Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới hứa đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giải quyết nạn thất nghiệp đang gia tăng trên thế giới.
Sau hai ngày họp thượng đỉnh tại Cannes, Pháp, các nhà lãnh đạo G20 cũng phát huy xã hội hợp quần và biến chính sách toàn cầu hóa sang hướng phục vụ cho nhu cầu của mọi người.
Việc Hy Lạp chần chừ tuân thủ những điều khoản của gói cứu nguy tài chánh bao trùm hai ngày hội nghị thượng đỉnh, và lãnh đạo G20 cũng yêu cầu Liên hiệp châu Âu ngăn ngừa việc Ý có thể theo gót Hy Lạp chìm ngập trong cơn khủng hoảng nợ.
Trong một thông cáo chung, các nhà lãnh đạo G20 ca ngợi kế hoạch toàn diện của khu vực đồng euro khôi phục lại ổn định tài chánh, nhưng thất bại trong việc đóng góp vào một quỹ hỗ trợ khẩn cấp.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh, nói những nền kinh tế chính yếu của châu Âu như Pháp và Đức quyết tâm bảo vệ sự thống nhất của châu Âu và đồng tiền euro chung.
Ông nhắc lại Hy Lạp sẽ bị loại ra khỏi khu vực đồng euro nếu không chấp nhận thỏa thuận cứu nguy, trong đó có những biện pháp tiết kiệm mạnh mẽ. Tổng thống Sarkozy cũng nói Liên hiệp châu Âu sẽ cố gắng áp đặt một sắc thuế trên những việc giao dịch tài chánh vào năm tới để giúp các nước nghèo.
Ông nói: “Về phương diện đạo đức, chúng ta thấy rất cần để mọi người trên thế giới biết rằng những người có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ trả giá cho những thiệt hại đã gây ra. Đó là mục đích của khoản thuế trên những giao dịch tài chánh.”
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói lãnh đạo thế giới đã đạt được những tiến bộ quan trọng để ổn định kinh tế toàn cầu, tuy nhiên cần phải thực hiện những công việc khó khăn nữa để giải quyết vấn đề công nợ của châu Âu.
Ông ca ngợi Trung Quốc đã đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh thi hành những bước để đẩy mạnh nền kinh tế nội địa, trong nỗ lực cắt bớt thặng dư ngoại thương to lớn của Trung Quốc mà hậu quả là gây thâm thủng mậu dịch khổng lồ với Hoa Kỳ.