Cơ quan đánh giá tín dụng Standard & Poor's đang dọa hạ điểm tín nhiệm tài chính hiện đang ở hạng cao nhất của ngân khoản cứu nguy dành cho các nước nợ nần tại châu Âu.
S&P đã đưa ra lời cảnh báo trên hôm thứ Ba, 1 ngày sau khi đặt 15 trong số 17 nước sử dụng đồng euro, trong khối này có 2 đầu tầu kinh tế Đức và Pháp, vào vị trí cần theo dõi điểm tín nhiệm tài chính có thể rơi vào ở số âm. Cơ quan đánh giá tín nhiệm tài chính nói họ sẽ quyết định trong vòng 90 ngày xem có nên hạ thấp 1 hay 2 điểm tín nhiệm hiện nay ở mức AAA của quĩ cứu nguy, sau khi xác định xem điểm tín nhiệm tài chính của từng nước có nên bị cắt bớt hay không.
Một phân tích gia về nợ của S&P, ông Moritz Kraemer, cho biết tại 1 cuộc họp báo tại Frankfurt rằng họ đưa ra cảnh báo trên, vì lý do các giới chức châu Âu đã đáp ứng 1 cách “rất chậm chạp và do dự” đối với cơn khủng hoảng nợ của châu lục.
Ông bày tỏ ngờ vực về việc các lãnh đạo châu Âu sẽ hành động ráo riết tại một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần nhằm giải quyết tình trạng nợ nần lây lan kéo dài đã 2 năm.
Ông Kramer cho biết hệ quả của cơn khủng hoảng nợ đã lan tràn khắp châu Âu và có thể trở nên tệ hại hơn.
Nếu điểm tín nhiệm của ngân khoản cứu nguy 591 tỉ bị hạ giảm, lãi suất mượn tiền để trợ giúp các nước nợ nần chồng chất sẽ gia tăng. Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã phải cần tới hỗ trợ quốc tế, và các nhà phân tích e rằng ngay Ý và Tây Ban Nha, với nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ tư, cũng có thể cần giúp đỡ.
Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Timothy Geithner đã lên đường sang châu Âu vào thứ Ba, để đốc thúc các lãnh đạo châu lục này có hành động quyết liệt hơn. Ông nói Hoa Kỳ cảm thấy phấn khởi vì thấy lãnh đạo châu Âu đang có những bước làm giảm nhẹ khủng hoảng, đồng thời ông cũng thừa nhận những nhà làm chính sách của Mỹ cũng đang trực diện những thách thức kinh tế của chính họ.