Các cường quốc thế giới hôm thứ Bảy đồng loạt đi ngược lại Tổng thống Mỹ Donald Trump về biến đổi khí hậu, tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại sự tăng nhiệt toàn cầu.
Tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 Nước (G-20) tại Hamburg, Đức, nhấn mạnh rằng các nước khác và Liên minh Châu Âu ủng hộ thỏa thuận khí hậu Paris mà ông Trump khước từ. Họ gọi thỏa thuận giảm thiểu phát thải khí nhà kính này là "không thể đảo ngược được" và tuyên bố sẽ thi hành nó một cách nhanh chóng và không có ngoại lệ.
Các quốc gia khác, từ các cường quốc Châu Âu như Đức đến các nước đang trỗi dậy như Trung Quốc và các nước sản xuất năng lượng như Ả-rập Saudi, hờ hững "lưu ý" lập trường của Mỹ được nhắc tới trong một đoạn văn riêng biệt mà chủ tọa hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel, nói rõ rằng chỉ áp dụng riêng cho Mỹ.
Bà nói rằng lập trường của Mỹ là "đáng tiếc" nhưng hội nghị thượng đỉnh đã đạt được "kết quả tốt ở một số lĩnh vực" và dẫn ra một thỏa thuận khó khăn lắm mới đạt được về thương mại bao gồm cả ông Trump và Mỹ.
Về thương mại, các cuộc hội đàm khó khăn đã đưa tới kết quả là G-20 vẫn tiếp tục lên án chủ nghĩa bảo hộ thương mại, một tuyên bố mà lâu nay vẫn là đặc trưng trong những nỗ lực của nhóm nhằm chống lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên nhóm bổ sung thêm các yếu tố mới: thừa nhận rằng thương mại phải "đối ứng và có lợi cho cả đôi bên" và rằng các nước có thể sử dụng "các công cụ bảo vệ thương mại chính đáng" nếu họ bị lợi dụng.
Điều này nêu bật những lo ngại của ông Trump, người lần đầu tiên tham dự hội nghị G-20. Ông nói rằng thương mại phải công bằng và cởi mở và phải có lợi cho các công ty và người lao động Mỹ. Ông đã tập trung vào các mối quan hệ thương mại mà trong đó các nước khác có thặng dư lớn so với Mỹ, nghĩa là họ bán cho người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn là họ mua từ các công ty Mỹ.
Rộng hơn, những lo ngại về thương mại và ảnh hưởng của nó đối với nười lao động đã đóng một vai trò lớn trong một trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ năm 2016 và cuộc trưng cầu dân ý ở Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu, một khối thương mại tự do.
Tuy nhiên các quan chức ủng hộ thương mại của Liên minh Châu Âu chỉ ra rằng lời lẽ trong tuyên bố G-20 không chệch khỏi hệ thống quy định toàn cầu hiện hành, vốn đã cho phép các nước thực hiện các biện pháp bảo vệ theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Những biện pháp này có thể bao gồm áp đặt thuế nhập khẩu để đáp lại những tập tục không công bằng như trợ cấp của chính phủ hoặc việc định giá thấp hơn chi phí.
EU đã cho thấy họ sẵn sàng tiến về phía trước với tự do thương mại mà không cần ông Trump bằng cách loan báo một hiệp định thương mại với Nhật Bản vào hôm trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc.
G-20 bao gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Mỹ, Mexico, Argentina, Brazil, Nam Phi, Ả-rập Saudi, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Úc và Liên minh Châu Âu.