Các bộ trưởng năng lượng từ các nền dân chủ lớn thuộc Nhóm G7 đạt thỏa thuận đóng cửa các nhà máy điện đốt than của họ trong nửa đầu những năm 2030, một bước quan trọng hướng tới quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Bộ trưởng năng lượng Ý Gilberto Pichetto Fratin, người chủ toạ cuộc họp cấp bộ trưởng G7 ở Turin, nói: “Đã có một thỏa thuận kỹ thuật, chúng tôi sẽ ký thỏa thuận chính trị cuối cùng vào ngày 30/4”.
Vào ngày 30/4, các bộ trưởng sẽ đưa ra thông cáo cuối cùng nêu chi tiết các cam kết của G7 nhằm loại trừ cacbon ra khỏi các nền kinh tế của họ.
Ông Pichetto cho biết các bộ trưởng cũng đang cân nhắc những hạn chế tiềm tàng đối với việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga sang châu Âu.
“Vấn đề này nằm trong chương trình nghị sự kỹ thuật và chính trị (của G7). Chúng tôi đang giải quyết vấn đề này, tôi không thể nói xa hơn... nếu có quyết định cuối cùng, tôi sẽ thông báo”, ông nói trong cuộc họp báo.
Than và hạt nhân
Thỏa thuận này đánh dấu một bước tiến quan trọng theo hướng được chỉ ra vào năm ngoái bởi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hiệp quốc COP28 nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, trong đó than là loại gây ô nhiễm nhất.
Ý năm ngoái đã sản xuất 4,7% tổng lượng điện thông qua một số nhà máy đốt than. Rome hiện có kế hoạch đóng cửa các nhà máy của mình vào năm 2025, ngoại trừ đảo Sardinia có thời hạn là năm 2028.
Ở Đức và Nhật Bản, than có vai trò lớn hơn, với tỷ trọng điện năng được sản xuất từ nhiên liệu này cao hơn 25% tổng lượng điện vào năm ngoái.
Năm ngoái dưới sự chủ toạ của Nhật Bản, G7 đã cam kết ưu tiên các bước cụ thể hướng tới loại bỏ dần việc sản xuất điện than, nhưng chưa đưa ra thời hạn cụ thể.
Năng lượng hạt nhân và nhiên liệu sinh học là hai vấn đề khác được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Ý tại cuộc họp và ông Pichetto cho biết cả hai vấn đề này sẽ được đề cập trong thông cáo chung cuối cùng trong số các biện pháp mà các quốc gia G7 có thể chọn để loại trừ cacbon trong sản xuất điện và vận chuyển.