Nghe nhạc Vũ Thành, dù ông có nói tới bất cứ điều gì nhưng nỗi tư hương vẫn cứ bàng bạc trong mỗi bài hát.
Để theo lời yêu cầu của một số quý thính giả yêu nhạc Vũ Thành, trong câu chuyện Thơ Nhạc của Đài VOA hôm nay, Bích Huyền mời quý vị nghe lại nhạc Vũ Thành…
Vũ Thành là một nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975.
Ông từng giữ chức vụ chỉ huy trưởng của Quân nhạc Việt Nam Cộng Hòa.
Cũng có một thời ông giữ chức Chủ sự Phòng Văn Nghệ đài Phát Thanh Quốc Gia Sài Gòn.
Sau biến cố 1975, ông rời Việt Nam sang định cư tại Hoa Kỳ và ông cũng là nhạc sĩ đầu tiên đã mất tại hải ngoại kể từ 1975.
Trong nền Tân nhạc Việt Nam người ta có thể xếp nhạc Vũ Thành và Dương Thiệu Tước vào dòng nhạc quý phái.
Với bản chất lãng mạn, Vũ Thành không viết gì khác ngoài tình ca.
Nhưng nghe nhạc ông, người ta còn nhận ra một điều khác nữa: Ông là một người rất nặng lòng với quê hương. Dù ông có nói tới bất cứ điều gì trong nhạc của mình, cái nỗi tư hương ấy vẫn bàng bạc ở khắp nơi.
Quả thật là một điều đáng tiếc đối với Vũ Thành là Hà Nội sau 54 và Sài Gòn sau 75, những nơi phải bỏ ra đi, ông đã không một lần được nhìn thấy lại.
Hiện nay, nếu muốn, mọi người đều có thể trở về những nơi ấy, dù chỉ với tư cách du khách.
Cái chết của ông đã biến những chuyến tạm biệt các thành phố thân yêu của mình trở thành những lần vĩnh biệt. Bởi vì khi Vũ Thành còn, chuyện trở về Việt Nam còn là chuyện trong tưởng tượng. Song, có thể cũng vì thế, cái nỗi đau, nỗi tư hương không rời trong nhạc của ông, đã trở thành linh hồn, trở thành sự thật trong nhạc của ông, không bao giờ rời đổi nữa…
Bao năm qua tôi vẫn cứ mong chờ
Ngày trở lại nẻo đường thành phố cũ
Ở miền Nam có nhiều đêm không ngủ
Nhớ vô cùng Hà Nội của ngày xưa
Đường Cổ Ngư còn những cảnh nên thơ
Hồ Tháp bút nước xanh hay ngả đục
Những nẻo phố xưa có còn tấp nập
Trường Trưng Vương còn vạt áo lam bay…
(Những vần thơ nhớ nhung Hà Nội của Nhất Tuấn )
Nhiều người cho rằng nhạc Vũ Thành chịu ảnh hưởng nhạc bán cổ điển Tây phương. Nhưng nếu nghe kỹ nhạc ông, người ta sẽ nhận ra, đó chỉ là sự liên tưởng nhiều hơn là điều có thật. Người ta sẽ khám phá ra rằng, đó là tâm sự của một người có cách diễn tả như thế, không liên quan gì tới nhạc Tây hay nhạc Tàu cả. Ông có lối kiến trúc âm thanh riêng, thuần nhất, người ta có thể nghe và nhận ra đó là nhạc của ông. Và khi được phổ biến, nó đã đóng góp vào vào sự giàu có chung của kho tàng âm nhạc Việt Nam.
Trong những tình khúc đầu tiên của mình, Cung Tiến dùng tiếng “người”, Vũ Thành dùng tiếng “bạn” để gọi người tình.
Người ta không biết những tiếng ấy có bền vững hơn tiếng “em” hay tiếng “người yêu” không? Nhưng rõ ràng là có một khoảng cách giữa cái tên gọi đó. Thế nhưng khi nhạc được hát lên, cái khoảng cách ấy không còn nữa.
Ôi, giá mà chúng ta ai cũng có được một người yêu suốt đời, lại còn là một người bạn nữa nhỉ… Có lẽ vì thế, khi đạt đến đỉnh cao này, người ta gọi nhau là “bạn đời” chăng?
Có nhạc Vũ Thành tình bạn như đẹp hơn, tình yêu trở nên đẹp hơn và Hà Nội cũng thêm phần đẹp hơn. Ước muốn của ông gần gụi với mọi người. Cái buồn trong nhạc của ông nếu có, cũng là cái buồn thơ mộng, khỏe khoắn, dù khi ông nói lời từ biệt.
Vũ Thành là người đầu tiên gọi Hà Nội bằng tiếng “em” ngọt ngào, êm dịu.
Những gì ông viết ra, đều có ý nghĩa một tác phẩm nghệ thuật, một người có thể tạo ra dâng hiến cho đời, không mang một hậu ý nào khác.
Quà tặng của Vũ Thành chúng ta đã nhận được.
Các thế hệ sau tiếp nhận nhạc của ông như thế nào, chúng ta không thể biết trước. Nhưng nếu nhạc của ông còn được nghe, còn được hát, thì dù ông có mất, cũng chỉ là sự vắng mặt mà thôi.
Và trong đời sống còn tình yêu, và quê hương đối với mỗi người chúng ta vẫn còn là một phần thịt xương, thì Vũ Thành vẫn còn là niềm hãnh diện của chúng ta. Vì tựu trung, ông là một trong những nhạc sĩ viết lời ca hay nhất của chúng ta vậy.
* Chương trình biên soạn theo bài viết của nhà văn Nguyễn Đình Toàn
* Những ca khúc trong chương trình:
Giấc mơ hồi hương (Ngọc Hạ hát)
Nhớ bạn (Quỳnh Giao hát)
Nhặt cánh sao rơi (Kim Tước hát)