EU không hiểu biết nên chủ quan đánh giá Việt Nam, Trung Quốc

Tedros Adhanom của WHO và Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 28 tháng Giêng.

Nguyễn Hoàng Hải (Bỉ)


Coronavirus hay Hiệp Ước Thương Mại Song Phương Việt Nam - EU, Liên minh Châu âu, và các thể chế dân chủ khác, không đủ hiểu biết về Việt Nam, Trung Quốc nhưng lại chủ quan đánh giá thấp những đối tác Á châu theo mô hình toàn trị.

Trước tiên chúng ta hãy điểm lại tin theo dòng sự kiện. Bắt đầu từ tháng 12, đầu tháng Giêng, đã có những tin tức rò rỉ không kiểm chứng kinh khủng về dịch corona bên Vũ Hán, về tốc độ lây nhiễm và số lượng người chết.

Tuy nhiên đến ngày 30 tháng Giêng, lần đầu tiên WHO ra thông cáo về coronavirus, và nói rằng, WHO không có khuyến nghị hạn chế du lịch, di chuyển hay buôn bán.

Phó chủ tịch Ủy ban Thương mại của Quốc hội Châu âu, Liliu Winkler, cùng với nhóm đảng EPP ngày 11 tháng 12 đưa ra tuyên bố buôn bán với Việt Nam có quy tắc hơn là buôn bán với Việt Nam không có quy tắc, ngụ ý rằng có thể ép đối tác tuân thủ luật chơi của Liên minh Châu âu. Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc hội Châu Âu, ngày 12 tháng Hai, 2020, còn tuyên bố sự cô lập không làm thay đổi một đất nước, mà là hợp tác; ngụ ý rằng, thông qua hợp tác, Liên minh Châu âu có thể thay đổi được đối tác Việt Nam.

Ngày 8/03/2012, Ý phong tỏa một số thành phố phía bắc nơi có 16 triệu người sinh sống. Con số người nhiễm ở Ý vượt qua 10.000.

09/03 Quốc hội Châu âu cắt ngắn phiên họp toàn thể đáng lẽ kéo dài 4 ngày vì corona.

Cùng ngày Viêt Nam hủy việc miễn thị thực cho công dân thuộc 8 nước trong liên minh Châu âu.

14/03, Liên minh Châu Âu giật mình khi Mỹ đóng cửa biên giới với 26 nước trong khối Liên minh Châu âu.

Cùng ngày, Áo đơn phương đóng cửa với Italy, bất chấp nguyên tắc không biên giới bên trong khối Schengen.

Ngày 15/03 Việt Nam từ chối nhập cảnh công dân của UK và 26 nước trong khối Schengen.

Ngày 16/3, chín nước bao gồm Tiệp, Cypris, Đan Mạch, Hungary, Latvia, Lithuania, Poland, Slovakia, and Tây Ban Nha đóng cửa biên giới với người nước ngoài bất chấp nguyên tắc của khối Schengen, mà như mọi người biết, nguyên tắc tự do đi lại (free movement) là một trong những nguyên tắc sống còn của Liên minh này.

Hoàn toàn ở thế bị động, ngày 17 tháng 3, Liên minh Châu âu đành phải điều phối với các nước thành viên để ra quyết định chung, cấm nhập cảnh vào 27 quốc gia thành viên trong 30 ngày tới.

Đến nay thì ít nhất các nước Ý, Pháp, Đức, Bỉ, Đan Mạch ban bố tình trạng phong tỏa. Và hiện tại tâm điểm của đại dịch là ở Châu Âu như thông cáo của WHO. Ngày hôm nay báo chí đưa tin chính phủ Ý phải sử dụng nhiều xe quân đội vận chuyển thi hài bệnh nhân Covid-19.

Nhắc lại sự kiện hơi dài dòng để mọi người nắm bắt được tầm nhìn, thực lực của bộ máy hành chính và chính trị của Liên minh Châu âu.

Theo ý kiến của người viết, đầu tiên là do không hiểu biết đủ về những đối tác Á châu theo mô hình toàn trị, đáng lẽ họ có thể tiếp nhận và xử lý những nguồn thông tin không chính thống từ tháng 12, và cuối tháng 1, để mà chuẩn bị và lên chiến lược đối phó với virus corona từ sớm (đơn cử là tạm hủy visa với người Trung Quốc, cách ly 14 ngày, từ đầu tất cả khách du lịch khi nhập cảnh vào Châu âu) thì mọi chuyện dễ dàng hơn rất nhiều.

Liên minh Châu âu chủ quan khi chỉ nghĩ một chiều, rằng thông qua hợp tác làm ăn thì Liên minh có thể thay đổi đối tác mà không nghĩ đến chiều ngược lại, đối tác có thể thay đổi mình, và hệ lụy khi mình ngồi cùng xuồng với đối tác. Đối tác làm xuồng chìm là mình cũng chết chùm với người ta.

Chính sự chủ quan và khinh địch và thiếu hiểu biết, họ máy móc, không chấp nhận, không tiếp nhận, không xử lý những thông tin không chính thống bị lọt ra dưới các chế độ toàn trị. Mặc dù biết là các chế độ toàn trị Á châu nói trên nằm ở top 5 các nước kiểm soát thông tin khắt khe, được xếp vào kẻ thù của Internet, họ vẫn đòi hỏi thông tin phải từ nguồn chính thống. Từ cuối tháng 12, và đầu tháng 1, các tin tức không kiểm chứng về dịch bệnh Corona bên Vũ Hán với tốc độ lan truyền kinh khủng, tỷ lệ người chết ước đoán rất cao, nhưng Liên minh Châu âu, cũng như các quốc gia Châu âu khác không tiếp nhận các thông tin đó mà chỉ tiếp nhận thông tin từ chính phủ Trung Quốc (với tỵ lệ tử vong thấp, cỡ 3,4%) và tổ chức y tế thế giới WHO. Mà WHO thì không làm tròn nhiệm vụ khuyến cáo thế giới, để đến khi Europe là trung tâm của đại dịch toàn cầu thì mới ra tuyên bố.

Nhìn trên thế giới, giao thương buôn bán giữa Đài Loan và Trung Quốc rất chặt chẽ; và Đài Loan thành công trong việc kiểm soát virus corona. Có lẽ do Đài Loan hiểu rõ về Trung Quốc hơn Liên minh Châu âu nên họ có sự chuẩn bị tự sớm, thích ứng từ sớm.

Nói nôm na cuộc chơi giữa châu Âu (hay phương tây nói chung) và Trung Quốc (cũng như Việt Nam), giống như giải bóng đá có 2 chiều. Chiều trên sân nhà, Trung Quốc và châu Âu cùng áp dụng luật FIFA, các đài báo quốc doanh của Trung Quốc (hay Việt Nam) được phép đi sâu đi sát khai thác các đề tài hạ thấp, đánh giá tiêu cực mô hình dân chủ của các nước phương tây. Nhưng chiều lượt đi đá trên sân Trung Quốc (hay Việt Nam), thì chỉ các cầu thủ Trung Quốc (hay chỉ có các cầu thủ Việt Nam) được phép dùng tay (chặn Twitter, trường hợp Trung Quốc), chặn website của các hãng tin bằng tiếng địa phương, như VOA tiếng Việt, BBC tiếng Trung, BBC tiếng Việt…), chặn hoặc ép Facebook, YouTube theo luật của Bắc Kinh và Hà Nội; hay bắt giam hoặc khống chế các nhà hoạt động dân sự dũng cảm, lũng đoạn các tổ chức thế giới như WHO. Chấp nhận cuộc chơi bất bình đẳng như vậy, châu âu đang phải trả giá. Liệu Liên minh Châu âu và các thể chế dân chủ khác có rút ra được bài học này không?