Một đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) mới phát biểu rằng tổ chức này sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đối mặt với các thách thức do COVID-19 gây ra.
Theo Phái đoàn Liên minh châu Âu ở Việt Nam, nhân dịp đôi bên kỷ niệm 30 năm thiết lập ngoại giao, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell nói rằng “COVID-19 đã làm thay đổi bức tranh toàn cầu và tạo ra một thế giới nhiều thách thức hơn, bị chia cắt hơn và tiềm tàng nhiều nguy hiểm hơn”.
Quan chức này nói thêm rằng điều đó cho thấy quan hệ “phải được thắt chặt hơn nữa, ở cả cấp song phương và quốc tế, để duy trì trật tự dựa trên các nguyên tắc quốc tế và thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thông qua một sự phục hồi ổn định”.
Ông Borrell cho biết rằng “Liên minh châu Âu sẵn sàng nắm tay Việt Nam để đối mặt với những thách thức này”.
Trong tuyên bố của mình, đại diện cấp cao của EU nói rằng quan hệ với Việt Nam “thực sự bắt đầu bằng một chương trình nhân đạo chung nhằm giúp hơn 100.000 thuyền nhân Việt Nam ổn định cuộc sống” và rằng “hoạt động hợp tác phát triển của chúng tôi vẫn rất quan trọng với một chương trình viện trợ trị giá hơn 250 triệu EURO”.
Ông Borrell cũng nhắc tới Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) mới đi vào hiệu lực gần đây mà ông nói là lần đầu tiên Liên minh châu Âu ký với một quốc gia đang phát triển và cho thấy đôi bên “đã cùng nhau đi một đoạn đường xa thế nào kể từ những ngày đầu tiên”.
XEM THÊM: Việt Nam và EU bàn chuyện Biển ĐôngĐại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, tuần trước đã gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ.
“30 năm và nhiều năm nữa ở phía trước. Chúng tôi sẽ sử dụng EVFTA làm một nền tảng mới để gây dựng mối liên hệ còn mạnh mẽ hơn nữa”, ông Aliberti viết trên Twitter.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, trong cuộc gặp này, ông Phúc nói rằng “EU là một đối tác hàng đầu của Việt Nam trên các lĩnh vực” và “quan hệ với EU mang tính chiến lược cũng như có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.
Liên quan tới EVFTA, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell nói rằng hiệp định này “có tiềm năng trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi” trong mối quan hệ giữa EU và Việt Nam.
“Nhưng để thực sự thành công và mang lại lợi ích cho đôi bên, mối quan hệ cũng cần cam kết tuân thủ luật lệ và tiêu chuẩn, nguyên tắc luật pháp, nhân quyền – những yếu tố quan trọng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Borrell nói, theo Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Tin cho hay, Liên minh châu Âu mới đây đã lên tiếng phía Việt Nam về vụ bắt giữ ký giả tự do Phạm Đoan Trang.
Bà Nabila Massrali, phát ngôn viên của EU về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, nói với VOA Việt Ngữ rằng vụ bắt giữ bà Trang “gây nghi vấn về cam kết bảo vệ quyền bày tỏ quan điểm và biểu đạt, cả trên mạng lẫn đời thực, của chính quyền Việt Nam”.
Bà nói thêm rằng quyền tự do ngôn luận là “điều sống còn nhằm bảo đảm sự minh bạch, công bằng xã hội cũng như sự thịnh vượng và phát triển toàn diện và bền vững”.
Tháng trước, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti, cho biết trên Twitter rằng ông cùng với đại sứ các nước thành viên EU khác đã nêu vụ bắt giữ bà Trang với Bộ Công an Việt Nam.
Tác giả của nhiều sách, trong đó có cuốn “Phản kháng phi bạo lực” và “Cẩm nang nuôi tù”, bị bắt hôm 6/10 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước”.
Tờ Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, từng đăng bài viết với tựa đề “Sự thật đằng sau những lời kêu gọi trả tự do cho Phạm Đoan Trang”, trong đó tuyên bố rằng “hoàn toàn không có chuyện bắt, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là đàn áp người ‘bất đồng chính kiến’, ‘người hoạt động nhân quyền’”.