Trong một nỗ lực nhằm giảm bớt gánh nặng cho Hy Lạp và các nước đông Âu vì vụ khủng hoảng di dân, Liên hiệp Châu Âu cho biết họ sẽ thiết lập các trung tâm tiếp nhận với sức chứa 100.000 người tại Hy Lạp và các nước vùng Balkan nằm trên tuyến đường di dân.
Chủ tịch Uỷ hội Châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết các trung tâm tiếp nhận với sức chứa 50.000 người sẽ được thiết lập tại Hy Lạp và những trung tâm khác cho 50.000 người sẽ được thiết lập tại các quốc gia vùng Balkan.
Ông Juncker cho biết như thế sáng ngày hôm nay, một ngày sau khi tham dự một cuộc họp khẩn tại Brussels với các nhà lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu, kể cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, và các nhà lãnh đạo của các nước đông Âu không thuộc Liên hiệp Châu Âu.
Ông Juncker nói các trung tâm tiếp nhận sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong việc cung cấp nơi tạm trú, làm thủ tục ghi danh và góp phần cải thiện sự quản lý đối với làn sóng người di cư.
Thủ tướng Merkel sáng nay nói “Đây là một trong những cuộc trắc nghiệm lớn nhất mà Châu Âu phải đối mặt từ trước tới nay” khi bà nói về vụ khủng hoảng di dân mà một số người xem là một vấn đề an ninh biên giới trong lúc một số người khác xem là một thách thức về mặt nhân đạo.
Chủ tịch Juncker hôm nay phổ biến một thông cáo với gần 20 đề nghị, trong đó có một kế hoạch để trao đổi thông tin giữa các nước nhằm phối hợp các nỗ lực làm thủ tục cho người di cư.
Cuộc họp với các nhà lãnh đạo trung và Đông Âu hôm chủ nhật được tổ chức theo yêu cầu của Thủ tướng Merkel, là người đã bày tỏ sự quan tâm đối với người di cư trong lúc mùa đông kéo đến.
Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Croatia, ông Domagoj Dzigulovic cho biết 11.500 di dân đã vào nước ông hôm thứ bảy – con số cao nhất trong một ngày kể từ khi làn sóng di dân bắt đầu tràn vào nước này hồi trung tuần tháng 9. Cảnh sát cho biết từ đó tới nay gần 250.000 người đã vào Croatia, sau khi Hungary dựng hàng rào kẽm gai dọc theo biên giới giáp với Serbia.
Chủ tịch Juncker đã mời các nhà lãnh đạo Áo, Bulgaria, Croatia, Macedonia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Serbia và Slovenia, cùng với các tổ chức tị nạn, đến dự cuộc họp ở Brussels.
Trong cuộc phỏng vấn hôm chủ nhật dành cho tuần báo Bild am Sonntag của Đức, ông Juncker nói “Phải tranh thủ từng ngày. Nếu không, chúng ta sẽ thấy những gia đình bị chết thảm trên những giòng sông băng giá ở vùng Balkan.”
Một số nhà lập pháp Liên hiệp Châu Âu than phiền về sự vắng mặt của một số nước, nhất là Pháp, tại cuộc họp này. Họ cho rằng điều đó có thể gây trễ nãi cho việc hình thành một kế hoạch.
Tổ chức Di dân Quốc tế cho biết từ đầu năm tới nay hơn 680.000 người di dân và người tị nạn đã vượt Địa Trung Hải tới Châu Âu để tránh chiến tranh và nghèo đói ở Trung Đông, Châu Phi và Á Châu.
Chủ tịch Juncker nói với tuần báo Bild “Thách thức hiện này là làm thế nào để làm chậm lại dòng chảy của người di dân và để kiểm soát các biên giới bên ngoài của chúng ta. Chúng ta cũng phải làm rõ là những người tới các biên giới của chúng ta mà không phải để tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế không được quyền nhập cảnh Liên hiệp Châu Âu.”
Bulgaria, Serbia và Romania cho biết họ sẽ đóng cửa biên giới của họ nếu Đức và các nước khác không nhận người tị nạn.
Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic hôm qua nói rằng nước ông sẽ không “dựng lên bất kỳ bức tường nào”, nhưng ông cho biết Serbia sẽ không đồng ý trở thành chặng dừng chân duy nhất của người di dân nếu các nước khác xa hơn về phía tây đóng cửa biên giới của họ.
Tại trại Brezice ở Slovenia gần biên giới Croatia, phát ngôn viên Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc Babar Baloch hối thúc các nhà lãnh đạo thiết lập một hệ thống để làm thủ tục ghi danh và sàng lọc cho những người di dân ngay khi họ tới Châu Âu, thay vì thực hiện công tác này một cách rời rạc tại nhiều địa điểm khác nhau trên tuyến đường của những người di dân.
Bà Baloch nói thêm rằng “Có một việc cũng rất quan trọng là giúp đỡ các nước láng giềng của Syria, nơi có khoảng 4 triệu người tị nạn. Những người này không cần phải thực hiện những chuyến đi nguy hiểm nếu có những con đường hợp pháp để họ tới Châu Âu.”
Việc không có một chính sách chung đang gây ra những mối căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo Châu Âu, làm cho một số người nêu nghi vấn về tương lai của Liên hiệp Châu Âu.
Hội Ân Xá Quốc Tế cho rằng liên hiệp gồm 28 nước thành viên này không thể kết thúc một cuộc họp nữa mà không có được một kế hoạch. Ông John Dalhuisen, giám đốc Châu Âu và Trung Á của tổ chức nhân quyền này, nói “Trong khi mùa đông đang tới, cảnh tượng hàng vạn người tị nạn ăn bờ ngủ bụi trong lúc băng qua Châu Âu chính là một lời tố cáo nghiêm khắc về việc Liên hiệp Châu Âu không có một sự ứng phó có phối hợp đối với vụ khủng hoảng người tị nạn.”
Châu Âu đang trải qua vụ khủng hoảng di dân tệ hại nhất kể từ Thế chiến Thứ hai.
Ít nhất 3 người di dân – hai em bé và một phụ nữ, chết đuối hôm chủ nhật khi thuyền của họ bị chìm ngoài khơi đảo Lesbos của Hy Lạp. Đây là vụ tử vong mới nhất trong số gần 3.000 người thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải để tới Châu Âu.
Lực lượng tuần duyên Hy Lạp cho biết mười mấy người khác, hầu hết là người Afghanistan, bị mất tích sau khi chiếc tàu ọp ẹp của họ, chở 60 người, bị chìm vào lúc tảng sáng sau khi rời Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng trong ngày hôm qua, Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ cho biết xác của 29 người mà giới hữu trách tin là người di dân đã được tìm thấy trên bãi biển cách thủ đô Tripoli của Libya khoảng 160 kilomét về hướng đông.
Ông Mohamed al-Misrati, phát ngôn viên của Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ, nói với hãng thông tấn Pháp “Cư dân địa phương nói với chúng tôi về những thi hài trên bãi biển gần thành phố Zliten. Chúng tôi tìm thấy 25 xác, và sau đó, có thêm 4 xác nữa.”
Ông Misrati không cho biết quốc tịch của những người xấu số, nhưng hãng tin chính thức của Tripoli nói rằng những người này là người Châu Phi.