Pháp tiếp tục biểu tình chống cải tổ hệ thống hưu bổng

  • Jennier Glasse

Việc cải tổ hưu bổng bị một số lớn dân chúng Pháp rầm rộ phản đối

Những người biểu tình tại Paris đang quyên góp tiền bạc để giúp những người đình công chống luật cải tổ hưu bổng của chính phủ, nhắm tăng tuổi về hưu tối thiểu từ 60 lên 62.

Việc cải tổ này bị một số lớn dân chúng rầm rộ phản đối. Các cuộc thăm dò cho thấy 70% dân Pháp chống đối, và nhiều người rất bất mãn với Tổng thống Nicolas Sarkozy của họ.

Người tham gia biểu tình, cô Nathahie Jalowezak, nói rằng sự bất mãn không phải chỉ vì luật này. Cô giải thích: "Vấn đề tăng tuổi hưu chỉ là một khía cạnh của vấn đề lớn, và rằng chúng ta đang phải chật vật tranh đấu cho một loại xã hội khác nữa, đó là tất cả những gì mà tôi muốn nói."

Ông Philippe Bourgalle, làm việc cho tổ chức nghiên cứu Association Dialogue, nói rằng những cuộc cải tổ như vậy đe dọa đến lối sống của người dân Pháp. Ông nói: "Người Pháp muốn được bảo đảm. Họ coi hệ thống hưu bổng là một loại bảo hiểm của họ. Họ luôn luôn sống với hệ thống xã hội, bao gồm bảo hiểm, an sinh xã hội, các quyền lợi, y tế và hưu bổng."

Theo ông Bourgalle, hơn một triệu người đã xuống đường biểu tình chống dự luật này tuần qua vì họ cảm thấy nhà cầm quyền không lắng nghe tiếng nói của họ.

Ông nói đa số người dân ngày nay đều nói rằng: "Vâng, phải có cải tổ." Nhưng điều không may là dự luật sắp được đem áp dụng dường như đã không được mang ra thương thảo với các đối tác trong xã hội, và vì vậy có vẻ như là không được công bằng. Theo ông Bourgalle, đây là những cảm nghĩ mạnh về phía người dân.

Nhưng ngay cả nếu dự luật được thông qua, các công nhân ngành dầu khí vẫn đình công tại các nhà máy lọc dầu, và những người biểu tình vẫn ngăn chặn các kho xăng và hải khẩu để kéo dài tình trạng thiếu nhiên liệu đã trở thành một lợi khí trong chiến dịch phản đối của họ.

Có lẽ điều làm cho chính phủ phải lo nghĩ nhiều nhất là các cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh. Trong tuần qua họ đã đóng cửa trường đại học cũng như trung học, mặc dù những vụ biểu tình được hoạch định trước có ít người tham gia, có lẽ vì các trường học đang nghỉ lễ.

Ông Francois Miquet-Marty làm việc với công ty thăm dò công luận Via Voice của Pháp, cho biết giới trẻ Pháp có nhiều lo ngại. Họ lo ngại vì tình hình kinh tế và xã hội khiến họ dễ bị tổn hại. Và khó tìm được việc làm trong những năm sắp tới, và họ cảm thấy như tiếng nói của họ không được lắng nghe đủ.

Phát ngôn viên đảng Cộng sản Pháp Patrice Bessac nói rằng các công đoàn đang hô hào tổ chức thêm các cuộc biểu tình, cho dù là các dự luật này có trở thành luật hay không.

Ông nói rằng các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục cho đến khi Tổng thống Pháp phải đưa ra hành động.

Tổng thống Sarkozy có nói rằng cuộc cải tổ này là cần thiết để giúp giảm bớt thâm thủng ngân sách của Pháp, và ông đã đưa ra một lập trường cứng rắn với vấn đề cải tổ. Theo giới phân tích thời cuộc thì đây là một sách lược chính trị đầy rủi ro cho một tổng thống với mức độ ủng hộ của dân chúng dành cho ông đã xuống thấp hơn bao giờ hết.