Ngày 27/12, một thành viên trong HĐXX đại án MobiFone mua 95% cổ phần AVG cho biết gia đình cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã nộp lại hơn 66 tỷ đồng (tương đương 3 triệu đôla) mà ông Son khai nhận là quà hối lộ từ Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ.
Truyền thông Việt Nam trích lời thẩm phán Trương Việt Toàn xác nhận: “Chúng tôi sẽ xem xét, đánh giá tình tiết này theo đúng quy định của pháp luật”.
Báo Công an loan tin chiều 27/12, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã tới TAND TP.Hà Nội để nộp biên lai chứng nhận gia đình đã nộp tổng số 66 tỷ đồng cho Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội, khắc phục hoàn toàn số tiền hối lộ 3 triệu đôla.
XEM THÊM: Vụ MobiFone-AVG: Đề nghị án tử cho cựu bộ trưởng nhận hối lộ $3 triệuCũng hôm 27/12, báo Người Lao động dẫn lời ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của ngành Kiểm sát nhân dân, đã đề cập đến vụ án MobiFone mua cổ phần AVG, nêu rõ rằng sẽ “khoan hồng với ai khắc phục hết theo đúng tinh thần ‘trị bệnh cứu người’ của Đảng”.
Trước đó, cựu Bộ trưởng Son đã khai ông nhận hối lộ 3 triệu đôla từ Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị AVG, để chỉ đạo cho MobiFone - công ty TNHH một thành viên trực thuộc Bộ TTTT, mua lại 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỉ đồng, cao hơn giá trị thực của công ty này gần 6.500 tỉ đồng vào năm 2015.
Trước khi HĐXX đưa ra phán quyết, các chuyên gia pháp lý đang có quan điểm khác nhau về việc ông Son có thoát án tử như VKSND Hà Nội đề nghị sau khi gia đình nộp lại 3 triệu đôla, theo báo Zing.
Trang này trích lời luật sư Đỗ Trần Mai Anh, nguyên kiểm sát viên VKSND Hà Nội, cho rằng bị cáo sẽ được xem xét giảm nhẹ khi bồi thường khắc phục hậu quả từ 3/4 số tiền đã nhận.
“Trong các vụ án về kinh tế, yếu tố khắc phục hậu quả vô cùng quan trọng để tòa án và viện kiểm sát xem xét mức hình phạt”, luật sư Mai Anh nhận định và tin rằng ông Son sẽ được khoan hồng.
Trong khi đó, luật sư Trương Thị Minh Thơ, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao, nói rằng số tiền ông Son nộp chỉ lại là vật chứng phạm tội của việc nhận hối lộ và cho rằng “việc giao nộp tiền thu lợi bất chính không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”, vẫn theo trang Zing.
Trong một vụ án khác, hôm 26/12, gia đình bị cựu Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín đã nộp 1,5 tỉ đồng để tạm ứng “khắc phục hậu quả” vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Báo Thanh Niên tường thuật tại phiên xử sáng ngày 27/12: “Viện kiểm sát ghi nhận sự ăn năn hối cải của bị cáo Nguyễn Hữu Tín, khi đã thành khẩn khai báo, nộp 1,5 tỉ đồng khắc phục hậu quả vụ án nên Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín”.
Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tín 7 - 8 năm tù trong khi 4 đồng phạm từng là cấp dưới của ông bị đề nghị mức án từ 4 đến 8 năm tù.
Báo Công an trích lời VKS cho biết ông Nguyễn Hữu Tín là người đứng đầu, đóng vai trò chỉ đạo, nên phải chịu trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên, ông Tín chỉ thừa nhận hành vi mà cáo trạng truy tố nhưng “xin HĐXX xem xét về cáo buộc vai trò chủ mưu”.
Vào tháng 6/2015, với cương vị Phó chủ tịch UBND phụ trách đô thị, ông Tín được cho là ký quyết định giao khu đất công tại số 15 Thi Sách (phường Bến Nghé, quận 1) cho Công ty Bắc Nam 79 do ông Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ Nhôm) làm Giám đốc và một năm sau đó đã cho phép công ty này xây dựng tòa nhà 18 tầng với mục đích thương mại mà không qua đấu thầu.