Âu là không thể có một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này. Và do đó tất cả nỗ lực của chúng tôi phải hướng đến việc mở ra kênh thông tin liên lạc, và không ngừng cố gắng, trong lúc Tổng thống Poroshenko cũng nêu lên rằng phải có một lệnh ngừng bắn được các bên đồng ý.”
Các giới chức Châu Âu họp tại Brussels hôm thứ Bảy với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, người đang kêu gọi phương tây đáp ứng mạnh mẽ hơn về cuộc khủng hoảng tại nước ông.
Ông Poroshenko cho biết hàng ngàn binh sĩ Nga và hàng trăm xe tăng Nga đang có mặt trên lãnh thổ Ukraine. Ông cũng cảnh báo là viễn ảnh một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng đã kéo dài nhiều tháng nay tại Ukraine bị đe doạ vì những hành động của Nga.
Truyền thông Nga loan tin rằng Nga và Ukraine vừa hoàn thành một cuộc trao đổi binh sĩ bị bắt giữ. Các bản tin nói rằng Ukraine trao cho Nga một nhóm các binh sĩ nhảy dù Nga hôm Chủ nhật, và Nga trao lại 63 binh sĩ Ukraine. Trung tướng Nga Alexei Ragozin nói đàm phán về trao đổi này “rất khó khăn.”
Một thông cáo chung của các nhà lãnh đạo Châu Âu yêu cầu Nga phải “ngay lập tức rút khí tài và lực lượng quân sự ra khỏi Ukraine.” Bất chấp có nhiều bằng chứng, Nga phủ nhận việc có lực lượng tại Ukraine.
Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng Nga phải nhận biết rằng quan hệ của Moscow với phương Tây có một tương lai ảm đạm nếu Moscow tiếp tục con đường đó.
Thủ tướng Cameron nói: “Tình hình hết sức nghiêm trọng, và chúng ta phải bày tỏ quyết tâm thực sự phản đối Nga nếu nước này tiếp tục đường lối hiện nay thì quan hệ giữa Châu Âu và Nga, giữa Anh và Nga, giữa Mỹ và Nga sẽ đổi khác nghiêm trọng trong tương lai. Họ không thể theo đường lối đó, và chúng tôi đã biết từ lịch sử của châu Âu về mối nguy hiểm của sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia bị đe dọa bằng các này và chúng tôi gởi đi một tín hiệu rõ ràng nhất có thể, và hôm nay chúng tôi thực hiện những bước quan trọng cho việc đó.”