Việt Nam gián tiếp thừa nhận ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’?

Liệu Trịnh Xuân Thanh sẽ có được tự do để trở lại Đức?

Gần một năm sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ bị tố cáo bởi Nhà nước Đức, lần đầu tiên một quan chức Việt Nam đã xuất hiện trong một diễn đàn công khai để ‘giải trình’ về chuyên án gây chấn động châu Âu này.

Lần đầu tiên trả lời báo ‘phản động’

Ngày 30/6/2018, trong lúc tham dự một diễn đàn với Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Berlin ở Đức, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức là Nguyễn Hữu Tráng đã bất ngờ trả lời không quá chung chung đối với câu hỏi của phóng viên Lê Trung Khoa từ Thoibao.de - một trang tin điện tử của cộng đồng người Việt ở Cộng hòa liên bang Đức:

Hỏi: “Tôi là Trung Khoa, bên Thoibao.de, nhân dịp hôm nay có Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng đến có một câu hỏi liên quan nhiều đến quan hệ Việt – Đức, đó là vụ án Trịnh Xuân Thanh, nơi mà hiện nay Tòa Thượng thẩm tại Berlin vẫn đang xét xử, vậy Đại sứ có thể cho biết phía Việt Nam đang có hướng nào để giải quyết vấn đề này?”

Trả lời:Cảm ơn anh Khoa, anh Khoa là người cung cấp nhiều nhất thông tin về vụ này cho cộng đồng, tôi nhiều khi phải xem chỗ anh Khoa có thông tin gì hay, chắc là thành ra anh Khoa sẽ biết nhiều hơn tôi.

Về tổng thể mà nói tôi nghĩ rằng có nhiều việc rất là đáng tiếc xẩy ra và việc đó không nằm trong chủ trương, mong muốn của các nhà nước hay của bất kỳ ai cả .

Nó xẩy ra như thế là nó xẩy ra, và bây giờ tôi có thể nói với các anh các chị là Chính phủ hai nước từ cuối năm ngoái, từ cuối tháng 12 năm ngoái ( 2017) đã có thỏa thuận lộ trình để xử lý vấn đề này, để đưa quan hệ hai nước trở lại bình thường.

Về cơ bản cho đến nay cả hai bên đều trao đổi rất thẳng thắn với nhau, phía Việt Nam cũng đáp ứng một số yêu cầu của Đức nêu ra, đặc biệt trong thỏa thuận tháng 12 năm ngoái (2017) với Đức đã có thỏa thuận không công khai, không nói công khai về câu chuyện này nữa.

Cho nên tôi với tư cách là người có hàm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng không thể nói công khai những gì chúng ta đã làm, phía Đức đã làm, hay là phía Đức nói gì với Việt Nam, Việt Nam nói gì với họ, cái đó đã nằm trong thỏa thuận giữa hai Bộ Trưởng ngoại giao từ tháng 12 năm ngoái (2017).

Các anh các chị có thể tin tưởng rằng câu chuyện đó cả phía Việt Nam và cả phía Đức đều nghiêm túc và cùng trao đổi với nhau một cách thẳng thắn nhất để có thể sớm kêt thúc chuyện đó” (https://thoibao.de/vu-trinh-xuan-thanh-lan-dau-tien-phia-viet-nam-xac-nhan-da-co-thoa-thuan-tu-cuoi-thang-12-2017).

Không chỉ chấp nhận trả lời về vụ Trịnh Xuân Thanh, đây cũng là lần đầu tiên một quan chức bậc trung của ngành ngoại giao Việt Nam chịu trả lời phỏng vấn của Thoibao.de với thái độ rất… vui vẻ.

Thoibao.de lại là trang báo đầu tiên đưa tin về vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ xảy ra vào cuối tháng Bảy năm 2017 ngay tại Berlin, kéo theo mối quan tâm đặc biệt ngay sau đó của các cơ quan cảnh sát và cả an ninh Đức, cùng nhiều tờ báo Đức như Taz, Frankfurt… và báo chí các nước khác.

Bằng vào thành tích trên, Thoibao.de đã bị chính thể độc đảng ở Việt Nam liệt vào dạng ‘phản động’ nhất, bị giới dư luận viên của đảng và công an công kích và chửi bới thậm tệ trong vô số lần. Cho tới nay, Thoibao.de là một trong những trang báo ‘phản động’ khó truy cập nhất ở việt Nam do hàng rào bức tường lửa được công an dựng lên.

Vì sao ‘phía Việt Nam cũng đáp ứng một số yêu cầu của Đức nêu ra’?

Cách nói ‘phía Việt Nam cũng đáp ứng một số yêu cầu của Đức nêu ra’ của Tham tán công sứ Nguyễn Hữu Tráng trong nội dung trả lời với Thoibao.de đã dẫn tới một suy luận trong người nghe: nếu quả thực giới chóp bu Việt Nam không chỉ đạo mật vụ nước này thực hiện chiến dịch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, tại sao Việt Nam lại phải đáp ứng một số yêu cầu của Đức nêu ra? Tại sao trước động thái Đức thẳng tay hạ cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam theo cái cách mà chỉ có thể hiểu rằng ‘bản lĩnh Việt Nam’ bị sỉ nhục như tát vào mặt, giới chóp bu và Bộ Ngoại giao Việt Nam lại không dám có bất kỳ phản ứng (công khai) nào?

Khó có thể hiểu khác hơn, cách trả lời trên của Tham tán công sứ Nguyễn Hữu Tráng giống như lần đầu tiên Việt Nam gián tiếp thừa nhận vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.

đầu tháng Sáu năm 2018 thì sự việc trở nên rõ hơn nhiều. Tờ Nhật báo Frankfurt Phổ thông (Frankfurter Allgemeine Zeitung – FAZ) của Đức cho biết Trịnh Xuân Thanh sẽ được trả tự do “trong thời gian tới đây”. Dựa trên nhiều nguồn tin, tờ nhật báo này nói rằng chính phủ Hà Hội đã cam kết với nước Đức sẽ cho phép Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh sang nước Cộng Hòa Liên bang Đức sau khi vụ xét xử một người giúp đỡ bắt cóc ở Berlin đi đến kết thúc.

Cũng theo thông tin của nhật báo này, một phần của sự nhượng bộ từ phía Việt Nam cũng là việc trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài.

Với những vụ trả tự do như thế, Hà Nội hy vọng sẽ cải thiện được quan hệ kinh tế với nước Đức và EU, báo FAZ tường thuật. Đại diện EU cũng nói với Hà Nội rằng việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của Đức trong Hội đồng châu Âu. Thuộc vào trong số những nhượng bộ về ngoại giao của Việt Nam cũng là việc cải thiện những điều kiện giam giữ cho các tù nhân chính trị khác.

Từ giữa năm 2016, bàn cờ đối thoại và đàm phán về nhân quyền đã dần chuyển từ tay người Mỹ sang Liên minh châu Âu. Còn sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, có vẻ như người Đức duy lý, rất nguyên tắc và theo phương châm cứng rắn đang cầm chịch và cầm đằng chuôi trong phần lớn hoạt động và nội dung đàm phán nhân quyền, thậm chí đàm phán chi tiết ‘một đổi một’ với giới con buôn Hà Nội.

Có thể cho rằng nếu yêu cầu kiêm điều kiện của Đức về việc phải thả Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Thu Hà không được thỏa mãn, với tư cách là đầu tàu kinh tế và cũng là một trong những đầu tàu chính trị trong khối EU, Đức sẽ thẳng tay phủ quyết EVFTA và còn thể đưa vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ theo hướng quốc tế hóa và tạo ra thế triệt buộc đối với chính thể và một số quan chức cao cấp của Việt Nam.

Nguyễn Hữu Tráng nhận lệnh từ ai?

Không biết vô tình hay hữu ý, hành động Tham tán công sứ Nguyễn Hữu Tráng trả lời Thoibao.de lại trùng với một sự kiện ấn tượng khác: vào cuối tháng Sáu năm 2018, sau hai năm rưỡi khắc khoải chờ đợi, ‘tin vui’ đã xảy đến với chính thể độc đảng ở Việt Nam: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý, đồng thời thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA).

Bởi thế, vẫn có thể xảy ra một khả năng hết sức trớ trêu: Trịnh Xuân Thanh có thể được phóng thích khỏi nhà tù cộng sản trong trường hợp Nguyễn Phú Trọng thực sự cần đến EVFTA và do đó sẽ nhượng bộ người Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung một số điểm về cải thiện nhân quyền.

Thái độ và cử chỉ khá thoải mái và chủ động trong trả lời Thoibao.de của Tham tán công sứ Nguyễn Hữu Tráng còn như thể ‘bắn ý’ rằng quá trình đàm phán nhiều tháng trời quá trầy trật giữa Việt Nam và Đức có vẻ đã đi đến một thỏa thuận nào đó.

Vấn đề tiếp theo là nếu có thỏa thuận trên và Việt Nam chịu làm đúng theo thỏa thuận mà không nuốt lời, cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt đang có chiều hướng kết thúc.

Thái độ và cử chỉ khá thoải mái và chủ động trong trả lời Thoibao.de của Tham tán công sứ Nguyễn Hữu Tráng còn cho thấy một kịch bản lộ diện: trong bối cảnh và tâm thế mà thậm chí giới quan chức Việt còn không dám hé môi về vụ Trịnh Xuân Thanh, việc một quan chức bậc trung như Nguyễn Hữu Tráng dám đề cập đến vụ này, trước sự chứng kiến của đông đảo người Việt, phóng viên và cả người Đức, hẳn nhiên phải do ông Tráng nhận được sự chỉ đạo cho ‘mở miệng’ với nhiệm vụ ‘chủ động thông tin đối ngoại’ từ một cấp lãnh đạo rất cao của Việt nam.

Cấp đó, hay nhân vật ‘rất cao’ đó là ai?

Từ chính Nguyễn Phú Trọng? Hay bởi một người khác?

Và nếu từ ‘người khác’ nhưng lại không được sự chuẩn y của Nguyễn Phú Trọng về cho phát ngôn vụ Trịnh Xuân Thanh thì động thái đó nhắm đến mục đích gì? Liệu có phải đây lại thêm một ‘điềm báo’ sống động báo trước tương lai xung đột nội bộ còn ghê gớm hơn cả năm 2017 sẽ xảy đến ngay trong nửa cuối năm 2018?