Một đấu trường mới đang xuất hiện trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc ở Mỹ. Đây không phải là cuộc đấu giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, nhưng là cuộc chiến trên Facebook với những bài vở và những ý kiến của dân mạng về hai ứng cử viên này. Những người sử dụng Facebook cho rằng những bài vở này gây tổn thương, tổn hại, và đi quá đà.
Những bài viết như “Ông Trump nói bà Clinton biết bà có tội” hay “Bà Clinton xem ông Trump là một người kỳ thị chủng tộc” được đưa lên Facebook xen kẽ giữa những bài vở và hình ảnh khác.
Ông Mike Moran, cư ngụ tại tiểu bang Illinois, một người sử dụng Facebook, nói với Đài VOA là “những bài viết và xã luận trên báo chí hiện nay mã thượng hơn những bài viết kiểu bôi tro trét trấu người khác trên Facebook.”
Trang mạng khổng lồ này có khoảng một tỉ rưỡi người sử dụng trên toàn thế giới. Facebook cho biết từ ngày 1 tháng 1 cho đến ngày 1 tháng 8 năm nay, tại Mỹ có 100 triệu người đưa lên trang mạng này 4 tỉ bài đăng, bình luận, chia sẻ quan điểm và phản ứng về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Giáo sư khoa học chính trị Shanto Lyengar tại Trường đại học Stanford nghiên cứu về tin tức tường thuật từ báo chí, nói Facebook hiện là nguồn chủ yếu đăng tải tin tức, tranh luận và bày tỏ quan điểm cá nhân.
Và trong đó có cả “những thông điệp tiêu cực thường xuyên” của cả bà Clinton lẫn ông Trump, theo nhận xét của giáo sư về truyền thông Scott Talan tại Trường đại học American ở Washington.
Giáo sư Talan giải thích “Các ứng cử viên không tiến hành một chiến dịch lịch sự và công chúng đang phản ánh điều này” trên Facebook bằng những câu nói kiểu như “Nếu ai bỏ phiếu cho ứng cử viên tôi không thích thì họ không phải là bạn tôi.”
Bạn không phải là bạn tôi nếu bạn quá bè phái!
Ông Ed Hamell, cư ngụ tại New York, bày tỏ quan điểm chính trị của mình bằng cách đưa những bài viết lên Facebook . Ông cho biết đã bỏ liên kết bạn bè với một số người trên Facebook.
Ông giải thích “Tôi thích thảo luận lành mạnh về các vấn đề chính trị và xã hội và tôi tò mò muốn biết suy nghĩ của mọi người và xem họ trân quý những gì. Tuy nhiên tôi không chấp nhận những gì xấu xa, độc ác và thái độ không tôn trọng người khác.”
Tại Ohio, bà Cindy Gabriel cũng tính tới chuyện bỏ kết bạn với một số người trên Facebook “vì những bình luận ích kỷ, xấu xa của họ.”
Giáo sư Talan nói “Bạn vẫn có thể trình bày quan điểm chính trị của bạn, nhưng nên thể hiện một cách lịch sự và mọi người có thể đồng ý hay không đồng ý với bạn.”
Ông Pam Burdick tại Maryland cho rằng trao đổi ý kiến là điều tốt, trong khi bà Lorene Bachman tại Hawaii không màng đến những gì được đưa lên Facebook vì “có thể phớt lờ.”
Tại nước ngoài, bà Jacquie Phipps người New Zealand đang theo dõi sát chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Bà nói: “Tôi thấy là luận điệu của ông Trump đáng lo ngại và có tính cách sỉ nhục. Tuy nhiên cho đến nay không có ai trong thế giới Facebook của tôi bày tỏ quan điểm khác tôi về vấn đề này.”
Điều này không làm giáo sư Talan ngạc nhiên. Ông nói mọi người là “bạn” với nhau trên Facebook thường “muốn nghe những quan điểm mà họ đồng tình.”
Đối với những người sử dụng Facebook muốn tránh những cuộc tranh luận chính trị, tính năng “mute” trên trang mạng xã hội này có thể giúp ngưng nhận thông báo có tin mới từ một người nào hay một trang nào đó. Những ứng dụng như “Trump blocker” và “Hillary blocker” sẽ ngăn không cho những dòng tin từ hai ứng viên này xuất hiện trên Facebook cá nhân của bạn. Và “Kardashian filter” sẽ lọc chặn bất kỳ từ ngữ nào gây khó chịu cho bạn.
Ông Moran không cho rằng ngưng kết bạn với một người nào đó trên Facebook vì bất đồng quan điểm chính trị là một điều tốt. Ông nói ‘Nên nhớ là những việc này sẽ chấm dứt vào ngày bầu cử 8 tháng 11 tới đây.’