Các nhà lãnh đạo của nhóm 7 nền dân chủ lớn (G7) đồng ý hôm 13/6 về một thỏa thuận khung nhằm cung cấp khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine, sử dụng tiền lãi từ các tài sản nhà nước của Nga bị phong tỏa sau khi Moscow xâm chiếm nước láng giềng vào năm 2022, theo Reuters.
Thỏa thuận chính trị này là tâm điểm của ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo G7 ở miền nam nước Ý, có sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong lần thứ hai liên tiếp.
Ông Zelenskyy đã ký một hiệp định an ninh dài hạn mới với Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi ký hiệp định an ninh 10 năm với Nhật Bản, trong đó Tokyo hứa sẽ cung cấp cho Kyiv 4,5 tỷ USD trong năm nay.
Gọi thỏa thuận về tài sản bị phong tỏa này là một “kết quả quan trọng”, ông Biden nói với các phóng viên rằng đây là “một lời nhắc nhở nữa với (Tổng thống Nga Vladimir) Putin rằng chúng tôi sẽ không lùi bước”.
Kế hoạch của G7 đối với Ukraine có cơ sở là khoản cho vay kéo dài nhiều năm sử dụng lợi nhuận từ khoảng 300 tỷ USD ngân quỹ của Nga bị thu giữ, phần lớn trong số đó bị chặn lại ở Liên hiệp châu Âu.
Các chi tiết kỹ thuật sẽ được hoàn thiện trong vài tuần tới, với số tiền mới dự kiến sẽ đến Kyiv vào cuối năm nay nhờ sự đóng góp từ tất cả các quốc gia G7 – gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Ý.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: “Đây là một cam kết rất rõ ràng sẽ khuyến khích người dân Ukraine làm những gì họ cần để bảo vệ độc lập và chủ quyền của mình”.
Nga coi những nỗ lực của phương Tây nhằm lấy tiền lãi từ tài sản bị phong tỏa của nước này là tội phạm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 13/6 lưu ý, đồng thời nói thêm rằng phản ứng của Moscow sẽ gây ra nhiều đau đớn cho Liên hiệp châu Âu.
Nhiều nhà lãnh đạo G7 đang gặp khó khăn trong nước nhưng mong muốn thể hiện sự tự tin trên trường thế giới khi họ phải đối mặt với một loạt vấn đề, bao gồm tham vọng kinh tế của Trung Quốc, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và tình trạng bất ổn ở Trung Đông.
Theo một dự thảo thông cáo sẽ được công bố sau hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về tình hình ở biên giới Israel-Lebanon và tán thành những nỗ lực của Mỹ nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến ở Gaza.
Ngoài ra, họ kêu gọi Israel kiềm chế một cuộc tấn công toàn diện vào thành phố Rafah ở miền nam Gaza, “phù hợp với nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế”.
Các nhà ngoại giao cho biết các quốc gia phương Tây cũng dự kiến sẽ bày tỏ mối quan ngại chung về tình trạng thừa năng suất công nghiệp của Trung Quốc, điều mà họ cho là đang làm méo mó thị trường toàn cầu, cũng như quyết tâm giúp các quốc gia châu Phi phát triển nền kinh tế của họ.