Quỹ Trẻ em Việt Nam do bà Vương Ngọc Điệp thành lập vào năm 1999 sau một chuyến đi về Việt Nam, xúc động vì thấy những trẻ em nghèo khổ, thất học sống lam lũ và không có cơ hội cắp sách đến trường. Cô Phương Bùi hiện là thủ quỹ của Hội và là con của bà Vương Ngọc Điệp, bà đã qua đời sau một tai nạn sông nước vào năm 2000, cho biết:
“Má Phương về Việt Nam thấy con nít Việt Nam ở ngoài đường, không đứa nào đi học hết. Đứa đi bán thuốc hút, đứa đi đánh giày. Bả thấy buồn, bả nói con nít phải đi học. Bả nói những gì ở trong đầu mình không ai có thể lấy được. Của cải lấy được nhưng học thức ở trong đầu rồi thì không ai lấy được. Về lại Mỹ bả hỏi Phương cách thành lập một tổ chức để giúp trẻ em Việt Nam chớ một mình làm không nổi. Một người bạn Mỹ của Phương là luật sư giúp lo giấy tờ để thành lập tổ chức bất vụ lợi này.”
Lúc đầu tiên vì chưa có được người tình nguyện ở Việt Nam nên cứ mỗi lần về Việt Nam vì công chuyện làm ăn, bà Vương Ngọc Điệp tự mình tìm đến những nơi cần giúp đỡ để trợ giúp. Cô Phương kể lại:
“Lúc đó không biết ai ở Việt Nam hết nên khi nào má Phương mang tiền về thì đem thẳng đến viện mồ côi hay thấy người nào nghèo thì đến thẳng nhà giúp.”
Tuy nhiên theo lời cô Phương thì việc giúp đỡ này cũng gặp nhiều khó khăn, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, cô Phương nêu lên trường hợp một em bé mù nhưng người mẹ không muốn chữa trị cho em:
“Má Phương về, ra chợ thấy một đứa bé bị mù, một mắt mù hẳn rồi còn một mắt bị đục. Má muốn giúp bé này, má dẫn đi bác sĩ. Bác sĩ nói con mắt kia nếu mổ thì có thể thấy được, nếu không mổ bây giờ thì đứa bé bị mù luôn nhưng phải có ý kiến của người mẹ, người mẹ phải chịu ký để cho mổ mắt. Người mẹ nói không vì đứa bé nếu thấy rồi thì không ăn xin được. Nhiều khi mình muốn giúp nhưng cũng khó lắm vì hoàn cảnh ở Việt Nam đứa bé thấy rồi không ăn xin được thì nguyên nhà nó bị đói. Thành thử không giúp được đứa bé này.”
Quỹ Trẻ em Việt Nam thường cử người đến các bệnh viện để tìm giúp những bệnh nhân nghèo không có tiền chữa trị. Cô Phương cho biết:
“Không có bảo hiểm sức khỏe, nhiều em phải chờ khi nào có đủ tiền trả cho bác sĩ mới được mổ, được thuốc… Nhiều em chờ lâu quá, chết, nhất là mấy em bị phỏng, bị cháy. Thành ra mình vô nhà thương chỗ chữa trị phỏng mình tìm 20 em nghèo nhất, mình trả tiền thuốc, tiền bác sĩ, tiền ăn vì thường các em đi chữa trị thì nguyên gia đình đi theo luôn. Xong rồi mình đi qua viện khác như viện nhiễm độc, nhiễm trùng, kiếm 20 em nghèo nữa rồi qua viện ung thư cho tiền ăn, tiền uống, tiền thuốc cho những em nghèo. Tại đây có một nhà tình thương, mình cho một ngàn đô để họ mua gạo nuôi những gia đình đang ở đó để nuôi con trong nhà thương.”
Ngoài việc tìm giúp các em đang chữa trị tại các bệnh viện. Các thiện nguyện viên của quỹ còn tìm đến những làng mạc xa xôi để giúp các trẻ em ở đó. Cô Phương nêu lên trường hợp một làng người sắc tộc tại Sapa nơi các trẻ em thường thiệt mạng vì không chịu nổi giá rét của mùa đông. Cô Phương kể lại:
“Ở Sapa có một làng thiểu số của người H’mong mỗi năm qua mùa đông các em bé dưới một tuổi chết khoảng 50%. Năm trước đó có 35 em bé, qua mùa đông chỉ còn 17 em vì các em bị lạnh và đói không sống nỗi. Thành ra năm sau mình nói là năm nay mình không muốn em nào chết hết. Mình xin được khoảng 6.000 đô mua mền và sữa bột cho các em đó xong rồi chở bằng xe gắn máy lên đó. Kết quả năm đó chỉ có một em chết vì bệnh thôi.”
Mỗi năm Quỹ Trẻ em Việt Nam đều đề ra một dự án để thực hiện. Mỗi dự án nhằm vào một đối tượng tại một địa phương để giúp đỡ. Sau 12 năm hoạt động, Quỹ Trẻ em Việt Nam đã trợ giúp cho Chùa Bửu Kỳ Cần Thơ trong việc nuôi dạy các em mồ côi và các em bị cha mẹ bỏ rơi, giúp Trường mầm non tư thục Sao Mai ở Kontum, nhà Tình thương Sa Đéc, nhà mồ côi Truyền Tin tại thành phố Hồ Chí Minh. Quỹ cũng giúp linh mục Việt ở Rạch Giá trong việc cho các em ăn xin ngoài đường đi học.
Đặc biệt là một dự án phối hợp với 4 hội khác là hội Hope for Tomorrow, hội Global Community Services Foundation, hội Vietnam Assistance for the Handicapped và hội Operation Smiles chi nhánh Virginia để thành lập một nhà tình thương có tên là Trung tâm Mai Tâm để giúp đỡ cho các bà mẹ và các em bị nhiễm HIV/AIDS. Cô Phương nói:
“Có một năm dự án của mình là giúp xây một nhà tình thương cho mấy em bị nhiễm HIV. Những em này bị xua đuổi một năm hai ba lần vì mấy người hàng xóm chung quanh nếu biết các em này bị HIV thì họ làm khó dễ. Thành ra mình với 4 hội khác làm một buổi gây quỹ lớn xong rồi đi xin tiền xây được một viện mồ côi có tên là Mai Tâm Center-Mái ấm Mai Tâm- trên một miếng đất do một bà cho. Có 50 em ở trong nhà đó cùng với 25 bà mẹ bị HIV. Nhà này ở quận Thủ Đức, cha Toại đang coi viện mồ côi đó.”
Trong năm 2010, dự án của Quỹ đã thực hiện là cấp 170 xe đạp cho các em học sinh người Việt gốc Kampuchia sống tại Hà Tiên giáp ranh với Kampuchia. Cô Phương vừa mới ở Việt Nam về sau khi cấp phát hết số xe đạp này cho biết:
“Mình gây quỹ được 170 chiếc xe đạp cho những em người thiểu số gần biên giới Kampuchia. Những em này phải đi bộ 4, 5 tiếng đồng hồ để đến trường. Các em phải đem cơm theo, ngủ lại ở trường, khi nào hết cơm thì đi bộ về. Cha mẹ của nhiều đứa không cho nó đi học tại vì cần nó để giúp việc mỗi ngày. Thành ra mình mua xe đạp cho nó để nó có thể đạp xe đạp một tiếng, một tiếng rưỡi đến trường xong rồi về nhà giúp bố mẹ nó. Cho xe đạp để nó có học thức vì không có học thức thì không bao giờ thoát cảnh nghèo được. Một trăm phần trăm tiền gây quỹ mình gởi về hết để giúp thẳng cho những em đó. Mình mua xe đạp, mình trả tiền học, mình mua đồ ăn cho nó.”
Hoạt động của Quỹ Trẻ em Việt Nam càng ngày càng lớn mạnh nhờ vào việc quyên góp trên trang mạng cũng như sự đóng góp của các thân hữu và mạnh thường quân. Cô Phương cho biết năm nào hội cũng đều tổ chức những hoạt động gây quỹ mà quan trọng nhất là giải vô địch bóng chuyền. Cô Phương nói:
“Lớn nhất là mình có Volleyball Tournament. Mỗi tháng 6 hàng năm có chừng 200 người tham dự, toàn là tuổi trẻ đấu bóng chuyền với nhau. Cuộc gây quỹ này thường thường mình kiếm được 5.000 đô la.”
Năm nay 2011, để gây quỹ, ngoài việc tổ chức đấu bóng chuyền, Quỹ Trẻ em Việt Nam còn mở các cuộc tranh tài bóng đá. Hội cũng gây quỹ bằng cách tổ chức các cuộc chạy Marathon, đua xe đạp và đánh bài Poker không ăn tiền mà giải thưởng là những hiện vật như TV, máy ảnh… Những buổi gây quỹ này được các nhà mạnh thường quân, các công ty tài trợ trong đó có chủ nhân của trung tâm Eden:
“Mỗi năm Eden bảo trợ đạp xe đạp và chạy đua cho mình nữa.”
Vì là một hội mà các thành viên phần lớn là những người trẻ nên cách quyên góp của hội khác với cách quyên góp của các hội đoàn hay các hội thiện nguyện khác trong vùng. Cô Phương giải thích thêm:
“Phần đông những người giúp hội của Phương là người trẻ không thích ăn tối ở nhà hàng Tàu sau đó có dạ vũ thành ra các bạn thích cái gì mình theo cái đó thôi.”
Đề cập đến dự án trong tương lai, Cô Phương cho biết:
“Phương muốn mua cặp táp, sách vở để năm mới cho các em đi học. Với lại một cái nữa là mấy em thiếu quần áo quá đi. Quần áo các em bận tới bận lui hoài rách hết trơn. Mình đang tìm cách mang quần áo về cho các em. Đó là hai cái mình đang suy nghĩ trong đầu.”
Trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng vùng Washington D.C, Maryland và Virginia tuần này, Hà Vũ xin giới thiệu với quý vị Quỹ Trẻ em Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ có mục đích giúp trẻ em thiếu may mắn ở Việt Nam.