EU phản đối án tử hình sau khi tòa Hà Nội tuyên án về vụ Đồng Tâm

Người phát ngôn EU hôm 18/9 ra tuyên bố phản đối án tử hình, sau khi tòa Hà Nội tuyên án về vụ Đồng Tâm

Một tuyên bố mới đây của Liên hiệp châu Âu (EU) nói khối này chống lại việc áp dụng án tử hình, ít ngày sau khi một tòa án ở Hà Nội tuyên án tử hình đối với hai bị cáo trong vụ “giết người, chống người thi hành công vụ” ở Đồng Tâm.

Tuyên bố của người phát ngôn EU đăng trên trang web của khối hôm 18/9 mở đầu với lời đề cập rằng Tòa án Nhân dân Hà Nội vào hôm 14/9 đã tuyên hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức phải nhận án tử vì họ tham gia vào cuộc đối đầu thảm khốc giữa các dân làng với lực lượng công an ở xã Đồng Tâm hồi rạng sáng ngày 9/1 năm nay.

Tiếp đến, tuyên bố viết: “Liên hiệp châu Âu phản đối việc sử dụng án tử hình dưới bất cứ hình thức nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào, và luôn nhất quán kêu gọi xóa bỏ hình phạt này trên toàn cầu”.

Trong quan điểm của EU, án tử hình vừa độc ác vừa vô nhân đạo, và bãi bỏ hình phạt này là điều thiết yếu để bảo vệ quyền sống của mọi người.

“EU thúc giục Việt Nam thông qua việc tạm hoãn áp dụng án tử hình, xem như là bước đầu tiên tiến đến việc bãi bỏ”, tuyên bố của Liên hiệp châu Âu viết.

Bên cạnh đó, tuyên bố nói rằng các tin tức, báo cáo về hoàn cảnh và trình tự tố tụng liên quan đến phiên tòa “cũng làm dấy lên những quan ngại sâu sắc”.

“EU và các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ đối với pháp quyền và quyền trọn vẹn về việc được xét xử công bằng, như được quy định trong Điều 14 của Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, mà Việt Nam là một bên ký kết”, tuyên bố của EU nêu rõ.

Như VOA đã đưa tin, sau 7 ngày xét xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân Hà Nội vào chiều 14/9 tuyên án tử hình đối với ông Lê Đình Công, 56 tuổi, và ông Lê Đình Chức, 40 tuổi, vì hai ông “phạm tội giết người” trong một vụ đụng độ với công an hồi đầu năm nay, xuất phát từ tranh chấp đất đai.

Ông Lê Đình Công trong phiên xét xử sơ thẩm ở Hà Nội từ 7-14/9/2020 về vụ án ở xã Đồng Tâm

Tòa cũng tuyên các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân đối với 27 người khác bị quy là “phạm tội chống người thi hành công vụ, hoặc giết người”.

Các bị cáo là người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bị bắt rạng sáng 9/1 sau khi hàng nghìn nhân viên công an đột kích vào thôn với lý do “bảo đảm an ninh, trật tự” cho công trình thi công tường rào sân bay Miếu Môn, nơi có tranh chấp đất đai giữa chính quyền với người dân trong nhiều năm qua.

Vụ đột kích dẫn đến hậu quả là ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân, bị công an bắn chết; phía công an có 3 người thiệt mạng.

Trong vụ này, nhà chức trách cáo buộc rằng ông Lê Đình Công “chủ mưu, thường xuyên kích động giết cán bộ công an”, cũng như “trực tiếp ném lựu đạn, giết chết công an”.

Ông Lê Đình Chức bị cáo buộc “ném bom xăng, lựu đạn về phía công an, dùng tuýp sắt gắn dao bầu chọc, khiến 3 cảnh sát ngã xuống hố” rồi cùng ông Lê Đình Doanh “đổ xăng thiêu chết” 3 người đó.

Lê Đình Công và Lê Đình Chức là con trai ông Lê Đình Kình. Lê Đình Doanh là cháu nội ông Kình.

Nhà chức trách nhiều lần khẳng định người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, có chủ tâm “tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng công an”. Trong khi đó, 29 bị cáo nói họ chỉ “bảo vệ đất đai” và “phòng vệ” trong tình huống chính bản thân và người nhà gặp nguy hiểm khi xảy ra vụ đột kích.

Sau khi tòa tuyên án, như tin VOA đã đưa, hàng nghìn người ký một bản kiến nghị mang tên “Phản đối bản án bất công trong phiên tòa Đồng Tâm” được đăng trên trang avaaz.org. Bản kiến nghị gửi đến Tòa án Nhân dân Hà Nội nêu ra “5 vấn đề nghiêm trọng chưa được làm rõ”, bao gồm:

Thứ nhất, tính pháp lý của thửa đất 59 hectare ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm - nơi có tranh chấp - chưa được làm rõ rằng đây là đất nông nghiệp hay đất quốc phòng.

Nông dân Đồng Tâm tại phiên tòa ở Hà Nội kết thúc hôm 14/9/2020. VNA via Reuters

Vấn đề thứ hai là một loạt các câu hỏi: Tính pháp lý của việc lực lượng cảnh sát, công an Hà Nội tiến vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm đêm 8/1, rạng sáng ngày 9/1 là gì? Văn bản nào là cơ sở pháp lý để các lực lượng này tiến vào trong đêm? Cấp nào quyết định và ai là người thi hành quyết định ấy?

Thứ ba, những người kiến nghị đặt ra chất vấn rằng căn cứ vào văn bản nào mà lực lượng cảnh sát được phép đột nhập chỗ ở của ông Lê Đình Kình và bắn chết ông lúc nửa đêm, khi ông không phải là bị can trong bất cứ vụ án nào.

Bên cạnh đó là câu hỏi về việc công an vu cho ông “cầm lựu đạn” ở thời điểm đó, nhưng những người dân bị công an bắt giam trong vụ này khẳng định ông Kình “không cầm trong tay bất cứ một quả lựu đạn nào”.

Điểm chất vấn thứ tư là tòa cần làm rõ lý do dẫn tới cái chết của 3 nhân viên công an. Những người kiến nghị chỉ ra rằng cơ quan có thẩm quyền “chưa thực nghiệm điều tra” vụ án nghiêm trọng có tới 4 người thiệt mạng, trong khi các lời khai của một số nhân viên công an và của những người dân bị bắt rất mâu thuẫn với nhau.

Vấn đề cuối cùng được nêu trong bản kiến nghị là vì sao một số luật sư không được tiếp cận bị can trong quá trình điều tra, và tại sao tòa không trả hồ sơ để điều tra lại, khi 19 bị cáo thể hiện trước tòa rằng họ bị bức cung, nhục hình.

Những người tham gia bản kiến nghị tuyên bố rằng họ “kêu gọi công lý cho 4 người đã thiệt mạng không rõ nguyên do trong sự cố 9/1/2020”, đồng thời cũng “kêu gọi công lý cho 29 người dân Đồng Tâm bị tuyên án trong một bản án đầy dấu hiệu oan sai”.