Liên minh Châu Âu đang cân nhắc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Myanmar về cuộc khủng hoảng Rohingya, có thể là tước quyền tiếp cận phi thuế quan với khối mậu dịch lớn nhất thế giới này, ba viên chức EU cho hay.
Các biện pháp trừng phạt, hiện đang được Ủy ban Châu Âu xem xét, có thể bao gồm ngành công nghiệp may mặc vốn mang đến nhiều lợi nhuận của Myanmar khiến hàng ngàn lao động mất việc. Dù lệnh trừng phạt có thể không hiệu lực ngay lập tức, nhưng là đòn bẩy giúp chặn đứng điều mà phương Tây gọi là hành động thanh trừng sắc tộc đối với người Hồi giáo Rohingya tại Myanmar.
Thậm chí ngay cả khi áp dụng tiến trình xem xét kéo dài 6 tháng về việc nên hay không áp đặt chế tài mậu dịch (tiến trình này có thể bị đảo ngược nếu Myanmar đáp ứng các mục tiêu nhân đạo và dân chủ), động thái này của EU có thể đánh dấu một thay đổi quan trọng trong chính sách.
Hành động này khởi phát từ báo cáo của Liên hiệp quốc hồi tháng 8 trong đó tố cáo quân đội Myanmar tàn sát người Rohingya với ý đồ “diệt chủng”. Báo cáo này cùng với bước đi hiếm thấy của Hoa Kỳ đặt lệnh trừng phạt lên hai đơn vị quân đội của Myanmar thôi thúc EU phải hành động, các viên chức EU cho hay.
“Chúng tôi quan ngại về những tác động của lệnh trừng phạt lên người dân Myanmar, tuy nhiên chúng tôi không thể làm ngơ báo cáo của LHQ miêu tả chiến dịch quân sự của nước này là một sự diệt chủng,” một quan chức EU cho biết. Quan chức này có tham gia cuộc tranh luận trong Ủy ban Châu Âu về việc nên hay không nên chế tài Myanmar.
Cho tới thời điểm này, EU đã áp đặt lệnh cấm du hành, cũng như đóng băng tài sản của một vài quan chức quân đội Myanmar. Tuy nhiên khối này chưa trừng phạt trực tiếp Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, người mà Liên Hiệp Quốc cho rằng nên bị xét xử vì tội diệt chủng và phạm tội ác chống lại loài người.
Myanmar trước đó đã lên tiếng chỉ trích cáo buộc của LHQ là “một chiều”. Nước này cho rằng những hành động quân sự nhằm trả đũa các vụ tấn công của phiến quân nhắm vào quân đội Myanmar hồi tháng Tám năm ngoái, là chính đáng.
Các viên chức EU tin rằng đe dọa tước bỏ cơ chế miễn thuế xuất khẩu vào thị trường EU có thể nhanh chóng tác động đến đầu tư nước ngoài đổ vào ngành may mặc của Myanmar, nơi giá nhân công thấp thu hút các nhà sản xuất EU.
“Xóa bỏ cơ chế miễn thuế quan là biện pháp cuối cùng, nhưng chúng tôi buộc phải cân nhắc tới trong trường hợp các biện pháp khác không có tác dụng,” một quan chức EU cho hay.
Các nhóm hoạt động nhân quyền cho rằng các lệnh trừng phạt nhắm mục tiêu của EU cho tới thời điểm này chưa thể buộc nhà lãnh đạo quân sự hay dân sự Myanmar bảo vệ dân thường, tái định cư dân tị nạn, hay chấm dứt tấn công tự do báo chí điển hình là vụ phạt tù hai phóng viên Reuters với cáo buộc tiết lộ bí mật quốc gia.