VOA: Thưa ông, chắc ông cũng biết là trong chuyến viếng thăm Trung Quốc mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh có đề cập tới ý định thương thuyết với Trung quốc để ký kết hiệp định về khai thác tiềm năng du lịch Thác Bản Giốc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi đầu tháng 12 vừa qua cũng đã đến thị sát Cao Bằng và đi thăm Thác Bản Giốc. Với tư cách là một người bỏ công nghiên cứu rất nhiều về vấn đề chủ quyền Thác Bản Giốc xin ông cho thính giả của VOA được biết sơ qua về tình hình hiện nay ở khu vực này?
Ông Mai Thái Lĩnh: Qua thông tin của báo chí trong nước, trong những năm gần đây và mãi cho tới ngày nay việc khai thác du lịch ở thác Bản Giốc có một sự mất cân bằng giữa hai bên. Phía Trung Quốc hàng năm họ thu hút được khoảng một triệu du khách. Về phía nước ta thì số du khách trung bình chỉ vào khoảng 30.000. Lý do chính là vì cơ sở hạ tầng ở đây còn rất yếu kém, từ đường giao thông cho tới khách sạn, nhà trọ, cũng như các dịch vụ phục vụ du lịch khác. Ngoài ra, còn có một lý do khác nữa là giữa hai bên chưa có một hiệp định hợp tác khai thác du lịch.
Theo một trang blog trong nước (của nhà báo Trương Duy Nhất), có một Việt kiều Canada về nước, muốn đóng góp cho địa phương khoảng nửa triệu đô la để giúp cho tỉnh sửa sang lại cảnh quan du lịch; nhưng khi gặp chính quyền của tỉnh thì họ không chấp nhận. Bởi vì, theo lời một quan chức địa phương, việc chỉnh trang xây dựng khu vực này lệ thuộc vào nội dung của hiệp định khai thác. Cho nên mỗi lần bên mình định làm cái gì thì bên kia họ lại phá.
Tôi nghĩ rằng có lẽ vì lý do này nên trong chuyến đi thăm Trung Quốc lần này Ngoại trưởng Phạm Bình Minh có đưa vấn đề ký hiệp định khai thác chung vào chương trình nghị sự giữa hai bên. Còn theo thông tin của một số người đến thăm thác Bản Giốc, ở phía thượng lưu (phía trên thác) có một cái chợ trời biên giới. Người Việt mình qua lại được. Nhưng ở phía hạ lưu thì vì đường phân chia nằm giữa giòng sông nên nếu đi ra về phía thác chính thì bè của Việt Nam chỉ qua được tới giữa giòng thôi, chứ không thể qua phía bên kia được. Tình hình đại khái là như vậy.
VOA: Hồi đầu tháng này ông đã cho phổ biến bài nghiên cứu “Sự thật về Thác Bản Giốc”, trong đó ông khẳng định Việt Nam là chủ nhân thực sự của thác nước này. Xin ông vui lòng cho biết những luận điểm chính của ông về vấn đề này.
Ông Mai Thái Lĩnh: Bài viết của tôi vừa rồi có nhan đề là “Sự thật về Thác Bản Giốc” (Phần 1 và phần 2). Thật ra không phải tất cả đều là ý kiến của tôi, mà đây có thể nói là một công trình tập hợp tất cả những bằng chứng mà nhiều bài viết trước đây – nhiều người đã viết trong vòng khoảng chục năm nay, để chứng minh thác Bản Giốc hoàn toàn là của Việt Nam.
Trong đó đáng kể nhất là một nhà nghiên cứu ở Pháp, ông Trương Nhân Tuấn, một Việt kiều sinh sống ở Pháp. Ông đã sưu tập được rất nhiều tài liệu thành văn về quá trình ký kết và cắm mốc giữa hai bên -- giữa Pháp và nhà Thanh, vào cuối thế kỷ thứ 19.
Còn ở trong nước, tôi xin lấy ví dụ như ông Hàn Vĩnh Diệp, một đảng viên Cộng Sản và là một cán bộ hưu trí. Ông này đã từng 7 lần đến thăm Bản Giốc, từ 1958 đến 2006, và có lần từng ở lại một ngày một đêm ở bờ bắc của sông Quây Sơn. Địa điểm này bây giờ, theo như tác giả viết, đã thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc rồi.
Tất cả những luận điểm của các tác giả nói trên vẫn còn một số điểm chưa thật chính xác, vẫn còn những lỗ hổng, khiến cho toàn bộ chưa có tính chất thuyết phục. Khó khăn lớn nhất là thiếu những bản đồ chi tiết để giải thích rõ trước đây đường biên giới như thế nào và hiện nay đường biên giới thay đổi ra sao. Nhất là cột mốc số 53.
Vừa rồi, trong quá trình nghiên cứu, tôi tìm được một số bản đồ. Đặc biệt là qua mạng internet tôi tìm được hai tờ bản đồ, tỉ lệ 1/50,000. Một là bản đồ do Quân đội Hoa Kỳ in năm 65 và một là của Quân đội Nhân dân Việt Nam in năm 1980. Hai bản đồ này về cơ bản thì địa hình rất giống nhau. Chỉ có khác là tờ bản đồ của Việt Nam thì Việt Nam đã Việt hóa và điều chỉnh một số điểm, nhất là địa danh. Quan trọng nhất là hai tờ bản đồ này có ghi rõ tọa độ địa lý và có những vòng cao độ, và trong đó đặc biệt là có ghi rõ các cột mốc nằm ở đâu. Cho nên tôi nghĩ rằng những người có trình độ về bản đồ học có thể căn cứ vào cái này để xác định tọa độ các cột mốc một cách hết sức chính xác.
Ngoài ra còn có một tờ bản đồ chi tiết về đường biên giới mới. Tờ bản đồ này sở dĩ có được là vào cuối tháng 10 năm 2011 có một đoàn nhà văn quân đội đã lên thăm đồn biên phòng Đàm Thủy ở gần thác Bản Giốc và chụp ảnh lại bản đồ chi tiết về đường biên giới này.
So sánh mấy tờ bản đồ với nhau thì chúng ta thấy rõ ràng là cột mốc 53 đã bị dời đi, đường biên giới bị sửa đổi, và do vậy nên ta mất đi một nửa thác chính của thác Bản Giốc. Cho nên có thể nói là với những tư liệu này chúng ta có thể chứng minh được thác Bản Giốc trước hoàn toàn là của Việt Nam.
Và tất cả những điều này rất ăn khớp với tất cả những tư liệu về địa lý trước đây của nước ta, cũng như ăn khớp với những điều mà trong bản Bị Vong Lục ngày 15 tháng 3 năm 1979 mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố trong cuốn sách “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc” do Nhà Xuất bản Sự Thật xuất bản vào năm 1979. Có thể nói là tất cả rất có hệ thống và rất chính xác và đã chứng minh rằng thác Bản Giốc là hoàn toàn thuộc về Việt Nam. (Hết Phần I)