Cựu Thông tín viên Wayne Corey nói rằng anh ta đã ngỡ ngàng khi biết lực lượng của Quân đội Cộng sản miền Bắc tràn ngập Sài Gòn mà anh vẫn còn kẹt trong thành phố. Anh ta và đồng nghiệp Steve Thompson không biết khi nào thì họ được di tản.
Trong cuộc phỏng vấn của Neil Currie, Thông tín viên Phạm Trần đã mô tả về tâm trạng bất ổn của ông trong những giờ phút sau cùng trước khi Quân đội miền Bắc tràn vào Sài Gòn.
Phạm Trần kể lại rằng, trong thời gian này, tất cả nhân viên của Văn phòng VOA ở Sài Gòn lúc đó và gia đình họ phải tập trung về một địa điểm để chờ được di tản vì họ không thể nào đến được Văn phòng ở trung tâm thành phố.
Nhưng, theo Nhà báo Phạm Trần thì mọi người đã chờ mỏi mắt mà không thấy có chiếc máy bay trực thăng nào của Tòa Đại sứ chỉ định đến bốc họ đi.
Cả Weyne Corey và Phạm Trần đều cho biết cảm tưởng của họ về Việt Nam ngày nay và liệu họ có muốn trở lại Việt Nam không.
Currie: PT, anh có thể cho tôi biết việc gì trong ngày cuối cùng đó đã mãi mãi ghi lại trong ký ức của anh?
Phạm Trần: Tôi nhớ là trong ngày cuối cùng đó, chúng tôi đều bị hỗn lọan tinh thần bởi vì chúng tôi không biết phải làm gì. Chúng tôi không thể đến Văn phòng để làm việc. Tôi được biết lúc đó, các tình báo viên Cộng sản đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố, vì vậy mà mọi người chúng tôi, Wayne Corey, Steve Thompson và gia đình tôi phải tập trung tại một Tòa nhà để chờ máy bay Trực thăng đến đón ra Phi trường. Nhưng chuyện này đã không xẩy ra. Sau cùng thì gia đình tôi cũng đã thóat đi được.
Currie: Wayne, còn anh thì nhớ gì về cái đêm hôm đó?
Corey: Nhiều thứ lắm. Vào xế chiều hôm đó thì tôi nghe được tiếng đạn đại bác của quân Bắc việt bắn vào Phi trường nhưng việc di tản người Việt vẫn tiếp tục. Cuối cùng thì Phạm Trần, cô thứ ký Mỹ Bình và gia đình họ đã đi được và đây chính là mối quan tâm hàng đầu của tôi lúc đó.
Như vậy là chỉ còn tôi và Steve Thompson bị kẹt lại, nhưng chúng tôi không rõ là liệu có còn Thống tín viên nào như chúng tôi được di tản không. Đó là điếu tôi lo lắng. Nhưng tôi cũng rất thực tế. Tôi vẫn còn chút Rượu Cognac và tôi cứ ngồi ở đó để uống. Nếu họ tới mà họ bắn tôi thì tôi cũng đành chịu. Đó là điều lảng vảng trong đầu tôi khi ấy, nhưng tôi cũng suy nghĩ về ý nghĩa của sự kiện nếu miền Nam Việt Nam thất thủ, tiếp theo sau sự thất thủ của Nam Vang (Cao Miên) và sự đổ vỡ của một nền hòa bình giả tạo nơi cửa miệng.
Cái ý nghĩ này cứ quay cuồng trong đấu tôi cho đến khi chúng tôi được máy bay trực thăng di tản khỏi sân thượng của Tòa Đại sứ...và khi ở trên nóc Tòa Đại sứ nhìn xuống thành phố Sài Gòn thì tôi nghĩ rằng,nếu cuộc chiến phải kết thúc như thế này thì nó sẽ theo đuổi chúng ta một thời gian rất dài.
Currie: Tôi cũng nghĩ như thế...nhưng các anh có liên lạc gì với những người còn hị kẹt lại ở Sài Gòn không?
Phạm Trần: “Tôi vẫn có những liên lạc với những bạn đồng nghiệp cũ của tôi từng làm việc cho các Báo Ngọai quốc trong thời gian chiến tranh cũng như làm việc cho các báo Việt Nam, nhưng họ không còn được hành nghề như xưa nữa bởi vì sống dưới chế độ Cộng sản thì họ gặp rất nhiều khó khăn.”
Currie: Vậy cuộc sống của họ bây giờ ra sao?
Phạm Trần: “Họ là những người dân bình thường những người khác và họ phải cố gắng tối đa để tồn tại. Rất khó cho những người cựu Phóng viên như họ có thể tìm được việc làm với Nhà nước nhưng tôi nghĩ là họ phải tìm mọi cách để sống còn.”
Currie: Người dân Sài Gòn bây giờ họ gọi tên thành phố đã được đổi tên là gì? Họ có gọi là Thành phố Hồ Chí Minh không?
Phạm Trần: "À. Người ta vẫn gọi là Sài Gòn. Tên Hồ Chí Minh chỉ có trên giấy tờ mà thôi. Trong thực tế thì mọi người vẫn dùng tên Sài Gòn. Ngay cả những người Cộng sản cũng gọi là Sài Gòn. Bởi vì Sài Gòn là một thành phố biểu tượng cho tự do, một thành phố trù phú và Sài Gòn là Thành phố thương mại và kinh tế trù phú của cả nước Việt Nam bây giờ."
Currie: Wayne, anh vừa nói là sự kết thúc chiến tranh ở Việt Nam như đã xẩy ra sẽ theo đuổi chúng ta lâu dài. Và sau đó thì cứ mỗi khi Hoa Kỳ tham chiến ở đâu đó thì hình ảnh Việt Nam lại hiện ra, nhưng anh có nghĩ rằng chuyện đó chỉ có thể đã xẩy ra trong thời gian ấy và chỉ ở đó mà thôi không?
Corey: “Tôi nghĩ rằng lối kết thúc chiến tranh Việt Nam như đã xẩy ra là một thất bại ngọai giao rất lớn của Hoa Kỳ. Thật sự thì các họat động quân sự của Hoa Kỳ đã kết thúc từ năm 1973, hai năm trước khi cuộc chiến chấm dứt. Người ta vẫn thường nhắc đến tình hình hỏang hốt và các cuộc di tản hỗn lọai đã xẩy ra kéo theo cuộc đầu hàng cùa Quân đội miền Nam trước cuộc tấn công của quân Cộng sản miến Bắc khi mà lúc đó Hoa Kỳ không còn can dự vào cuộc chiến nữa.
Nhưng sự thật là lần đầu tiên Hoa Kỳ đã thất bại, một thất bại lớn lao. Do đó mỗi khi có hành động quân sự nào đó, chẳng hạn như cuộc chiến tranh ở Afghanistan thì tôi lại thấy có những lo ngại có thể lại xẩy ra một Việt Nam thứ hai. Những chuyện như lãnh đạo của Afghanistan tham nhũng, hay liệu chính sách Quân sự của chúng ta ở đó có đúng không đã được đặt ra. Và tôi nghĩ những vấn đế của cuộc chiến tranh Việt Nam chưa dừng lại ở đây mà sẽ được nhắc lại ở bất cứ nơi nào chúng ta tham chiến."
Currie: Câu hỏi sau cùng của tôi với hai bạn: Đã 35 năm kể từ khi các anh rời Việt Nam, các anh có nghĩ sẽ trở lại Việt Nam không?
Phạm Trần: “Tôi hy vọng như thế, nhưng ngay bây giờ thì không bởi vì Việt Nam vẫn còn là một nước Cộng sản. Họ biết tôi rất rõ và tôi cũng đã biết họ rất rõ. Tôi có nhiều bạn cũ hiện đang làm việc trong Chính phủ. Tôi không sợ bị bắt nếu trở về, nhưng ngay bây giờ thì tôi không có ý định quay về.”
Corey: "Như anh đã biết là vợ tôi là người Việt Nam. Chúng tôi có 2 con, khi ra đi chúng còn rất nhỏ nhưng bây giờ đã khôn lớn và hai con tôi, vợ tôi và cả các em của vợ tôi cũng đã về thăm Việt Nam. Nhiều người ngọai quốc cũng đã đến thăm Việt Nam. Ngay cả một số Nhà báo từng làm việc ở Sàigòn trong thời gian chiến tranh cũng đã trở lại thăm Nam Vang (Cao Miên) và Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày kết thúc chiến tranh. Có thể họ không đồng ý với tất cả những gì của Ủy ban Nhân dân thành phồ Hồ Chí Minh đang làm nhưng tôi không thấy họ gặp phải khó khăn gì. Tôi không thấy có vấn đề gì đối với người ngọai quốc khi đến thăm Việt Nam. Ngay cả đối với những ngưởi Việt Nam được gọi là “Việt Kiều” cũng vậy. Ngay cả bản thân tôi cũng đã trở lại thăm Việt Nam vào năm 1995. Tôi thấy đã có sự thay đổi khả quan về mặt kinh tế, nhưng nếu hỏi là tôi có muốn trở lại làm việc hay ở lại Việt Nam không thì tôi không có ý định đó.”
35 năm trước đây, sự hiện diện của người Mỹ tại miền Nam Việt Nam kết thúc khi một chiếc máy bay Trực thăng đem theo người di tản rời khỏi sân thượng của Tòa Đại sứ Mỹ tại Sai Gòn. Wayne Corey. Steve Thompson và Phạm Trần, người mà chúng tôi vẫn gọi bằng cái tên ngắn là PT là những Thông tín viên của Đài VOA có mặt ở Sài Gòn trong những ngày đó. Wayne Corey đã nghỉ hưu, nhưng Phạm Trần thì vẫn đang làm việc với chúng tôi và hôm nay họ nói chuyện với Thông tín viên Đài VOA Neil Currie.