Chức năng của Giấc Mơ-Tăng Trí Nhớ và giúp học tập

Chức năng của Giấc Mơ-Tăng Trí Nhớ và giúp học tập

Dựa trên kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng giấc ngủ, và đặc biệt là những giấc mơ, có thể giúp tăng cường trí nhớ, kích thích óc sáng tạo và giúp chúng ta thực hiện tốt hơn những công việc phức tạp sau khi tỉnh dậy. Tạp chí Khoa Học và Đời sống tuần này xin được dành để đề cập đến một cuộc nghiên cứu mới về chức năng của những giấc mơ, dựa trên tổng hợp thông tin của các trang mạng khoa học và bài tường trình của biên tập viên Naomi Seck của Đài VOA về đề tài này. Mời quý vị theo dõi chi tiết.

Kết quả nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau cho thấy một giấc ngủ ngon có thể cải thiện trí nhớ, và giúp chúng ta hoàn tất tốt hơn những công việc phức tạp hoặc những bài toán khó mà trước khi đi ngủ, đã làm chúng ta bận tâm suy nghĩ và cố công tìm câu giải đáp.

Một cuộc nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Trung Tâm Y Tế Beth Israel Deaconess (BIDMC)Đại học Harvard thực hiện mới đây, nói rằng nằm mơ có thể là một cách của não bộ để cho chúng ta biết rằng trong lúc ta đang ngủ, bộ não tiếp tục hoạt động để củng cố ký ức, kết hợp chúng với những thông tin mới tiếp thu, để trong ngắn hạn, giúp ta thực hiện những nhiệm vụ đã làm ta suy nghĩ nát óc trước đó, đồng thời suy diễn và lưu giữ những thông tin ấy để sau này, chúng ta có thể mang ra áp dụng những điều đã học hỏi được một cách rộng rãi hơn trong cuộc sống.

Tiến sĩ Robert Stickgold, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Giấc Ngủ và Nhận thức của Trung Tâm Y Tế Beth Israel Deaconess, nói rằng giới nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm hiểu bằng cách nào, những giấc mơ có thể giúp chúng ta làm điều đó. Ông phát biểu:

“Bí quyết là phải ghi lại những giấc mơ xảy ra vào lúc đối tượng đang thiếp vào giấc ngủ, lúc mà những trải nghiệm mới được ôn đi ôn lại khi chúng ta mơ về những gì vừa xảy ra trước đó”.

Để nghiên cứu hiện tượng này, tiến sĩ Robert Stickgold và một nhà nghiên cứu khác, là tiến sĩ Erin Wamsley, yêu cầu một nhóm đối tượng tìm đường để đi đến một điểm nào đó trong một mê cung trên máy tính.

Các đối tượng có 10 phút để tìm ra mục tiêu. Nếu thất bại, đối tượng phải bắt đầu từ một điểm khác trong mê cung.

Sau khi bắt tay vào việc trong suốt một giờ đồng hồ, một nhóm đối tượng được lui vào trong để đánh giấc trong 90 phút, trong khi nhóm còn lại được nghỉ giải lao, nhưng không được đi ngủ trong cùng thời gian đó.

Tiến sĩ Stickgold nói tất cả những người trong nhóm được đi ngủ, đạt kết quả tốt hơn khi tiếp tục làm việc sau khi thức dậy, nhưng ông xác định rằng những người đạt được thành tích cao nhất là những người đã nằm mơ. Nhà nghiên cứu giải thích:

“Những người đã mơ về việc đang làm trước khi đi ngủ, đạt thành tích tốt hơn sau khi thức dậy, so với những người không nằm mơ. Trên thực tế, mức độ cải tiến tăng cao gấp 10 lần, so với những người cũng đi ngủ nhưng không nằm mơ về chuyện đang làm. Chúng tôi hết sức kinh ngạc về phát hiện này.”

Những người không được ngủ, thì thành tích không cải thiện chút nào, mặc dù họ đã dùng giờ nghỉ giải lao để suy nghĩ rất lung về bài toán khó cần được giải đáp.

Để xác định người nào thực sự nằm mơ về công việc đang làm dang dở, tiến sĩ Wamsley đánh thức các đối tượng vào nhiều lúc khác nhau trong giấc ngủ kéo dài 90 phút, và hỏi họ nghĩ gì ngay vào lúc đó.

Tiến sĩ Stickgold nói điều khiến cho toán nghiên cứu ngạc nhiên là những giấc mơ ấy thường không tập trung vào việc làm cách nào tìm được lối đi trong mê cung, tức là công việc phải làm trước mắt, và có trường hợp các đối tượng không mơ gì về cái mê cung đó.

“Trong giấc mơ, họ không thấy mình đang đi trong mê cung và tìm được đến đích hay tìm ra lối thoát, rồi nhớ lại bản đồ của mê cung, mà mơ thấy họ đang thám hiểm một hang dơi chẳng hạn, hoặc một giấc mơ đại loại như thế.”

Theo các nhà nghiên cứu thì trong khi chúng ta ngủ, bộ não dường như hoàn tất hai chức năng riêng rẽ. Trong khi “hồi hải mã”, tức là một phần của não trước bên trong thùy thái dương, xử lý thông tin đơn giản, như tìm đến đích hay tìm được lối thoát ra khỏi mê cung, thì cùng lúc các khu vực khác trong não kết hợp và áp dụng các thông tin ấy cho một vấn đề phức tạp và trừu tượng hơn. Bà Wamsley giải thích:

“Bộ óc của chúng ta làm việc trong lúc ta đang ngủ để tìm câu giải đáp cho những điều mà nó cho là quan trọng nhất. Mỗi ngày, chúng ta thu thập vô số những tin và có những trải nghiệm mới. Những giấc mơ của chúng ta dường như đặt câu hỏi: Làm cách nào sử dụng các thông tin và trải nghiệm này để có thể mang ra áp dụng trong những tình huống phức tạp khác của cuộc sống trong tương lai?”

Tiến sĩ Robert Stickgold nói rằng não bộ hoạt động để tìm cách khơi lại những ký ức và dùng những kỹ năng cần thiết để tìm câu giải đáp cho những điều ta đang làm dở dang hoặc chưa giải quyết xong, cụ thể như tìm đến đích trong mê cung, hoặc một cách tổng quát hơn, áp dụng những thông tin và kỹ năng đã có để giải đáp những bài toán phức tạp khác trong cuộc sống sau này.

Tiến sĩ Robert Stickgold nói đó chính là kết quả mà các nhà nghiên cứu đã hy vọng tìm thấy. Kết quả ấy phù hợp với sự hiểu biết của các khoa học gia về những chức năng của giấc ngủ, nhưng đây là lần đầu tiên họ tìm thấy chứng cớ cụ thể cho thấy những giấc mơ thực sự có chức năng được xác định một cách rõ rệt.

Thưa quý thính giả, kết quả cuộc nghiên cứu của tiến sĩ Robert Stickgold và Erin Wamsley được đăng trên ấn bản mạng của tạp chí Current Biology ngày 22 tháng Tư. Quý vị có thể tra cứu tài liệu này tại trang web: http://www.sciencedirect.com