Sau khi Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội - đến Pháp và Bỉ nhằm vận động ‘sớm ký kết EVFTA’, chuyến đi châu Âu vào cuối tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Phúc, đặc biệt ‘thăm’ Na Uy và Thụy Điển, còn mang tham vọng hơn nhiều khi nhắm đến mục tiêu ‘ký trong những tuần tới’ cho không chỉ EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) mà còn cả EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên Minh châu Âu).
EVIPA quan trọng đến mức nào với chính thể Việt Nam?
Không phải EVFTA, mà EVIPA mới ‘có ăn’
Trước đây trong quá trình còn đàm phán giữa EU và Việt Nam, chỉ có EVFTA là hiệp định thương mại duy nhất, tức theo phương án 1 - không có EVIPA nhưng thời gian đàm phán sẽ lâu hơn một số tháng, có thể là nhiều tháng hoặc vài ba năm. Bởi điều kiện bắt buộc để thông qua EVFTA là không chỉ được phê chuẩn của Nghị viện châu Âu mà hiệp định này còn phải nhận được sự đồng thuận của 28 quốc gia trong khối EU, mà như thế chính thể Việt Nam sẽ phải mất rất nhiều thời gian để vận động từng quốc gia.
Sau một thời gian đôn đáo vận động và đã phải liên tục cử các đoàn ‘quốc tế vận’ của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và cả Trưởng ban đối ngoại trung ương Hoàng Bình Quân đi các nước Thụy Sĩ, Bỉ, Slovakia, Séc, Hungary… nhưng vẫn không mang lại kết quả rõ rệt nào, cuối cùng não trạng quen ‘ăn sẵn’ Việt Nam đã chọn phương án 2 ‘ăn non’ nhưng không ăn chắc, tức tách rời EVIPA khỏi EVFTA để EVFTA được kết thúc rà soát pháp lý sớm hơn và do vậy cũng mang lại hy vọng được thông qua nhanh hơn.
EVIPA là hiệp định mang nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư (ISDS).
Làm thế nào để ‘ăn’ EVIPA?
EVFTA có thể được ký kết và phê chuẩn trước EVIPA vì đây chỉ là hiệp định mang tính ‘khung’ và với điều kiện Việt Nam phải thỏa mãn một số điều kiện cải thiện nhân quyền, trong đó chủ yếu là phải ký kết và phê chuẩn ba công ước quốc tế còn lại số 87, 98 và 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà cho tới nay Việt Nam vẫn chưa chịu ký. Những công ước này, đặc biệt là công ước 87, quy định bắt buộc về việc Việt Nam phải chấp thuận cho người lao động được tự do thành lập công đoàn của họ (hay còn gọi là công đoàn độc lập) - một chủ đề quá nhạy cảm chính trị mà chính thể độc trị ở Việt Nam luôn lo sợ và bị ám ảnh bởi nguy cơ ‘lật đổ chính quyền’.
Để EVFTA được thông qua, chỉ cần có sự chấp thuận của các cơ quan như Ủy ban Thương mại châu Âu, Cộng đồng châu Âu và cuối cùng là Nghị viện châu Âu.
Song với EVIPA thì lại ‘rách việc’ hơn nhiều. Khác nhiều với EVFTA, EVIPA mới chính là cái mà một chính thể luôn muốn ‘ăn sẵn’ và ‘ăn đậm’ như Việt Nam cần kíp. Nhưng muốn có được EVIPA để mang lại lợi nhuận cụ thể chứ không phải môt thứ danh dự trừu tượng và an ủi như EVFTA, Việt Nam lại cần ‘vận động’ đủ 28 quốc gia thành viên của khối EU, mà nếu 4 trong số các quốc gia đó không đồng ý thì EVIPA không thể được ký kết và phê chuẩn, cũng đồng nghĩa với EVFTA sẽ ‘toi’ dù có được EU phê chuẩn.
Song sẽ hoàn toàn không dễ dàng để một chính thể độc tài mà lươn lẹo đã trở thành bản chất có thể thuyết phục các quốc gia châu Âu đã ngày càng nhận ra bản chất đó, nhất là đã được ‘mở mắt’ qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và quá nhiều vi phạm nhân quyền đã trở thành hệ thống của chính thể Việt Nam.
Việt Nam đã ‘cải thiện nhân quyền’ ra sao?
Cho tới giờ phút này, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một ‘cải thiện nhân quyền’ nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế.
Ngay sau khi Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ kết thúc vào tháng 5 năm 2019, công an Việt Nam lại gia tăng bắt bới những người hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự. Nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh ở Nghệ An là một trong những vụ bị bắt giam mới nhất.
Cũng cho tới nay, chỉ mới một phần rất nhỏ nội dung rất rộng và sâu của bản nghị quyết về nhân quyền Việt Nam do Nghị viện châu Âu tung ra vào giữa tháng 11 năm 2018 được phía Việt Nam đáp ứng. Trước yêu cầu phải ký 3 công ước quốc tế còn lại của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chính thể Việt Nam chỉ mang ra quốc hội bàn việc ký và phê chuẩn Công ước 98 mà không nói gì đến hai công ước quốc tế còn lại về lao động, khiến lộ hẳn ý đồ chính thể này đang tìm cách qua mặt Liên minh châu Âu, ký cho có Công ước 98 - là công ước thuộc loại dễ dàng nhất về nhân quyền - để đạt được mục tiêu có được EVFTA, nhưng vẫn lờ đi Công ước 87 - công ước then chốt quy định bắt buộc về quyền của người lao động được tự do thành lập công đoàn độc lập.
Việc sửa đổi Bộ Luật Lao động cũng trí trá và ma mãnh không kém khi dự thảo này tuyệt đối không đề cập đến khái niệm ‘công đoàn độc lập’, trong khi dựng lên một núi thủ tục hành chính để làm nản lòng những công nhân muốn tự tay thành lập công đoàn phi nhà nước.
Bất chấp Thủ tướng Phúc kêu gọi ký EVFTA và EVIPA ‘trong những tuần tới’, kết quả chuyến đi châu Âu vào tháng 5 năm 2019 của ông ta vẫn cực kỳ nhỏ giọt. Nhiều khả năng phía Na Uy và Thụy Điển đã chỉ hứa hẹn chung chung ‘ủng hộ Việt Nam tham gia vào EVFTA’, nhưng không có bất kỳ văn bản cam kết nào về việc này, cũng không khẳng định bất kỳ mốc thời gian cụ thể nào để ‘tiến tới ký kết EVFTA’ - thái độ rất tương đồng với cách thể hiện của một số chính phủ ở châu Âu trước những đoàn vận động EVFTA của Việt Nam vào năm 2017, cũng là bối cảnh mà có đến hơn ba chục nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến bị công an Việt Nam thẳng tay tống vào ngục tối.
Những quốc gia nào có thể chống Việt Nam vào EVIPA?
Một số chuyên gia nghiên cứu về quan hệ châu Âu - Việt Nam đã nhận định rằng cho dù EVFTA có thể được ký và phê chuẩn trong năm 2019, nhưng EVIPA sẽ phải mất nhiều thời gian nữa.
Một cơ sở rất quan trọng để tham khảo cho ‘sẽ phải mất nhiều thời gian nữa’ là thời gian rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA.
Mặc dù đã kết thúc giai đoạn đàm phán từ tháng Mười Hai năm 2015 - thời điểm trùng với chiến dịch ‘toàn đảng, toàn quân, toàn dân tiến đến đại hội 12’ và được hệ thống tuyên giáo cùng báo đảng Việt Nam khoa trương hết lời về ‘sẽ phê chuẩn EVFTA ngay trong năm 2016’, phải mất đến hai năm rưỡi sau đó hiệp định ngổn ngang này mới kết thúc giai đoạn rà soát pháp lý, trong khi thông thường khoảng thời gian rà soát pháp lý đối với những hiệp định tương tự chỉ mất từ 6 tháng đến 1 năm.
Không phải ngẫu nhiên mà thời kỳ rà soát pháp lý cho EVFTA kéo dài quá lâu như thế.
Tuy cho tới nay phía EU vẫn chưa quá bức xúc với tình trạng thâm hụt thương mại hai chiều với Việt Nam như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục gây sức ép vì Việt Nam đã xuất siêu đến 35 tỷ USD vào thị trường Mỹ hàng năm, nhưng nguồn cơn đầu tiên của sự chậm chạp EVFTA có lẽ thuộc về ‘thẻ vàng hải sản’ - phản ánh một quá trình hành vi rất thiếu ‘fair-play’ của Việt Nam đối với EU.
4 lý do dẫn đến việc EU tiếp tục cảnh báo thẻ vàng với hải sản Việt Nam: việc truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; Tái diễn tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép tại vùng biển các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia); Hệ thống giám sát tàu cá chưa đầy đủ; Cần tăng nặng chế tài xử lý vi phạm khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thủy sản.
Hành động cứng rắn của EU còn có thể liên quan mật thiết đến việc chính thể Việt Nam đã làm mất hoàn toàn ‘lòng tin chiến lược’ của các nước trong khối EU qua vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, cùng thái độ lấp liếm đầy thủ đoạn của Hà Nội mà không một lời xin lỗi người Đức.
Vào tháng Hai năm 2018, trang Borderlex của châu Âu đã chính thức cho biết để thông qua EVFTA, “EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả”, và khẳng định “Phía sau việc trì hoãn này (EVFTA) còn có một số lý do chính trị như: ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên minh châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người và quyền lao động”.
Hầu như chắc chắn, chính thể độc tài ở Việt Nam sẽ phải đối mặt với yêu cầu cải thiện nhân quyền và trả Trịnh Xuân Thanh khi tiếp tục vận động các quốc gia trong EU để ‘ủng hộ và sớm ký EVIPA’.
Ngay trước mắt, những quốc gia ‘nạn nhân’ vừa trực tiếp vừa gián tiếp của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là Đức, Slovakia, Czech và có thể cả Ba Lan rất có thể sẽ bỏ phiếu chống Việt Nam vào EVIPA.