Cuộc họp của nhóm 7 nước diễn ra giữa những cảnh báo là các nền kinh tế phát triển hàng đầu có nguy cơ rơi lại vào suy thoái, và giữa lúc khủng hoảng tài chánh tại 17 quốc gia sử dụng đồng euro đang lan rộng.
Ngỏ lời tại London trước khi đi Marseille, bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, nói dù mỗi nước đều đối mặt với các vấn đề riêng và có những giải pháp riêng, bà vẫn muốn đưa ra một lời khuyên chung cho toàn thể các thành viên G7:
“Trong giai đoạn này và với những tình huống kinh tế chúng ta đang trực diện, các nước cùng các nhà hoạch định chính sách trong những nước đó cần phải hành động, phải hành động can đảm và cùng nhau hành động.”
Những tin tức kinh tế u ám đã xảy ra tại hầu hết nhóm G7, gồm Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Ý, Nhật, Canada và Đức. Một phúc trình phát hành vào ngày thứ Năm, do tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế, trụ sở tại Paris, cho biết tăng trưởng đang chững lại tại nhiều nền kinh tế hàng đầu.
Cuộc họp tại Marseille dự kiến đối phó với khủng hoảng nợ nần đang gia tăng tại châu Âu, đang đe dọa kéo theo Ý cùng với các ngân hàng Pháp và Đức.
Hội nghị này mở ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc bài diễn văn quan trọng về những đường hướng gia tăng việc làm và phục hồi nền kinh tế tại Hoa Kỳ.
Bà Lagarde nói IMF hoan nghênh những đề xuất của Tổng thống Obama, nhưng yêu cầu Mỹ làm rõ hơn một kế hoạch trung hạn, nhằm đặt món nợ công khổng lồ của Mỹ lên “một lối đi vững vàng hơn.”
Bà cũng đề nghị các thành viên khu vực châu Âu minh bạch hơn và có hành động cụ thể:
“Nếu sự tăng trưởng cứ tiếp tục mất đà, các vấn đề kết toán tiền nong sẽ tệ hại hơn, tính vững bền tài chánh sẽ bị đe dọa và viễn ảnh các chính sách có thể cứu vớt nền kinh tế sẽ không còn.”
Nhiều quốc gia Bắc Phi và Trung Đông cũng đến dự hội nghị Marseille, vì hội nghị này cũng tìm cách tái khởi động kinh tế của các nước đó, sau cuộc nổi dậy Mùa Xuân A-rập.
Các bộ trưởng tài chánh và thống đốc ngân hàng trung ương thuộc 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu đang họp cho đến hết ngày thứ Bảy tại Marseille, miền nam nước Pháp, để tìm cách đối phó với những vấn đề tài chánh và kinh tế ngày càng nhiều.