Thủ tướng Italia Mario Monti nói rằng ông nghĩ rằng cuộc khủng hoảng nợ của chính phủ châu Âu “gần kết thúc” nhưng ngày hôm nay ông đã đổ lỗi cho những hành động của Đức và Pháp cách đây 1 thập niên đã gây nên cuộc khủng hoảng này.
Nhà lãnh đạo Italia phát biểu với các nhà đầu tư ở Tokyo rằng Đức và Pháp “đã lỏng lẻo” trong việc kiểm soát các khoản thâm hụt ngân sách và nợ hồi năm 2003 chỉ 4 năm sau khi đồng euro trở thành đồng tiền thống lĩnh ở châu Âu.
Đức và Pháp là hai nền kinh tế mạnh nhất lục địa này. Nhưng ông Monti nói rằng nếu “cha và mẹ của khối sử dụng đồng euro vi phạm các qui định” kiểm soát chi tiêu thì không thể trông chờ Hy Lạp và các nước bị nợ nần chồng chất khác kiểm soát khoản thâm hụt của họ.
Trong vòng hai năm qua, Hy Lạp đã phải tìm kiếm hai khoản cứu nguy quốc tế để tránh vỡ nợ, trong khi châu Âu đã phải cấp các gói cứu nguy cho cả Ireland và Bồ Đào Nha.
Tuy nhiên, ông Monti nói rằng ông tin là thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đang gần kết thúc.
Ông Monti nói rằng các biện pháp kiệm ước được Itali thực hiện và các cải cách lao động sẽ thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu, thậm chí cả khi công đoàn Italia đã kêu gọi thực hiện các cuộc lãn công ngắn để phản đối các qui định vốn sẽ khiến việc sa thải công nhân trở nên dễ dàng hơn.
Ông Monti là một thành viên của Ủy ban Châu Âu hồi đầu những năm 2000. Trong thời gian đó, ủy ban đã đề nghị chế tài Đức và Pháp vì họ đã vượt quá mức giới hạn mà khối sử dụng đồng euro qui định phải giữ mức thâm hụt ngân sách ít hơn 3% tổng sản lượng kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, Hội đồng châu Âu, đã thỏa hiệp với các giới chức được bầu chọn, và phủ quyết mọi biện pháp chế tài.