Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chính sách Thân Dân

Thủ tướng Ôn Gia Bảo mới đây đã trích đọc những câu thơ nổi tiếng của thi hào Khuất Nguyên để bày tỏ quyết tâm mang lại công bằng xã hội cho người dân Trung Quốc. Các nhà quan sát cho rằng những lời lẽ có tính chất bi tráng của vị Thủ tướng được lòng dân chúng này chứng tỏ rằng sự thúc đẩy cho các chính sách thân dân của ông đang gặp phải những sức cản rất lớn. Một số người cho rằng mục tiêu công bằng xã hội mà ông đề ra sẽ khó lòng đạt được nếu giới lãnh đạo Bắc Kinh không có quyết tâm tiến hành cải cách chính trị. Mời quý vị nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Trong cuộc họp báo hôm 14 tháng 3 vào lúc kết thúc phiên họp thường niên của Quốc hội, Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc đọc hai câu thơ “diệc dư tâm chi sở hướng hề, tuy cửu tử kì vưu vị hối” trong tập thơ Ly Tao của thi hào Khuất Nguyên, đại ý nói rằng vì tâm nguyện phục vụ đồng bào mà phải chết đi 9 lần thì cũng cam lòng. Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc nói thêm rằng ông dùng hai câu thơ này để nói lên chí khí của mình và hứa sẽ cố gắng hết sức để làm tốt công tác trong 3 năm tới đây, trước khi ông về hưu. Ông Ôn Gia Bảo nói thêm như sau:

"Công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc chẳng phải chỉ giới hạn trong sự phát đạt của kinh tế mà còn bao gồm công bằng công lý xã hội và sức mạnh của đạo đức. Trong vài năm còn lại trong chức vụ này tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện những điều này. Tôi tin rằng những nhà lãnh đạo sau này cũng sẽ quan tâm nhiều hơn tới vấn đề này."

Các nhà quan sát cho rằng những lời lẽ khảng khái của ông Ôn Gia Bảo nêu bật những sức cản mà nhà lãnh đạo được dân chúng mến mộ này đang gặp phải trong việc thực thi các chính sách có lợi cho dân nghèo, thường được gọi là chính sách thân dân.

Theo ông Kim Chung, chủ biên Tạp chí Khai Phóng ở Hồng Kông, giới lãnh đạo Trung Quốc từ nhiều năm trước đã xướng xuất việc công khai tài sản của quan chức trong Đảng và Nhà nước; nhưng cho đến nay họ vẫn chưa thông qua được đạo luật bài trừ tham nhũng, thường được gọi là Luật Ánh Dương. Ông Kim cho rằng điều này khiến cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảm thấy bi ai:

"Trong bản báo cáo của chính phủ lần này ông ấy đã không dám đề cập tới đạo luật 'Ánh Dương'. Điều này cho chúng ta thấy được mức độ to lớn của những sức cản. Tâm trạng của ông ấy lúc này quả là có tính chất bi tráng. Rất nhiều cán bộ cao cấp trong Trung ương Đảng đã bỏ phiếu phản đối. Ông ấy đành bó tay, không biết phải làm sao."

Ông Vương Quang Trạch, một nhà bình luận chính trị ở Bắc kinh, tán đồng nhận xét vừa kể và cho biết thêm như sau:

"Tôi cảm thấy rằng phát biểu của ông Ôn Gia Bảo cũng giống như những tuyên bố trước đây của ông Chu Dung Cơ khi ông ấy sắp về hưu. Chỉ có một điều không giống là những lời lẽ bi tráng của ông Ôn Gia Bảo đã được thi vị hóa, cường điệu hóa. Những nguy cơ mà ông Ôn đang gặp phải có thể nghiêm trọng hơn những mối nguy hiểm của thời Giang Trạch Dân – Chu Dung Cơ, cho nên tôi nghĩ rằng việc ông Ôn Gia Bảo nói lên những lời bi tráng là có lý do xác đáng."

Theo tường thuật hôm 14 tháng 3 của hãng thông tấn Reuters, ông Ôn Gia Bảo được dân chúng mến mộ vì là người hòa nhã và thường bày tỏ sự thông cảm trước những nỗi cơ cực của dân nghèo. Ông cũng đã hủy bỏ nhiều khoản thuế cho nông dân và đề ra chủ trương thu hẹp khoảng cách biệt trong thu nhập giữa cư dân thành thị và nông thôn. Tuy nhiên những cuộc nghiên cứu về phân phối của cải ở Trung Quốc hồi gần đây cho thấy chênh lệch giàu nghèo ở quốc gia này đang ngày càng gia tăng. Những nỗ lực của Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong việc làm cho nền kinh tế bớt lệ thuộc vào hàng hóa xuất khẩu giá rẻ, những dự án qui mô lớn của nhà nước và những công xưởng gây nhiều ô nhiễm cũng gặp phải những sự chống cự rất đáng kể.

Một phụ nữ thất nghiệp ở Bắc kinh, bà Ngô Ngọc Cầm, cho đài VOA biết rằng sự kháng cự của cán bộ địa phương là nguyên do làm cho những chính sách thân dân của Thủ tướng Ôn Gia Bảo không thực hiện được.

Bà nói: "Những nguyện vọng của ông Ôn Gia Bảo là rất tốt. Nhưng tôi chỉ có thể nói rằng đây chỉ là nguyện vọng mà thôi, bởi vì những quan chức cấp thấp ngoài mặt thì ủng hộ nhưng bên trong thì chống cự. Họ không hề thực thi những chỉ thị của cấp trên!"

Nhà bình luận Vương Quang Trạch giải thích như sau về hiện tượng này:

"Sự lũng đoạn quyền lợi chẳng những đã hoàn tất mà còn hình thành một mạng lưới vô cùng chặt chẽ. Cho dù Thủ tướng Ôn Gia Bảo có ý tốt là thúc đẩy cho công bằng và công lý xã hội, nhưng nếu kế hoạch cải cách thể chế chính trị không khởi động được thì chính sách của ông ấy không thể nào ra khỏi Trung Nam Hải. Cuộc diện lũng đoạn và sự đề kháng tiêu cực của địa phương đối với hiệu lệnh của trung ương là vô cùng rõ ràng. Không còn ai tuân hành mệnh lệnh của chính phủ cả."

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 14 tháng 3, ông Ôn Gia Bảo lại một lần nữa kêu gọi thực thi công bằng xã hội và cho rằng lạm phát, tham ô, và chênh lệch giàu nghèo đanh ảnh hưởng tới ổn định xã hội, thậm chí còn có thể gây bất ổn cho quyền lực của nhà nước.

Ông nói: "Trong việc phát triển đất nước, chúng ta chẳng những cần làm tốt việc kiến thiết kinh tế mà còn cần phải thúc đẩy cho công bằng công lý xã hội, xúc tiến sự phát triển toàn diện và tự do của con người. Cả ba phương diện này đều không thể bỏ lơ phương diện nào. Mục đích căn bản của việc tập trung nỗ lực để phát triển sản xuất chính là để thỏa mãn nhu cầu vật chất và văn hóa ngày càng tăng của người dân; mà công bằng công lý xã hội là cơ sở của ổn định xã hội. Tôi nghĩ rằng chính nghĩa công bằng, công lý còn sáng hơn cả mặt trời."

Bình luận gia Vương Quang Trạch ở Bắc Kinh cho rằng chính sách dù tốt tới đâu mà không được thực hiện bởi những người thừa hành thì cũng bằng không. Ông nói rằng cải cách thể chế chính trị là cách thức duy nhất để giải quyết các vấn đề hiện nay:

"Chúng ta không ngớt nghe Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói về sự quan tâm của ông trước những nỗi cơ cực của dân chúng, quan tâm tới vấn đề công bằng và công lý xã hội. Nhưng ông không đề cập nhiều tới vấn đề cải cách thể chế chính trị. Vì thế chúng tôi không thể suy đoán chủ trương của ông về việc này. Tuy nhiên, nếu ông không chủ trương thay đổi thể chế chính trị thì tuyên bố của ông về công bằng công lý xã hội chỉ là một giấc mơ, một câu nói rỗng."

Khi được hỏi về triển vọng cải cách chính trị ở Trung Quốc, ông Kim Chung, chủ biên Tạp chí Khai Phóng ở Hồng Kông, đã có một nhận xét rất bi quan. Ông cho biết như sau:

"Tình hình hiện nay là Trung Quốc không có chính trị gia mà cũng chẳng có anh hùng trong dân gian để thay đổi cuộc diện này. Tất cả mọi người ai nấy đều phải chịu cảnh thối nát trong thể chế này và chờ xem nó thối nát cho tới khi nào."